Điểm mặt những ổ vi khuẩn trong nhà bếp “chình ình” ngay trước mắt mà bạn không nhận ra

Bianca Mendez - nhà báo chuyên viết cho các tạp chí nổi tiếng đã tổng kết lại những vật dụng được coi là ổ vi khuẩn trong nhà bếp mà các bà nội trợ không thể bỏ qua.

Cách đây không lâu, tôi đến căn hộ của Carrie (bạn tôi) để đón cô ấy ra ngoài ăn tối. Trong khi cô ấy thay đồ, tôi đi vòng quanh nhà bếp để lấy ly nước. 'Lần cuối cùng cậu cọ sạch cái bồn rửa bát này là khi nào?', tôi tò mò hỏi. 'Tớ cũng không nhớ nữa. Tớ rất bận, đến nỗi mà không có thời gian để dọn dẹp, cọ rửa cái bếp', Carrie trả lời.


Có những ổ vi khuẩn trong nhà bếp chình ình ngay trước mắt mà bạn không nhận ra.

Trên đây là câu chuyện của Bianca Mendez - nhà báo có bằng B.A, chuyên viết cho các tạp chí nổi tiếng - kể lại. Xuất phát từ động lực này, cô đã tổng kết lại những vật dụng được coi là ổ vi khuẩn trong nhà bếp mà các bà nội trợ không thể bỏ qua.


Bianca Mendez - nhà báo có bằng B.A, chuyên viết cho các tạp chí nổi tiếng.

Thế đấy, rõ ràng có một sự thật đến tàn nhẫn là nhà bếp của bạn có khi còn bẩn hơn cả... nhà vệ sinh. Tiến sĩ Philip M. Tierno, giáo sư về vi trùng học và bệnh lý học tại trường đại học NYU, cho biết: "Nhà bếp là một nơi có thể nguy hiểm hơn so với những nơi khác trong nhà bởi vì bạn đang phải đối mặt với các sinh vật gây bệnh (kể cả trong thực phẩm)".


Điều lớn nhất bạn có thể làm để giảm bớt sự lây lan của vi khuẩn và bệnh tật là rửa tay
.

Nếu bạn chưa biết nhiều "ổ vi trùng" ngay trong nhà bếp của mình thì có thể tham khảo danh sách sau đây:

1. Lọ đựng muối hay hạt tiêu

Hãy nhớ xem bạn có thường xuyên làm sạch các chai lọ này không. Trong một nghiên cứu năm 2008, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra bề mặt của lọ đựng muối và hạt tiêu của 30 người có triệu chứng cảm lạnh sớm. Họ phát hiện ra rằng trên tất cả các bề mặt mà họ đã kiểm tra đều có dấu vết của virus gây cảm lạnh.

2. Miếng đệm của máy xay

Toby Amidor, chuyên gia nghiên cứu về dinh dưỡng và là tác giả của cuốn "The Greek Yogurt Kitchen", cho biết hầu hết mọi người không làm sạch miếng đệm của máy xay sau khi sử dụng chúng. Cuộc nghiên cứu năm 2013 của NSF cho thấy 36% các miếng đệm này có chứa dấu vết của vi khuẩn salmonella gây tiêu chảy và cả nấm men hoặc nấm mốc.

3. Máy rửa bát

Một nghiên cứu năm 2011 đã khảo sát 189 máy rửa bát gia dụng ở một số thành phố toàn cầu trên thế giới và thấy 60% trong số đó có chứa một số loại nấm trên cửa. Và đó chỉ là một phần của sự thật. Họ còn phát hiện ra rằng hơn 50% trong số các máy rửa bát chứa men đen trên cánh cửa có thể dẫn đến nhiễm trùng ở người.

Hai năm sau, một nghiên cứu khác của Medical Mycology cho thấy nấm men phát triển mạnh trên những khoảng trống này và chúng có thể gây hại cho sức khỏe của bạn.

4. Chậu rửa

Hãy suy nghĩ về tất cả những thứ mà bạn làm trong chậu rửa của mình: Rửa thực phẩm, xay thịt, thải chất thải thực phẩm... Bạn có thể không làm tất cả cùng một lúc, nhưng nếu không vệ sinh thật kĩ lưỡng thì các loại vi khuẩn khác nhau vẫn có thể bám lại trên đó.

Tierno nói: "Người ta thường sử dụng bồn rửa như một cái bình để làm mọi thứ và nếu không được làm sạch thường xuyên thì có thể gây ra sự tích tụ vi khuẩn, dẫn đến lây nhiễm chéo và gây bệnh".

5. Tay cầm tủ lạnh

Tủ lạnh nhà bạn rõ ràng là một cửa hàng cho thực phẩm, bởi vậy, việc chạm vào tay cầm để mở ra đóng vào mỗi lần cũng không phải là ít. Tay cầm của tủ lạnh là nơi dễ dàng để vi trùng tích tụ vì những lần chúng ta chạm vào nó. Và nếu không được vệ sinh hàng ngày, lượng vi khuẩn càng tích tụ, trực tiếp di chuyển sang tay bạn mỗi khi chạm vào và không loại trừ khả năng có thể vào cơ thể bạn.

6. Khăn lau tay

Một nghiên cứu của tiểu bang Kansas nhận thấy rằng những chiếc khăn lau là những "tội đồ" lây nhiễm chéo lớn nhất trong nhà bếp. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng mọi người sẽ chạm vào khăn trước và sau khi rửa tay.

Ngay cả khi tay của họ đã được làm sạch đúng cách, họ vẫn lau tay trên khăn, điều này có nghĩa là tự làm tay bẩn trở lại. Và nếu bạn lại dùng khăn đó để lau mọi thứ khác thì lượng vi khuẩn trên khăn sẽ càng nhiều đáng kể, đặc biệt là salmonela.

7. Miếng bọt biển rửa bát

Không thua kém khăn lau tay, miếng bọt biển rửa bát cũng chứa rất nhiều vi khuẩn. Tiến sĩ Tierno cho biết, có khoảng 10 triệu vi khuẩn đang trú ngụ trên mỗi centimet vuông của một miếng bọt biển, làm cho nó bẩn hơn so với bồn vệ sinh! "Trong một khoảng thời gian 20 phút, bạn đã có một thế hệ vi khuẩn đang phát triển.

Thậm chí, miếng bọt biển còn "nguy hiểm" hơn các vật dụng khác là vì nó có thể chứa một loại vi khuẩn có tên gọi là campylobacter - có thể dẫn đến các bệnh nghiêm trọng và thậm chí là tê liệt.

8. Thớt

Sử dụng 1 cái thớt để dùng cho cả sản phẩm và thịt sống là cách dễ dàng nhất để vi khuẩn phát triển. Ngay cả khi bạn rửa sạch, vẫn có thể có dấu vết của vi khuẩn bám lại, đặc biệt là với thớt gỗ. Vi khuẩn có thể trốn và phát triển trong các vết nứt ẩn của thớt và khó có thể loại bỏ. Vì lý do này, chuyên gia dinh dưỡng Amidor đề nghị bạn nên thay thế thớt mỗi lần dùng, dùng riêng thớt cho các loại thực phẩm và làm sạch thớt đã dùng bằng chanh.

9. Đồ ăn còn thừa

"Thức ăn thừa còn lại không nên để ở nhiệt độ dưới 32 độ C trong hơn hai giờ đồng hồ vì nó dễ bị hỏng. Ngoài ra, nếu không may có ai đó chạm vào hoặc hắt hơi gần thức ăn đó thì có khả năng vi khuẩn dính vào cách khác nhau", Amidor nói:

10. Tủ lạnh

Mặc dù chúng ta sử dụng để lưu trữ thực phẩm cho tươi ngon nhưng chính bản thân nó cũng dễ bị vi khuẩn xâm nhập. Dobbins cho biết những vết rò rỉ do các hộp thực phẩm không được đóng kín hay từ thịt đã tan chảy có thể xâm nhập vào các khu vực khác trong tủ lạnh - gây ô nhiễm cho sản phẩm tươi và các thực phẩm khác.

11. Dụng cụ mở nắp hộp, chai

Dụng cụ mở nắp là một dụng cụ thường bị bỏ sót mỗi khi chúng ta nhắc đến vật dụng chứa nhiều vi khuẩn trong nhà bếp. Mặc dù bạn có thể chỉ dùng nó trong vài giây mỗi lần nhưng nếu không rửa đúng cách cũng có thể dẫn đến sự tăng trưởng vi khuẩn Salmonella và E.coli. Thêm vào đó, khi nó được đưa trở lại ngăn kéo mà không được vệ sinh đúng cách, nó sẽ lây lan vi trùng sang các đồ dùng khác.

12. Túi vải có thể tái sử dụng dùng để đi chợ

Bạn có thể cứu hành tinh bằng dùng những những túi có thể tái sử dụng này để đi chợ. Nhưng bạn có biết rằng, chỉ cần một chút bất cẩn thì cũng có thể mất điểm vì sự sạch sẽ. Theo một cuộc khảo sát năm 2011 từ Con-Agra, 85% người Mỹ không giặt những chiếc túi đi chợ có thể tái sử dụng này.

Amidor nói: "Bạn đang đặt thịt hoặc trứng sống trong đó, đưa nó về nhà rồi sử dụng lại cho các sản phẩm tươi sống ở lần sau. Vi khuẩn lây nhiễm chéo từ đó có cơ hội phát triển". Giải pháp cho việc này là nên giặt túi sau mỗi lần sử dụng.

13. Ống đựng dao

Năm 2014, các bác sĩ đã làm một bài kiểm tra so sánh phòng tắm gần nhà vệ sinh với các vi trùng bên trong ống đựng dao và phát hiện ra rằng lượng vi khuẩn trong ống đựng dao nhiều gấp 9 lần so với phòng tắm. Các bác sĩ khuyên bạn nên treo dao trên thanh ngang sẽ tốt hơn là cho vào 1 ống kín bưng, tuy nhiên, làm vậy cũng phải chú ý đến sự an toàn nếu gia đình có trẻ nhỏ.

Và trong khi chúng ta vẫn biết một số nơi bẩn thỉu nhất trong nhà bếp thì không ít người lại bỏ qua đôi tay của chính mình - một nguồn lây lan vi khuẩn không hề ít. Nhà nghiên cứu Melissa Joy Dobbins, người sáng lập Công ty Sound Bites Inc., nói: "Điều lớn nhất bạn có thể làm để giảm bớt sự lây lan của vi khuẩn và bệnh tật là rửa tay. Các vi trùng từ môi trường, điện thoại hay bất kì đâu có thể đi vào nhà bếp thông qua bàn tay của bạn. Giữ tay sạch sẽ, sau đó kiểm tra những nơi khác trong nhà bếp của bạn đang đầy những vi trùng và làm sạch chúng để giữ gìn sức khỏe của bạn". 

Theo Eathis/Health

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU