Theo quan niệm dân gian thì Tết Đoan Ngọ hay Tết diệt sâu bọ (5/5 âm lịch) được cho là một trong những ngày Tết đặc biệt của người Việt.
Tết Đoan Ngọ còn có tên gọi khác là Tết Đoan dương, đây là ngày có thời điểm khí dương thịnh nhất trong năm, với thời gian Mặt trời chiếu sáng dài nhất. Vào ngày Tết Đoan Ngọ, mọi người thường chuẩn bị mâm cúng để dâng lên bàn thờ tổ tiên.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đồ cúng tết Đoan Ngọ gồm những gì và cần chuẩn bị thế nào. Cùng check ngay những món đồ không thể thiếu trong ngày Tết có phần đặc biệt này nhé!
Mâm cỗ cúng ngày Tết Đoan Ngọ:
Theo truyền thống, mâm cúng dâng lên lễ gia tiên vào ngày Tết Đoan Ngọ gồm các loại trái cây như vải, mận (2 loại quả không thể thiếu); rượu nếp, bánh gio (bánh ú tro, bánh tro, bánh âm)...
Mận...
... và vải là hai thứ quả không thể thiếu trong dịp Tết Đoan Ngọ.
Tùy từng vùng miền, đồ cúng tết Đoan Ngọ sẽ có sự khác biệt đôi chút.
Nếu như miền Bắc có bánh gio trong mâm cúng thì người miền Nam lại có bánh ú, miền Trung lại không thể thiếu thịt vịt.
Bánh gio là một loại bánh được làm từ gạo tẻ hoặc gạo nếp đã ngâm trong nước tro được đốt bằng củi các loại cây khô hay rơm, gói trong lá chuối hoặc lá dong.
Đây là loại bánh rất dễ ăn, dễ tiêu, thường ăn với đường hoặc mật mía.
Đặc biệt, cơm rượu nếp hoa vàng, cơm rượu nếp cẩm là món không thể thiếu trong mâm cúng ngày Tết Đoan Ngọ. Trong quan niệm của người Việt Nam xưa, Tết Đoan Ngọ là Tết diệt sâu bọ, là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt loại có hại cho cây trồng.
Bên cạnh đó, người Việt Nam còn gọi Tết Đoan Ngọ là Tết giết sâu bọ vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ bùng phát. Bởi vậy vào ngày này, dân gian có nhiều phong tục trừ trùng phòng bệnh.
Mỗi món ăn, mỗi lễ vật có trong mâm cúng Tết Đoan Ngọ đều mang những ý nghĩa riêng của từng vùng miền. Tuy nhiên, tất cả đều mang lòng thành kính, hướng tới Tổ tiên.
Theo tục lệ ngày xưa, người dân thường cúng Tết Đoan Ngọ vào sáng sớm, nhưng thực chất Tết Đoan Ngọ được tiến hành vào giờ chính Ngọ (giữa trưa) ngày 5/5 Âm lịch. Bởi Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11 giờ tới 13 giờ mà.
Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ
Truyền thuyết xa xưa kể rằng, vào một mùa vụ nọ, nông dân trúng mùa, cây trái trĩu quả. Tuy nhiên, không biết từ đâu sâu bọ lại kéo đến dày đặc, ăn hết cây trái trong vườn. Đang đau đầu, không biết làm cách nào để giải quyết được hết số sâu bọ này thì bỗng nhiên một ông lão tên Đôi Truân xuất hiện.
Ông đã hướng dẫn người dân lập đàn cúng với lễ vật đơn giản, chỉ gồm bánh tro, trái cây. Cúng xong rồi, người dân cùng nhau ra trước nhà vận động cơ thể. Chỉ vậy thôi mà sâu bọ bỏ đi hết thật, chẳng còn con nào ở lại.
Ông Đôi Truân giải thích, đây chính là mùa sâu bọ mạnh và hung hăng nhất, mỗi năm cứ làm theo lời ông dặn thì sẽ diệt được hết sâu bọ. Lòng mừng rỡ vì đã đuổi được hết sâu bọ, dân tình chưa kịp cảm ơn ông thì ông đã đi mất.
Từ đó, dân gian vẫn hay gọi ngày này là Tết diệt sâu bọ hay Tết Đoan ngọ và cúng vào giữa giờ Ngọ ("Đoan" được hiểu là mở đầu, còn "Ngọ" là canh giờ từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều).
Theo Trí thức trẻ