Thủng màng nhĩ vì ngoáy tai
Theo số liệu được công bố mới đây khiến không ít người giật mình, hơn 50% bị đau tai , trong đó hơn 8% bị đau tai nặng phải điều trị nguyên nhân do lấy ráy ở tiệm cắt tóc. Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương mỗi năm phải xử lý hàng trăm ca bị thủng màng nhĩ.
Nhiều người nghĩ không lấy ráy tai sẽ gây ra việc tắc nghẽn ống tai, làm suy giảm thính giác hoặc theo thói quen lấy ráy tai cảm giác được thư giãn. Nên họ có thói quen sử dụng bông tăm, đầu chiếc chìa khóa, chiếc kẹp tóc hay đơn giản là móng tay... để làm sạch ráy tai và loại bỏ bụi bẩn trong lỗ tai, nhưng sạch đâu chưa thấy còn gây tổn thương cho tai.
Mới đây, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh vừa điều trị cho người đàn ông trung niên (48 tuổi) bị thủng màng nhĩ do ngoáy tai.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ù tai , nghe kém, chảy máu rồi chảy mủ tai trái khi nước chảy vào tai. Qua 10 ngày điều trị tích cực, màng nhĩ biểu bì hóa, lành thương tổn nhưng cũng là trường hợp cảnh báo những người có thói quen lấy rấy tai.
Màng nhĩ bị thủng của nam bệnh nhân này.
Hay trường hợp của bệnh nhân nữ khác cũng phải vào viện vì rách màng nhĩ. Bệnh nhân này cho biết, chị thấy tai hay bị ù nên càng siêng lấy ráy vì nghĩ rằng tai bẩn mới ù. Thế nhưng, cảm giác ù tai tăng dần và khi thấy ống tai chảy dịch, chị mới đi khám. Khi chị vào bệnh viện thì ống tai đã bị chảy máu, có mủ, màng nhĩ bị rách.
Trở thành "con nghiện" lấy ráy tai ở tiệm cắt tóc, anh Nguyễn Văn Quân – Tân Mai, Hà Nội chia sẻ, tuần nào anh cũng phải ra tiệm cắt tóc gội đầu và để cho nhân viên tiệm cắt tóc lấy ráy tai vì anh thích cảm giác được lấy ráy tai như một cách thư giãn cho đầu óc thoải mái.
Tuy nhiên, một lần đang lấy ráy tai, trong lúc bất cẩn nhân viên lấy ráy tai đã làm tổn thương tai của anh. Anh thấy tai đau nhói và ù tai. Khi đến bệnh viện, bác sĩ cho biết anh bị thủng màng nhĩ do lấy ráy tai.
Sau đợt điều trị đó, anh Quân chừa không ra quán lấy ráy tai nhưng thi thoảng tai ngứa anh vẫn phải tự lấy cho mình. Mỗi lần lấy ráy tai, anh Quân thú thật "rất sướng" nhưng đúng là hại tai.
Chuyên gia khuyến cáo không được tự lấy ráy tai
Theo PGS Lê Công Đinh - Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Bạch Mai, ông còn gặp nhiều trường hợp không chỉ bị thủng, rách màng nhĩ do lấy ráy tai mà còn vị nấm tai do lấy ráy tai hiệu cắt tóc. Dụng cụ lấy ráy tai không được vệ sinh sạch sẽ nên lấy nấm từ người này cho người kia còn chưa kể các bệnh lý khác.
PGS Định nhấn mạnh, trong bất cứ điều kiện nào cũng không tự ý lấy ráy tai bởi theo cấu trúc của tai thì ráy tai sẽ tự động rơi ra ngoài, việc dùng vật sắc, cứng lấy ráy tai chỉ làm ráy tai đẩy vào trong và làm tổn thương tai.
Theo PGS Định, trong các bộ phận của tai ngoài sụn, xương còn có da ống tai, trong đó có tuyến ráy. Tuyến này tiết ra chất nhày tạo lớp màng mỏng vàng hơi sền sệt phủ ống tai ngoài gọi là ráy tai. Cơ thể bài tiết hết lớp này lớp khác. Thực tế, ráy tai có vai trò quan trọng với cơ thể.
Trong ráy tai có chứa mỡ, protein, chất kháng sinh giúp chống lại vi khuẩn, bôi trơn lớp da ở ống tai, bảo vệ da ống tai không bị viêm nhiễm. Ngoài ra, nó cũng có tác dụng bảo vệ tai khỏi âm thanh quá lớn, làm lớp đệm giúp giảm âm từ bên ngoài vào tai như tiếng sét, tiếng còi ôtô.
Nếu thấy ngứa khó chịu có thể dùng miếng bông rất nhỏ cho vào ngón tay út thấm nhẹ nhàng hoặc dùng tay ấn nhẹ nhàng bên ngoài. Nước vào tai gây ù thì chỉ cần nghiêng đầu lắc lắc nước có thể rơi ra ngoài.
PGS Định cho biết, một số người bị ráy ướt, ráy déo dính nếu lấy thì vô tình đẩy ráy tai sâu vào ống tai lấp đầy ống tai. Ráy tai bị ép lên màng nhĩ và khiến nó không thể rung lên đúng như chức năng. Vì thế sẽ ảnh hưởng tới những vấn đề về thính giác.
Theo giadinh.net.vn