Chủ Nhật Cường Mobile bỏ trốn, ĐBQH muốn luật mạnh tay
Thảo luận tại tổ chiều nay về Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Phó Ban Dân nguyên của Ủy ban TVQH) đã nêu ý kiến về quy định liên quan các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh ở điều 28 của dự Luật.
Theo ông Nhưỡng, trước đây, ông đã trả lời báo chí về trường hợp Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã bỏ trốn, hiện đang bị truy nã và trường hợp Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài.
"Đến hiện nay, lại đến trường họp Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Nhật Cường Mobile lại bỏ trốn.
Tôi đã nói với những trường hợp nằm trong các chuyên án, đưa vào diện điều tra cả một hệ thống, công ty lớn như vậy mà ta lại thả lỏng, để bỏ trốn là không chấp nhận được.
Những trường hợp này khi đã đưa vào chuyên án, cần có trinh sát nội, ngoại tuyến theo dõi và phải dự phòng các trường hợp cấm xuất cảnh.
Do đó, tôi đề nghị tất cả các đối tượng liên quan đến các vụ án đang được xem xét để điều tra, trong quá trình điều tra cần cấm xuất cảnh. Đây là các trường hợp trong thực tiễn đã xảy ra rồi và toàn những "đầu to".
Có dấu hiệu phạm tội rồi mà đi không biết, rõ ràng, đây là sơ hở vô cùng to lớn để Nhà nước mất nhiều tiền của, công sức, dư luận không tin tưởng", ông Nhưỡng nêu rõ.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cũng cho rằng dự luật có quy định những trường hợp tạm hoãn xuất cảnh nhưng trong quy định chưa chặt chẽ.
Theo ông, có những người phạm tội tham nhũng, vi phạm khuyết điểm, khi có dấu hiệu nhưng đang trong quá trình xử lý, điều tra, nhưng chưa có quyết định khởi tố thì luật cũng phải quy định biện pháp ngăn chặn như thế nào.
"Ví dụ trường hợp Vũ Đình Duy trốn ra nước ngoài, rồi Trịnh Xuân Thanh hay Vũ "nhôm", thậm chí giờ ông chủ Nhật Cường Mobile cũng trốn.
Tôi biết là có điều kiện quyền của công dân, thế nhưng giờ có Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh phải quy định để ngăn chặn, ngăn ngừa đối tượng như vậy trốn ra nước ngoài", ông nhấn mạnh.
Quy định tạm hoãn xuất cảnh vừa thừa, vừa thiếu
Đồng quan điểm đó, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho hay, quy định về các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh trong khoản 1 điều 28 dự thảo luật vừa thừa lại vừa thiếu.
Cụ thể, khoản 1 điều 28 dự thảo quy định: "Bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự".
ĐB Nguyễn Văn Hiển.
Ông phân tích, thiếu ở chỗ, nếu chiếu theo Luật Tố tụng hình sự có quy định một người bị buộc tội bao gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật lại không có quy định về người bị bắt, bị tạm giữ.
Thêm vào đó, theo đại biểu Hiển, vừa quam dư luận nói nhiều và rất bức xúc về một số trường hợp không nằm trong trường hợp quy định tại khoản 1 điều 28.
"Như vụ Trịnh Xuân Thanh trước đây hay ông chủ Nhật Cường mobile rõ ràng những trường hợp này, họ chưa bị khởi tố vụ án, chưa bị bắt, chưa bị tạm giữ và cũng chưa có đơn tố giác.
Trong tình huống này vụ việc rất nghiêm trọng nhưng người ta vẫn xuất cảnh, trốn đi được. Tôi cho rằng, Luật này phải xử lý được những trường hợp mà dư luận rất quan tâm", ông Hiển nêu ý kiến.
Theo ĐB Hiển, trong nhiều trường hợp, không có đơn tố giác nhưng trong quá trình điều tra, xác minh, các cơ quan tố tụng làm chính xác, biết được đối tượng này đang vào vòng tình nghi nhưng chưa ra bất cứ 1 quyết định tố tụng nào.
"Trong luật chúng ta cũng cần có cách đưa ra những trường hợp này như trường hợp đặc biệt. Tôi cho rằng cơ quan thẩm quyền trong tình huống cụ thể cần xem xét biện pháp hạn chế xuất cảnh", ông đề nghị.
Theo ông, về mặt pháp lý chưa có bất cứ quyết định gì nhưng về mặt thực tế nếu những trường hợp này không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, không có biện pháp hoãn xuất cảnh chắc chắn sẽ trốn, trốn sẽ xảy ra rất nhiều hệ lụy.
Còn có những trường hợp thừa, ĐB Hiển lấy ví dụ người bị tố giác trong Luật Tố tụng hình sự quy định chỉ cần 1 công dân đưa đơn tố giác người này phạm tội, nhưng đơn đấy chưa được xác minh rằng có đủ chứng cứ phạm tội hay không, thì đã ngăn không cho người đó xuất cảnh.
"Tôi cho rằng trường hợp này không đúng với bản chất của vấn đề. Phải cơ quan có thẩm quyền kết luận rằng tố giác này có căn cứ hay không thì lúc đấy chúng ta mới áp dụng biện pháp hạn chế xuất cảnh, chứ nếu quy định như thế này thì rộng quá, và thừa", ông phân tích.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, dự thảo Luật gồm 6 chương 40 điều, trong đó đối với công dân, gồm 8 điểm mới:
- Quy định rõ quyền, nghĩa vụ của công dân, gồm 4 quyền, 3 nghĩa vụ.
- Không đặt vấn đề "nộp hồ sơ" khi đề nghị cấp hộ chiếu mà chỉ quy định điền vào tờ khai theo mẫu hoặc khai qua mạng internet để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
- Người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông lần đầu ở trong nước nếu có căn cước công dân có quyền lựa chọn thực hiện thủ tục tại Công an địa phương nơi thuận tiện nhất. Quy định hiện hành là nơi thường trú hoặc tạm trú dài hạn.
- Đối với hộ chiếu phổ thông, không đặt vấn đề hộ chiếu còn hạn hay hết hạn, mà quy định người đề nghị cấp hộ chiếu từ lần hai trở đi được lựa chọn nơi tiếp nhận tờ khai. Quy định hiện hành, hộ chiếu hết hạn 1 ngày vẫn phải về Công an địa phương nơi thường trú để nộp hồ sơ, còn hạn 1 ngày có thể nộp tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh.
- Công dân có quyền lựa chọn nơi nhận hộ chiếu. Quy định này nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân, tránh thủ tục phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực.
- Hộ chiếu cấp riêng cho từng người. Quy định hiện hành, người chưa đủ 9 tuổi cấp chung với bố, mẹ, thời hạn 5 năm.
- Người từ đử 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc không gắn chíp điện tử.
- Luật hóa việc khôi phục giá trị hộ chiếu bị mất được tìm thấy, nếu người dân có yêu cầu; để tạo thuận lợi cho người dân, nhất là các trường hợp có thị thực của nước ngoài còn thời hạn.
Theo Trí thức trẻ