Số trẻ đến khám dậy thì sớm ở các bệnh viện ngày càng tăng - Ảnh minh họa
Để đèn quá sáng khi ngủ cũng gây dậy thì sớm
Thói quen đi ngủ vẫn bật đèn cũng có tác động tới việc dậy thì sớm ở trẻ. Khi ngủ, buổi ban đêm, tuyến yên sẽ tiết ra một lượng lớn melatonin. Mà melatonin có thể ức chế giải phóng gonadotropin tuyến yên và ngăn ngừa dậy thì sớm.
Nhưng nếu trẻ tiếp xúc với ánh sáng quá mức sẽ giảm bài tiết melatonin trong tuyến yên. Nếu nhận thấy con có dấu hiệu dậy thì sớm hơn so với bạn bè đồng trang lứa bố mẹ cần gần gũi, trò chuyện, giải thích cho bé hoặc thậm chí có thể cho bé gặp chuyên gia tư vấn tâm lý và đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa để chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
Ngày càng nhiều trẻ dậy thì sớm
Ở thời điểm tháng 5/2019, tại Khoa Thận - Nội tiết Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) có khoảng 300 trẻ phải điều trị thuốc hormone kìm hãm dậy thì sớm. Con số trẻ khám dậy thì sớm có dấu hiệu tăng dần trong thời gian gần đây.
Điển hình trường hợp của bé trai NQT chỉ mới năm tuổi nhưng khi tắm cho con, chị TMH (39 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) phát hiện bộ phận sinh dục của con có dấu hiệu trưởng thành sớm nên đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Sau khi làm các xét nghiệm và chụp tuổi xương, chị H. mới hay con bị dậy thì sớm không rõ nguyên nhân và cần phải điều trị bằng cách tiêm hormone kìm hãm tình trạng này mỗi tháng. Sau 5 tháng điều trị, tình trạng của bé T đã được kiểm soát.
Bé T. không phải là trường hợp cá biệt, chị NTM (35 tuổi, huyện Bình Chánh) cho hay cách đây một năm, bé A con gái chị đi học hay bị bạn bè trêu chọc vì vòng 1 to. Chị thấy bất thường vì con chưa hề đến tuổi dậy thì. Tìm đọc tài liệu trên mạng, thấy con có dấu hiệu của bệnh dậy thì sớm nên chị đưa con đi khám và điều trị.
Thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, trong 3 năm gần đây, bệnh viện đã điều trị cho khoảng 450 trẻ có biểu hiện dậy thì sớm. Trên thực tế, tuổi dậy thì thường bắt đầu ở trẻ em gái ở độ tuổi từ 8 và 12 và ở các bé trai ở độ tuổi từ 9 và 14. Tuổi dậy thì sớm là tuổi dậy thì bắt đầu trước 8 tuổi (đối với bé gái) và trước 9 tuổi (đối với bé trai).
Giai đoạn dậy thì thường kéo dài từ 3 đến 5 năm. Trẻ nam dậy thì sớm thường tăng trưởng chiều cao rất nhanh, từ 10 đến 15 cm một năm, giọng trầm, mọc trứng cá, lông mu, ria mép, cơ bắp vạm vỡ… và có mùi cơ thể. Trẻ gái dậy thì sớm tuyến vú to bất thường, có thể to một bên…
Nhiều hệ lụy
Theo bác sĩ Bùi Phương Thảo - Phó Trưởng Khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương thì hơn một nửa số trẻ mắc bệnh dậy thì sớm đều có chiều cao không quá 150cm. Do chu kỳ tăng trưởng của tuổi dậy thì bị rút ngắn đáng kể dẫn đến cơ thể của trẻ không có đủ thời gian phát triển bình thường dẫn đến chiều cao của trẻ dậy thì sớm sẽ thấp hơn so với người bình thường...
Cơ thể thấp, lùn chưa phải là biến chứng nặng nhất của dậy thì sớm mà đó là rối loạn nội tiết. Dậy thì sớm bản chất là một bệnh về nội tiết, chỉ có điều trẻ dậy thì sớm sẽ có sự khác biệt về mức độ rối loạn nội tiết. Những trẻ có dấu hiệu nhẹ, chủ yếu biểu hiện ở việc mất cân bằng nội tiết. Những trẻ có mức độ nghiêm trọng hơn, có nguy cơ gây buồng trứng đa nang.
Bên cạnh đó, trẻ dậy thì sớm có những dấu hiệu phát triển sinh lý trước tuổi. Những thay đổi trên cơ thể của trẻ dậy thì sớm khác với những trẻ cùng trang lứa sinh ra những vấn đề tâm lý làm cho trẻ ngại ngùng, có tâm lý tự ti và để lại di chứng cho trẻ sau khi trưởng thành. Việc phát triển tâm sinh lý quá sớm cũng sẽ dẫn đến những ham muốn tình dục. Lúc này các em còn quá nhỏ, suy nghĩ chưa chín chắn nên dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng.
Theo khuyến cáo của Sở Y tế Hà Nội, để phòng ngừa việc dậy thì sớm ở trẻ em cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bố mẹ nên xây dựng một chế độ ăn phong phú, đầy đủ chất dinh dưỡng, giàu rau củ quả, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, xúc xích,... hay những thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo và có hàm lượng đường cao.
Lưu ý chọn các thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh mua thực phẩm trôi nổi không uy tín, thực phẩm chứa hocmon tăng trưởng sẽ ảnh hưởng tới sinh lý của trẻ. Nên khuyến khích trẻ tập luyện thể dục ít nhất là 30 phút mỗi ngày. Các môn thể thao như bơi lội, cầu lông, nhảy dây, đá bóng, đá cầu... không chỉ giúp trẻ rèn luyện sức khỏe mà còn ích lợi cho việc trau dồi kỹ năng sống của trẻ.
Theo phapluatplus.vn