Danh người và phận đời

Nhiều người vẫn luôn thắc mắc, liệu đặt tên cho con cái, cái tên đấy có vận vào cuộc đời hay số mệnh của chúng?

Cũng vì vậy mà khi một đứa trẻ chào đời, việc tìm cho con một cái tên vừa hay, vừa đẹp, vừa hợp mệnh là cả một vấn đề mà rất nhiều người trăn trở. Hẳn nhiên cũng có người quá tín vào chuyện này, đã khai sinh cho con, gặp thầy, thầy phán cái tên làm hỏng cả cuộc đời, lại tất tả đi đổi tên con, thậm chỉ cải chính cả lý lịch tư pháp với bao rắc rối nhiêu khê…

 

Luận từ một sự đảo lộn

Chuyện bắt đầu từ gia đình của một cậu em tôi là dân doanh nghiệp. Cậu có hai cô con gái và vợ là nữ văn sỹ. Họ hàng cậu em này có nhiều người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Một hôm, tôi nhận được điện thoại hẹn cafe để tư vấn về việc đổi tên, cải chính lý lịch tư pháp cho cả nhà 4 người trong nhà. Tôi hoảng quá vì chưa hiểu mô tê gì và hẳn phải có điều gì ghê gớm lắm thì cậu em mới hỏi về việc… đổi tên cho cả nhà. Số là một ngày đẹp trời, cô em họ của cậu em này là một ca sỹ khá nổi tiếng đến nhà cậu em tôi chơi. Cô ca sĩ dẫn theo một người phụ nữ được cho là một bậc thầy đặt tên để hoán cải vận mệnh con người. Theo cô em ca sỹ kia thì trước đây cũng chật vật về làm ăn và trong cả nghề nghiệp, nhưng từ khi có quý nhân là “cô” độ cho cái tên khác thì sự nghiệp phất lên như diều gặp gió. Không chỉ cô ca sỹ này mà nhiều bạn bè đồng nghiệp của cô cũng thay đổi hẳn vận mệnh khi được thay đổi bằng những cái tên và nghệ danh khác. Ông em tôi ban đầu cũng chẳng tin, nhưng khi đọc tên mình, tên vợ, tên con thì được “cô” phán những thông tin khá trùng hợp với gia đình cậu em. Rồi “cô” chốt lại: “Phải đổi tên cả nhà, không thì không ra gì đâu. Không cẩn thận cả nhà chết vì tai nạn đấy. Mà muốn đẻ thêm con trai cũng phải đổi tên…”. Từ đấy cả nhà cậu em tôi gần như đứng ngồi không yên, dù cậu em vẫn là dân không mê tín. Theo “cô” thì nếu muốn hết nạn, cả nhà sẽ phải đổi tên, nhưng không phải đổi thông thường, mà phải đổi toàn bộ từ trong hồ sơ, bằng cấp, giấy tờ, lý lịch mới triệt để. Nghĩa là phải cải chính lý lịch tư pháp cho cả nhà. Từ khai sinh, lý lịch, lý lịch tư pháp, bằng cấp, giấy đăng ký kết hôn, chứng minh thư…đều phải làm lại tuốt tuồn tuột. Hoặc làm lại các giấy tờ quan trọng, còn các giấy tờ khác nếu không làm lại thì gặp sự cố liên quan phải sấp ngửa đi chứng minh kiểu như Trần Văn A và Trần Văn B là một! Cậu em choáng và lo. Tôi thì chẳng biết khuyên thế nào cho phải. Bởi gàn nó, sau nhỡ ngộ sự nó lại trách mình bất tín với tâm linh mới dẫn đến chuyện không may. Còn nếu khuyên nó đi cải chính hộ tịch cho cả nhà thì hẳn bạn đọc biết sẽ rối ren và phức tạp thế nào về sau này… Tôi đành khuyên chung chung: “Phúc đức cốt ở cái tâm và ăn ở, sống lành, sống thiện, không làm điều ác với ai, thì chắc cũng không ai nỡ hại mình đến thiệt thân…”.

Muôn hình vạn trạng chuyện đặt tên

Đặt tên cho con về mặt tâm lý là cả một sự kỳ vọng của những người làm bố mẹ về sự thành công của con cái sau này. Chọn tên là một sự kỳ công, tránh phạm huý tiên tổ, tránh phạm huý với các bậc vua chúa, thánh nhân. Đặt tên con thuở bé càng xấu càng dễ nuôi, càng xấu càng không bị quỷ thần để ý, đó là một nét văn hoá thường thấy trong danh xưng cá nhân của người Việt. Trẻ con ở quê thường có những cái tên rất ngộ, nào là Tèo, Tý, Tồ, Tẹt, thậm chí có nhà còn đặt tên con là…Cứt. Có một gia đình ở Quảng Bình, gia đình có 7 người con, 7 đứa có 7 cái tên cực ngộ: Đói, No, Nê, Nghẹn, Sề, Mê, Mết. Có người lại chẳng theo trường phái nào, thích gì đặt đấy, thậm chí là tuỳ tiện. Con sinh năm nào, đặt tên ấy, kiểu như: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Có kẻ lại lấy năm sinh đặt tên cho con, kiểu như Chín Hai, Tám Bảy.

Tính danh học, cái tên và số phận

 

Trước khi bàn đến danh tính học trong việc đặt tên của Trung Quốc, thì ngay cả một số nghiên cứu của phương Tây cũng cho rằng cái tên có ảnh hưởng khá sâu sắc đến các chặng đường phát triển của mỗi cá nhân trong các giai đoạn của cuộc sống. Tiến sĩ David Figlio (Đại học Northwestern, Mỹ) phát hiện thấy những bé gái được đặt tên nữ tính thường học khá các môn khoa học nhân văn, trong khi những bé mang những cái tên trung tính (đặt được cả cho nam và nữ) lại thiên về các môn khoa học tự nhiên. Ngoài ra, Figlio còn cho rằng tên đặt có ảnh hưởng đến cách hành xử cũng như cách một đứa trẻ được đối xử ở trường. Cụ thể là những bé trai được đặt tên nữ tính thường gặp vấn đề trong cách hành xử khi lên cấp 2. Trong một nghiên cứu khác, Figlio phân tích tác động của những tên được coi là “thấp kém về mặt ngôn ngữ” đối với cuộc sống của đứa trẻ. Figlio thấy rằng những đứa trẻ mang những cái tên “thấp kém” này ở trường hay bị liệt vào dạng cá biệt, được đánh giá là kém thông minh và hay bị điểm kém trong các bài kiểm tra. Nhiều nơi trên thế giới khi đặt tên cho con, họ phải tra google để xem tên con mình có trùng với tên của những kẻ giết người hay những tội phạm hay biến thái tình dục hay không. Như vậy ở bất kỳ nơi đâu, việc đặt tên cho con cái cũng được xem xét thấu đáo từ nhiều góc độ khác nhau. Trở lại với bộ môn Tính danh học của Trung Quốc, người Trung Quốc cho rằng “tên hay sẽ có thời vận tốt”, nên họ nghiên cứu kỹ việc đặt tên trên nhiều bình diện, trong đó có cả màu sắc ký bí, tâm linh. Tính Danh Học là một môn khoa học lâu đời được lưu truyền rộng rãi ở Trung Quốc và một số nước phương Đông. Nó được xây dựng trên cơ sở hiểu biết về Bát Tự Học là môn khoa học tìm hiểu về số phận con người thông qua giờ, ngày, tháng, năm sinh. Tính Danh Học là một trong những phương pháp để nhằm thay đổi những yếu tố không tốt của số phận tiên thiên, tạo ra một số phận hậu thiên tốt đẹp từ việc xác định một danh xưng phù hợp với các yếu tố của vũ trụ. Nghĩa là danh xưng cá nhân, theo trường phái này tên người cũng là một dạng phong thủy, một môi trường sống bao quanh ta và có ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống của mỗi chúng ta. Theo thuyết này, một cái tên được gọi là đẹp phải có sự phù hợp, chứ không đơn thuần chỉ là cái tên mang ý nghĩa đẹp. Sự phù hợp ở đây là cái tên đó hợp về mặt phong thủy, ngũ hành, con giáp, ngày tháng năm sinh… của người được đặt tên. Cái tên đi theo mình suốt đời, có tác dụng bổ sung, cải thiện những khiếm khuyết hoặc có thể ức chế, làm giảm thiểu những khả năng xấu phát sinh trong cuộc đời. Cái tên mang ý nghĩa đẹp chỉ là cái vỏ bề ngoài, là một bộ phận cấu thành của Tính Danh Học mà thôi. Chính vì thế, một cái tên có ý nghĩa tốt đẹp nhưng nếu không phù hợp thì số phận chưa chắc đã tốt đẹp và may mắn.

Danh không phải là yếu tố quyết định phận

Danh luôn đi với phận, nhưng danh liệu có phải là yếu tố quyết định đến phận? Đây là thắc mắc của vô số người khi quyết định đặt tên cho con. Suy cho cùng, danh chỉ là cái vỏ hình thức bên ngoài, nói theo triết học thì hình thức có tác động nhất định đến nội dung, nhưng nội dung mới là yếu tố quyết định hình thức. Vậy nên phận sẽ quyết định đến danh. Nhắc đến phận thì tâm và tài là hai yếu tố quyết định. Vậy nên tâm sáng, sống đức độ, hướng thiện, làm việc tốt thì gieo cả phúc đức cho mình lẫn cho con cháu sau này. Bên cạnh tâm đức, thì việc rèn dũa tài năng, học hỏi để làm cho trí tuệ sáng láng, minh triết thì cũng làm cho phận thay đổi tích cực. Như vậy, tâm và tài sẽ là yếu tố quyết định đến cuộc đời của một con người. Cái tên quan trọng, nhưng nó chỉ có những ảnh hưởng nhất định. Tên đẹp hay xấu, thực ra chưa chắc đã phải là yếu tố dẫn đến sự thành công của đời người. Vậy nên việc đặt tên người để hy vọng một sự toả sáng sau này, bên cạnh sự vận dụng tính danh học thì quan trọng hơn là phải rèn dũa tâm và tài. Cái tên là yếu tố cộng hưởng để góp phần quyết định đến vận mệnh của một con người bên cạnh hai yếu tố quan trọng bậc nhất của mệnh là tâm và tài…

 

Theo Pháp Luật Plus

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU