Đi lại giữa TP HCM và các tỉnh ra sao?

Thủ tướng yêu cầu việc phối hợp đưa, đón người dân về quê phải thực hiện nhanh, nhịp nhàng hơn, không để ùn ứ tại các điểm kiểm soát cửa ngõ.

Ngày 7-10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành Công điện của Thủ tướng gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc phối hợp đưa, đón người dân có nhu cầu cần thiết, chính đáng được về quê an toàn, chu đáo.

Lo xe cho dân về; các tỉnh, thành phải đón - nhận bàn giao

Theo đó, sau một thời gian khá dài thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, một bộ phận người dân ở TP HCM, Bình Dương... có nhu cầu di chuyển về quê. Đây là nhu cầu chính đáng của người dân, tuy nhiên nếu không tổ chức tốt việc đưa, đón để người dân phải tự phát về quê thì sẽ dẫn tới nguy cơ dịch bệnh lây lan ra nhiều địa phương trong cả nước.

Công điện nêu rõ để tiếp tục thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, đồng thời bảo đảm để người dân có nhu cầu cần thiết, chính đáng được đưa, đón về quê an toàn, chu đáo, các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 1625/2021, Công điện số 122/2021 của Văn phòng Chính phủ. Việc phối hợp đưa, đón người dân phải được thực hiện nhanh, nhịp nhàng hơn, không để ùn ứ tại các điểm kiểm soát cửa ngõ.

Lực lượng Công an TP HCM kiểm tra người dân di chuyển ra khỏi thành phố đêm 5 và rạng sáng 6-10. Ảnh: SỸ HƯNG

Các địa phương tình hình dịch bệnh còn chưa được kiểm soát hoàn toàn nhưng đã dừng thực hiện Chỉ thị 16 tiếp tục tích cực vận động, thuyết phục người dân yên tâm ở lại gắn với hỗ trợ an sinh và thực hiện khôi phục sản xuất - kinh doanh an toàn. 

Đối với những người vẫn muốn về quê cần chủ động lập danh sách thông báo cho địa phương nơi đến và tổ chức đưa, đón đến tận nơi đến. Đối với những người dân đã ra tới các chốt kiểm soát cửa ngõ của tỉnh, thành phố để về quê thì phải thực hiện ngay việc phân nhóm, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn dịch tễ, liên hệ với tỉnh, thành phố nơi đến và tổ chức đưa người dân đi. 

Bố trí phương tiện vận chuyển an toàn đối với những người không có phương tiện hoặc người già, phụ nữ có thai, trẻ em có nhu cầu. Các tỉnh, thành phố dọc đường đi có trách nhiệm phối hợp bảo đảm giao thông thông suốt và có sự hỗ trợ nếu cần thiết. Tỉnh, thành phố nơi đến có trách nhiệm đón, nhận bàn giao và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng dịch theo quy định.

Các tỉnh, thành phố nếu phát hiện có người dân tự phát từ vùng có dịch về quê đang đi qua địa phương mình thì cần chủ động hỗ trợ cần thiết, thông báo cho tỉnh, thành phố nơi đến và tổ chức đưa người dân di chuyển an toàn không để lây lan dịch bệnh. Bố trí phương tiện chuyên chở thuận lợi nếu người dân không có phương tiện phù hợp.

Bộ Y tế phân bổ ngay vắc-xin sau khi tiếp nhận, ưu tiên sớm hơn cho các tỉnh có nhiều người dân từ vùng dịch về; hỗ trợ phương tiện, sinh phẩm xét nghiệm; hỗ trợ thuốc để các địa phương có người dân trở về xét nghiệm kịp thời, sẵn sàng điều trị khi có ca mắc Covid-19 mới...

Hoàn thiện phương án di chuyển ra - vào TP HCM

Cùng ngày, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM cho biết để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân TP HCM với các tỉnh lân cận, sở đã phối hợp sở GTVT các tỉnh xem xét, hoàn chỉnh dự thảo phương án cho người lao động di chuyển giữa TP HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh.

Dự thảo được UBND TP HCM gửi UBND 4 tỉnh nói trên. Theo đó, đối tượng vận chuyển là công nhân, chuyên gia do các doanh nghiệp tổ chức đưa đón từ 4 tỉnh này đến trụ sở đóng trên địa bàn TP HCM và ngược lại. Khi di chuyển, đối tượng vận chuyển phải đáp ứng điều kiện đã tiêm ngừa Covid-19 ít nhất 1 mũi đối với loại vắc-xin tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm hoặc F0 khỏi bệnh trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính (định kỳ 7 ngày/lần). 

Nếu sử dụng xe cá nhân, người ngồi trên xe cũng phải đáp ứng các điều kiện như trên. Người tham gia lưu thông phải sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng VNEID và mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng "Y tế HCM" hoặc "Sổ sức khỏe điện tử" (đến khi ứng dụng PC-COVID đưa vào hoạt động). Trường hợp không có mã QR, xuất trình một trong các giấy tờ sau: Là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng; đã tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 (ít nhất 1 mũi đối với loại vắc-xin 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) khi được yêu cầu.

Tỉnh Đồng Nai cho biết cơ bản thống nhất. Cụ thể, đồng ý người lao động đi và về giữa Đồng Nai và TP HCM bằng ôtô đưa đón với các điều kiện bảo đảm yêu cầu về phòng chống dịch. Riêng việc đi lại bằng xe cá nhân thì chưa đồng ý, do dịch vẫn còn căng thẳng nên Đồng Nai đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, khi đủ điều kiện trở lại "bình thường mới", Đồng Nai sẽ có văn bản thông báo đến TP HCM.

UBND tỉnh Bình Dương cơ bản đồng ý dự thảo. Riêng với người lao động đi lại giữa TP HCM - Bình Dương bằng xe cá nhân, Bình Dương chỉ đồng ý với người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, có giấy xét nghiệm âm tính 2 lần trong 7 ngày và chỉ cho dân của TP Thuận An, TP Dĩ An đi lại với TP Thủ Đức chứ không đi trên phạm vi toàn tỉnh. UBND tỉnh Tây Ninh cơ bản thống nhất với dự thảo nhưng kiến nghị người tiêm mũi 1 vắc-xin phải được 21 ngày và giấy xét nghiệm có hiệu lực 72 giờ. Bình Phước yêu cầu tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh) cho tất cả những người về từ các tỉnh, thành vào ngày đầu tiên khi tiếp nhận mà không phải cách ly tập trung.

Chiều 7-10, Sở GTVT cho biết sở này đã nhận góp ý của các tỉnh và đang hoàn chỉnh phương án đi lại giữa TP HCM và từng tỉnh cụ thể, dự kiến xong phương án trong ngày 8-10. Từ ngày 7-10, người dân có nhu cầu chỉ cần làm đơn đăng ký trên cổng thông tin https://thongtin-sgtvt.tphcm.gov.vn/dich-vu-cong/dang-ky-di-chuyen. Trong 48 giờ, từ lúc người dân đăng ký, Sở GTVT sẽ phản hồi qua email. 

Hai phương án bay giữa Hà Nội - TP HCM

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề xuất kế hoạch khai thác tạm thời các đường bay nội địa thường lệ đi và đến sân bay Nội Bài. Theo đó, đề xuất 2 phương án bay giữa Hà Nội và TP HCM từ ngày 10-10 gồm: Phương án 1: Tổ chức chuyến bay giữa TP Hà Nội - TP HCM với 2 chuyến khứ hồi/ngày (chở khách 2 chiều). Phương án 2: Vận chuyển khách chiều từ TP Hà Nội đi TP HCM với 4 chuyến/ngày. Đối với các địa phương khác, Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội có ý kiến cụ thể về khả năng kết nối đường bay đối với từng địa phương.

D.Ngọc

 

Theo Người lao động

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU