Bệnh nhi khi nhập viện. Ảnh BVCC
Mùa hè đang tới gần cũng là thời điểm các vụ tai nạn đuối nước gia tăng. Với bản tính hiếu động, tò mò, thích nghịch nước của trẻ hoặc do sự chủ quan, bất cẩn của người lớn trong việc quản lý, giám sát là nguyên nhân phổ biến dẫn đến bị đuối nước ở trẻ em.
Theo các bác sỹ Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc thì đuối nước là tình trạng nước tràn vào đường hô hấp làm cho các cơ quan bị thiếu oxy và các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động. Đây cũng là tai nạn nguy hiểm và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ. Thực tế, trẻ em thường có xu hướng thích chơi với nước và chưa nhận thức được việc bảo đảm an toàn cho bản thân, do vậy tai nạn đuối nước dễ xảy ra.
Các bác sỹ Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc cũng thông tin thêm: Phần lớn trẻ bị đuối nước tử vong hoặc để lại di chứng não bởi không được sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng cách. Vì vậy, việc sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật khi trẻ bị đuối nước cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn của trẻ. Khi phát hiện trẻ bị đuối nước, cần tìm mọi cách đưa trẻ lên khỏi mặt nước và đặt trẻ nằm ở nơi khô ráo, thoáng khí. Tùy thuộc vào phương tiện có sẵn tại chỗ, tình trạng trẻ tỉnh hay hôn mê, có bị ngừng tim, ngừng thở hay không và tình hình thực tế (đuối nước tại sông, hồ hay biển, nước lặng hay nước chảy xiết, nước nông hay sâu, gần bờ hay xa bờ) mà cấp cứu bằng các cách khác nhau.
Nếu trẻ bị ngừng thở, ngừng tim thì cần được được cấp cứu thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực ngay tại nơi xảy ra tai nạn hoặc trong lúc vận chuyển tới cơ sở y tế bởi nếu chậm trễ thì não và các cơ quan thiếu oxy kéo dài, tế bào não chết dẫn tới tử vong hoặc di chứng não nặng nề. Điều quan trọng là nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời ngay cả khi trẻ có vẻ bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau khi bị đuối nước.
Cũng nên lưu ý là trong quá trình sơ cứu bị đuối nước cần tránh các sai lầm thường gặp như: Hơ lửa làm ấm cơ thể trẻ nhưng thực ra lại dễ khiến trẻ bị bỏng; Dốc ngược trẻ hoặc vác trẻ lên vai rồi chạy cho nôn nước ra cũng không cần thiết và không hiệu quả. Không những vậy, việc sốc nước còn làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt và tăng nguy cơ hít sặc.
Qua đây, các bác sỹ Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc cũng khuyến cáo: Để giảm thiểu tai nạn bị đuối nước cho trẻ, phụ huynh cần nhắc trẻ không chơi đùa gần ao, hồ, sông suối, kênh rạch... những nơi tiềm ẩn rủi ro đuối nước.
- Không để trẻ nhỏ ở nhà 1 mình.
- Đậy kín các vật chứa nước trong nhà.
- Trẻ nhỏ đi đến hồ bơi nên đi cùng người lớn, chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ, đặc biệt cần tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi.
- Khi tắm biển hay tắm sông, dù biết bơi hay không biết bơi cũng chỉ nên tắm gần bờ.
- Phụ huynh nên cho trẻ tham gia các lớp học kỹ năng bơi an toàn. Đặc biệt, mỗi người nên tự trang bị những kiến thức, kỹ năng sơ cứu đuối nước để xử trí kịp thời và đúng cách khi gặp tình huống khẩn cấp, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.