Đẹp đôi như Song - Song còn ly dị, bảo sao giới trẻ Hàn ngày nay kiên quyết: Không hẹn hò, không kết hôn và không sinh con

Theo khảo sát, 65% người trẻ xứ sở kim chi hiện nay đều nghĩ rằng việc kết hôn, sinh con là không cần thiết. Là do họ đã quá mệt mỏi với những áp lực trong cuộc sống gia đình hay chỉ đơn giản là mất niềm tin vào hôn nhân và tình yêu?

Không như những câu chuyện tình yêu đẹp và lãng mạn trong các bộ phim truyền hình nổi tiếng khiến khán giả xuyến xao, giới trẻ Hàn Quốc ngày nay gây bất ngờ khi thẳng thắn bày tỏ không hề muốn hẹn hò hay thậm chí là kết hôn, sinh con đẻ cái. Điều này hiện đang là thực trạng nhức nhối trong xã hội khiến cả chính phủ nước này cũng phải vào cuộc để cải thiện tình trạng nói trên.

Khi "thành gia lập thất" không còn là mục tiêu và đích đến cuối cùng của đời người

Cũng như nhiều nước khác, câu hỏi mà người trẻ Hàn Quốc cảm thấy sợ hãi nhất mỗi khi đối mặt với người thân, bạn bè, đồng nghiệp hay thậm chí là người lạ chính là: "Bao giờ bạn kết hôn?". Một người đàn ông ở Seoul cho biết anh thường xuyên bị "hành hạ" bởi câu hỏi đó mỗi khi về nhà thăm bố mẹ. Ban đầu, có vẻ như họ chỉ nói đùa, nhưng rồi dần dần trở nên nghiêm túc và mang tính ép buộc hơn. Một cô gái 32 tuổi, làm công việc tự do ở Seoul cũng kể một câu chuyện tương tự, khi cô mới gặp một người nào đó lần đầu thì đã bị họ hỏi về việc bao giờ kết hôn. Cô cảm thấy đó thực sự là một việc làm thô lỗ và không cần thiết.

Tuy nhiên, bất chấp những tác động thúc giục việc kết hôn gần như quá mức thường xuyên này, ngày càng nhiều người Hàn Quốc quyết định hoàn toàn gạch bỏ cụm từ "cưới xin" trong danh sách những việc phải làm của cuộc đời mình. Trên thực tế, nhiều người thậm chí còn không thiết hẹn hò, yêu đương gì nữa.

Giới trẻ xứ kim chi không còn mặn mà chút nào với việc kết hôn

Một cuộc khảo sát của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc được công bố vào đầu tháng 1 cho thấy, kể từ năm 2012, chỉ có chưa đến 40% trong số những người từ 20 - 44 tuổi đang hẹn hò và tỷ lệ trong các cuộc hôn nhân còn thấp hơn nữa. Theo báo cáo của tờ Korea Herald, trong năm 2015, 90% nam giới và 77% phụ nữ từ 25 - 29 tuổi chưa kết hôn. Trong số những người ở độ tuổi 30 - 34, con số này là 56% và 33 % đối với những người từ 40 - 45.

Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc cũng thấp nhất thế giới, giảm xuống 0,95 vào cuối năm ngoái. Điều này có nghĩa là cứ 100 phụ nữ thì chỉ có 95 trẻ em được sinh ra. Để duy trì dân số ổn định, tỷ lệ sinh cần phải là 2.1. Trong thời kỳ bùng nổ của đầu thập niên 70, gần 1 triệu trẻ em Hàn Quốc đã được sinh ra mỗi năm. Nhưng vào năm 2017, con số đó đã giảm hơn một nửa xuống chỉ còn 357.700.

Kết quả của việc này là một xã hội ngày càng được tạo nên từ những người già. Theo một báo cáo được công bố vào năm ngoái của nhà kinh tế Lee Jong-wha thuộc Đại học Hàn Quốc, đến năm 2030, gần 1/3 số người Hàn Quốc sẽ nằm trong độ tuổi từ 65 tuổi trở lên.

Những trở ngại trước khi nói câu "Em/Anh đồng ý!"

Ít ai biết, Hàn Quốc từng là nước thuộc thế giới thứ 3 với kinh tế trì trệ, tỉ lệ đói nghèo cao và dân trí thấp. Nhưng chỉ trong vòng 7 thập kỉ, đất nước của làn sóng Hallyu đã có tốc độ tăng trưởng thần kì và sở hữu những ông trùm công nghệ khét tiếng, đồng thời vươn lên trở thành một trong những con rồng châu Á. Chính tốc độ "thay da đổi thịt" quá nhanh, để lại hệ quả là một thế hệ với lối sống 3-không (hay Sampo Generation) tức không hẹn hò, không kết hôn và thậm chí không sinh con.

Một cuộc khảo sát năm 2013 cho thấy các cặp vợ chồng Hàn Quốc phải chi trung bình 90.000 USD cho những chi phí thuê địa điểm tổ chức lễ cưới, quà cáp và nhiều phụ phí khác để có thể có một hôn lễ như ý. Và sau đó, gánh nặng kinh tế ấy vẫn tiếp tục đeo bám họ khi đã về chung một nhà.

Chi phí trong suốt quá trình mang thai cho tới khi sinh và nuôi dưỡng đứa trẻ trưởng thành tại Hàn Quốc không hề thấp. Chưa kể chi phí thuê nhà, chi phí sinh hoạt,... đắt đỏ không kém khiến cô Kim Ji-Won, 24 tuổi chia sẻ: Sẽ tốt hơn nếu được sống độc thân, bởi chứng kiến bạn mình luôn chật vật mỗi tháng với đủ loại tiền cho cả gia đình và những đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn khiến cô hoảng sợ.

Một việc hạnh phúc như tổ chức hôn lễ cùng người mình yêu hoá ra lại mang đến cho giới trẻ Hàn Quốc thêm nhiều gánh nặng trong cuộc sống

Chính phủ Hàn Quốc cũng nhận thức rõ về vấn đề này, nên kể từ năm 2005, họ đã chi 36 nghìn tỷ won (32,1 tỷ USD) để cố gắng giảm bớt gánh nặng tài chính khi có con, cung cấp các khoản trợ cấp chăm sóc trẻ em 300.000 won (268 USD) mỗi tháng cùng với các ưu đãi khác cho các gia đình trẻ.

Bên cạnh đó, biện pháp mới đã được công bố vào hồi tháng 7, chẳng hạn như kéo dài thời gian nghỉ "thai sản" để chăm con của các ông bố Hàn lên 2 năm so với trước đây. Không những vậy, trong thời gian này, người bố vẫn được đảm bảo 80% tiền lương bình thường của họ ở mức 1,5 triệu won (1.338 đô la Mỹ).

Sự lựa chọn của người phụ nữ

Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trung bình mỗi ngày đàn ông Hàn Quốc chỉ dành 45 phút làm việc nhà, trong khi phụ nữ dành thời gian gấp 5 lần. Cô Kim Eun-jin, một bà mẹ 36 tuổi cho hay, nền văn hóa làm việc cật lực trong nhiều giờ và cống hiến cả đời cho một công việc đã khiến những người đàn ông không có đủ thời gian để cùng vợ chăm lo cho gia đình trong khi người phụ nữ lại phải gồng gánh tất cả.

Hơn nữa, ở Hàn Quốc vẫn mang nặng tư tưởng bảo thủ và gia trưởng, vì vậy phụ nữ cũng nhận ra được họ sẽ có thể mất đi những gì sau khi kết hôn với khuôn mẫu rằng phụ nữ phải bỏ việc và trở thành người nội trợ. Ngày nay, một số phụ nữ thậm chí còn chính thức tuyên bố về kế hoạch sống độc thân và không có con trong suốt quãng đời còn lại của mình.

Theo khảo sát từ 1.287 phụ nữ độc thân và 1.096 đàn ông độc thân trong độ tuổi từ 20 đến 44 của Yonhap, 52,4% phái nữ cho biết kết hôn là điều không cần thiết và họ vẫn rất ổn khi sống độc thân. Ngoài ra, 25,9% phụ nữ Hàn Quốc được khảo sát cho hay họ không muốn sinh con.

Jan Yun-hwa, 24 tuổi, một nghệ sĩ vẽ truyện trên Internet, đã trả lời phỏng vấn trên BBC rằng: "Thay vì lập gia đình, tôi muốn sống độc lập và đạt được ước mơ. Tôi không có dự định sinh con. Tôi không muốn chịu đựng nỗi đau khi sinh nở và không muốn từ bỏ sự nghiệp của mình".

Yun-hwa không phải người duy nhất thuộc thế hệ phụ nữ trẻ ngày nay ở Hàn Quốc coi sự nghiệp và hôn nhân là hai thứ không thể nào đạt được cùng một lúc. Ngày nay, có nhiều người phụ nữ đã khẳng định được vị trí của mình trong xã hội, họ làm những công việc trước đây mà chỉ dành cho đàn ông, như trong ngành quản lý và đào tạo. Tuy nhiên, khi làm vợ, làm mẹ, họ buộc phải đánh đổi, lựa chọn sự nghiệp hay lui về hậu phương, chăm lo cho gia đình bởi sau khi kết hôn, họ vừa phải chăm sóc gia đình, vừa vẫn phải đi làm. Thái độ của xã hội Hàn Quốc về giới tính vẫn thay đổi rất chậm chạp trong khi nền kinh tế thị trường đang phát triển chóng mặt.

"Ở đất nước này, phụ nữ được kỳ vọng là những người đứng sau cổ vũ cho đàn ông. Có rất nhiều trường hợp ngay cả phụ nữ đang đi làm nhưng một khi kết hôn và có con, họ phải gánh hoàn toàn trách nhiệm nuôi dạy con cái. Ngoài ra, họ cũng phải chăm sóc bố mẹ chồng khi ốm đau", Yun-hwa cho hay.

(Tổng hợp)

 

Theo Tri Thức Trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU