Một thế hệ vaccine mới có thể cung cấp khả năng bảo vệ diện rộng chống lại các biến thể mới. Trong ảnh, ống máu xét nghiệm phát hiện biến thể Omicron. Ảnh: Guardian
COVID-19, như chúng ta biết, là một mục tiêu di động. Vào mùa Thu vừa qua, việc triển khai mũi tiêm tăng cường cho các nhóm tuổi lớn từng gây tranh cãi. Nhưng giờ đây chương trình tiêm mũi tăng cường lại thu hút sự quan tâm lớn nhất. Vây tại sao mũi tăng cường lại giúp ích hơn nhiều lần so với hai mũi tiêm cơ bản, và liệu chúng ta có đang hướng với việc cần số lượng ngày càng tăng các liều bổ sung?
Ngay cả trước khi biến thể Omicron xuất hiện, thực tế và các thử nghiệm đã xác định sự cần thiết phải có mũi tiêm tăng cường (mũi thứ ba với vaccine hai mũi cơ bản như Pfizer, AstraZeneca, và mũi 2 với vaccine Johnson&Johnson) để duy trì mức độ bảo vệ chống lại nhiễm virus và nguy cơ mắc bệnh nặng.
Vaccine thúc đẩy cơ thể tạo ra các kháng thể trung hoà ngăn chặn COVID-19 trước khi virus lây nhiễm sang các tế bào của cơ thể người, nhưng mức độ kháng thể có thể suy yếu theo thời gian. Dữ liệu từ Israel, một trong những quốc gia đầu tiên tiêm phủ vaccine cho toàn dân, cho thấy sự sụt giảm khả năng bảo vệ chỉ sau 3 tháng. Người tiêm có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn khoảng 15 lần kể từ thời điểm 6 tháng kể từ sau liều thứ hai, so với một vài tuần sau đó.
Ngay cả khi hầu hết mọi người vẫn được bảo vệ để chống lại mắc COVID-19 nghiêm trọng, khả năng miễn dịch suy yếu này vẫn là một vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng kể khi một bộ phận người lớn vẫn chưa được tiêm chủng hoặc bị các tình trạng giảm miễn dịch khiến họ dễ bị tổn thương.
Biến thể Omicron đã khiến nhu cầu về mũi vaccine tăng cường càng trở nên cấp thiết hơn. Các đột biến trong virus có nghĩa là protein gai của nó bây giờ trông khá khác so với chủng ban đầu ở Vũ Hán, mà tất cả các loại vaccine hiện tại được thiết kế để nhắm mục tiêu. Điều đó có nghĩa là các kháng thể từ lần nhiễm COVID-19 trước đó và từ hai mũi tiêm cơ bản sẽ kém hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn Omicron. Do kháng thể từ vaccine bám vào virus biến thể mới kém mạnh mẽ hơn, nên cũng cần một lượng kháng thể cao hơn để bù đắp cho điều đó.
Các nghiên cứu cho thấy, một liều vaccine tăng cường làm tăng mức độ kháng thể lên hơn đáng kể so với mức được thấy sau hai liều cơ bản (hoặc một liều cơ bản với vaccine J&J), điều này mang tới hy vọng khả năng miễn dịch suy giảm sẽ xảy ra chậm hơn sau liều thứ ba, mặc dù vẫn chưa đủ thời gian để xác định xem có đúng như vậy hay không.
Các nghiên cứu ban đầu cũng cho thấy chất lượng của các kháng thể cao hơn sau khi tiêm liều tăng cường. Lý do là hệ miễn dịch của cơ thể người tiếp tục tinh chỉnh chính xác loại kháng thể nào được chọn lọc và khuếch đại dựa trên những lần tiếp xúc sau đó với virus hoặc vaccine, và các nghiên cứu đã cho thấy có một phản ứng miễn dịch rộng hơn, mạnh hơn sau liều thứ ba.
Cũng có lý do cho một số người lạc quan rằng mũi vaccine tăng cường có thể chống lại bệnh nặng tốt hơn là chống lại nhiễm virus. Hệ miễn dịch có tuyến phòng thủ thứ hai trong tế bào T, tuyến này tấn công các tế bào đã bị nhiễm bệnh. Chúng có xu hướng tồn tại lâu hơn và nhận ra các phần của virus vốn “cứng đầu” hơn, có nghĩa là các đột biến của Omicron ít có khả năng đánh lạc hướng được chúng. Vì vậy, nếu các kháng thể không đủ hiệu quả để ngăn ngừa nhiễm virus, các tế bào T có thể tràn vào để kiểm soát bệnh trước khi nó khiến một người bị bệnh nghiêm trọng.
Dữ liệu tại phòng thí nghiệm có vẻ đáng khích lệ, trong khi kết quả ngoài thế giới thực đang được theo dõi chặt chẽ ở Nam Phi, Anh và các nơi khác để trả lời câu hỏi này. Đây vẫn là một trong những điều không chắc chắn nhất về việc làn sóng dịch do biến thể mới sẽ diễn ra như thế nào.
Hiện tại, các nhà sản xuất vacine đang nghiên cứu phiên bản vaccine chống biến thể mới, có thể sẵn sàng triển khai ngay sau tháng 3/2022, nhưng việc điều chỉnh các vaccine hiện tại sẽ để lại những lỗ hổng tương tự nếu như trong tương lai Omicron lại bị lu mờ bởi một biến thể khác thậm chí còn lây lan nhanh hơn.
Các nhà khoa học đang hy vọng thế hệ tiếp theo của vaccine không chỉ hiệu quả cao với các biến chủng đang tồn tại mà còn cung cấp khả năng bảo vệ miễn dịch rộng hơn để chúng có hiệu quả chống lại các đột biến. Kịch bản tốt nhất là một loại vaccine được thiết kế đặc biệt để kích hoạt phản ứng của tế bào T đối với bộ máy nhân bản của virus thay vì với protein đột biến (protein gai). Loại vaccine này, theo đề xuất của các nhà khoa học, có thể dẫn đến khả năng miễn dịch kéo dài nhiều năm chứ không phải vài tháng.