Điều hòa không mát nguyên nhân vì sao và cách xử lý

(lamchame.vn) - Cách bắt bệnh vì sao điều hòa không mát hướng dẫn các bạn cách xử lý không cần phải gọi thợ sửa chữa điều hòa đến nhà.

Trên thực tế, các mẹ có thể gọi chồng kiểm tra trước xem phần hỏng hóc rồi mới cần tới thợ sửa. Tuy nhiên, nếu không chắc chắn thì đừng thay hay đụng vào bất cứ thứ gì nếu không lại mất bạc triệu chứ chẳng chơi.

Điều hòa sắp hoặc đã hết gas

Anh “bác sỹ” điều hòa bảo khi mà máy lạnh không làm lạnh thì chắc là do điều hòa hết gas hoặc sắp hết rồi. Sau đó, tình trạng mất lạnh sẽ dần dần diễn ra và tất nhiên, máy làm mát kém, chạy được 1 lúc thì chẳng còn mát nữa.

Ở trên chỗ van dàn nóng có một đám tuyết bám trên đó, áp suất về trên máy nén thấp hơn so với áp suất thường. Điều các mẹ cần làm chính là thay gas mới. Tuy nhiên, nếu thời gian thay gas quá gần nhau và tần suất sử dụng không lớn lắm thì có thể điều hòa bị rò rỉ gas đấy ạ. Lúc đó, các mẹ hãy gọi thợ tới ngay thôi. Tuy nhiên, theo em thì các mẹ nên thay gas theo định kì, như nhà em thì cỡ 6 tháng thay 1 lần để đảm bảo điều hòa không chững lại giữa chừng.

Hỏng tụ máy điều hòa

Một nguyên nhân nữa khiến điều hòa đang chạy tự nhiên không mát nữa là do điều hòa bị hỏng tụ máy. Nguyên nhân là do máy chạy liên tục dẫn tới tình trạng quá tải, trong khi nhiệt độ làm mát lại thấp. Một khi điều hòa hỏng tụ thì nó chỉ giống như chiếc quạt đứng thông thường vì chỉ có chức năng thổi gió, không có làm mát.

Trong trường hợp này, các mẹ chỉ có thể thay tụ mới đi thôi. Tuy nhiên, hãy để điều hòa trong khoảng 25 – 27 độ để giảm tỷ lệ hỏng tụ nhé.

Điều hòa quá bẩn

Vì điều hòa đặt trên tường cao nên thường mọi người khá ngại vệ sinh chúng. Nhà em thì vì có con nhỏ nên phải vệ sinh thường xuyên. Nhưng nếu có một ngày điều hòa vẫn chạy nhưng không mát thì đích thị là do bụi bặm bám vào quá nhiều nên không thể làm mát như ý rồi đấy ạ.

Các mẹ hãy vệ sinh cho điều hòa thường xuyên theo định kì - 6 tháng/lần để vừa đảm bảo sức khỏe mà lại đỡ tốn điện nữa.

Trong trường hợp này, các mẹ chỉ cần vệ sinh điều hòa sạch sẽ là được. Nếu bận quá các mẹ cũng có thể gọi điện tới trung tâm bảo dưỡng, người ta sẽ giúp các mẹ vệ sinh cẩn thận.

Máy nén bị hỏng

Máy nén (lốc máy) là một bộ phận quan trọng đối với điều hòa, khi máy nén hỏng điều hòa vẫn hoạt động bình thường nhưng không khí thổi ra từ máy không được làm mát. Sẽ có rất nhiều nguyên nhân gây hư hỏng máy nén, như mất nguồn cấp, lỗi mạch điều khiển,...

Bộ phận này đòi hỏi phải để thợ sửa chuyên nghiệp kiểm tra và khắc phục, tránh trường hợp tự ý thay mới toàn bộ gây lãng phí.

Điều hòa bị chảy nước

Điều hòa khi bị chảy nước trong thời gian dài sẽ hình thành một lớp rêu trên đường ống thoát nước, gây tắc nghẽn làm nước không thể thoát ra ngoài, từ đó khả năng làm lạnh của điều hòa cũng giảm đáng kể.

Khi đó hãy liên hệ ngay với trung tâm bảo trì để được vệ sinh hoặc thay mới ống thoát nước. Lưu ý, ống dẫn nước đủ độ dốc thì nước mới dễ dàng thoát ra ngoài.

Quá tải điện

Vào mùa hè nhu cầu sử dụng điện của chúng ta tăng cao thường gây nên hiện tượng quá tải ở nhiều khu vực. Nguồn điện yếu, không ổn định khiến lốc máy bị nóng lên, khả năng làm lạnh kém hoặc dừng hoạt động.

Vì thế nếu có thể, vào những ngày nắng nóng các mẹ sử dụng thêm một ổn áp để ổn định nguồn điện cấp cho điều hòa, đảm bảo điều hòa luôn hoạt động tốt đáp ứng kịp thời nhu cầu giải nhiệt của gia đình.

Cách bảo dưỡng điều hòa tại nhà tiết kiệm bạc triệu

Để tiết kiệm tiền cho cả gia đình, phòng trường hợp hỏng hóc do không chịu bảo dưỡng, các mẹ nhất định cần phải “chăm sóc” chiếc điều hòa nhà mình cẩn thận. Cách này là vừa để tiết kiệm lại vừa phòng trường hợp nó bỗng dưng không hoạt động vào giữa trưa.

Kiểm tra chung

Các mẹ nên nhắc chồng thường xuyên kiểm tra chiếc điều hòa xem đã tới thời gian cần bảo dưỡng chưa. Như nhà em là khoảng 3 – 4 tháng/lần. Các mẹ chỉ cần bảo chồng xem tình trạng bên ngoài và khu vực dàn nóng, lạnh xem có gì bất thường không. À, ngoài ra các mẹ cũng cần để ý tới điểm kết nối điện hay không để đảm bảo an toàn cho cả mình và điều hòa.

Vệ sinh cục nóng và cục lạnh

Đây là 2 phần quan trọng nhất của một chiếc máy lạnh. Bởi, chúng ảnh hưởng trực tiếp tới mức điện tiêu thụ cùng hiệu quả của điều hòa. Thế nên, khi tự bảo dưỡng, mọi người cần chú ý loại bỏ những vật cản xung quanh dàn nóng, lạnh vì chúng sẽ khiến quạt gió không hoạt động tốt.

Với dàn lạnh, hãy sử dụng bơm áp lực phun nước trực tiếp vào, phun từ từ lên dàn và quạt đến khi thấy nó hết bẩn. Mọi người cũng có thể sử dụng chất tẩy rửa để đánh bay mùi hôi. Cuối cùng, trước khi lắp lại thì cần làm khô dàn đã nhé.

Với dàn nóng thì chúng ta cần có biện pháp che chắn để bảo vệ cục nóng và hạn chế bụi bẩn. Các mẹ nên nhớ kĩ không được để ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào cục nóng sẽ giảm độ bền.

Rửa sạch lưới lọc không khí

Lưới lọc không khí là nơi rất hay bị bám bụi, ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu suất, lại còn không tốt cho sức khỏe và sinh hoạt của gia đình bạn.

Để làm vệ sinh lưới lọc, trước hết mọi người cần tháo mặt dàn lạnh, rút lưới ra rồi để lưới lọc ở dưới máy nước và phun rửa sạch. Sau đó hãy vẩy khô rồi cắm vào mặt máy lắp lại. Lưới lọc không khí rất dễ bám bụi nên các mẹ phải vệ sinh chúng khoảng 2 tuần 1 lần. Hơn nữa, kiểm tra thường xuyên còn giúp các mẹ không bị thợ sửa điều hòa móc túi nữa đấy ạ.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU