Người Ấn tìm ra số 0 và thẳng một đường tiến vào top 4 nền văn minh rực rỡ nhất của nhân loại, khẳng định cho sự quan trọng của các con số trong văn hóa con người. Dẫu bạn có thoát khỏi môn Toán trong trường học, thì bạn cũng không thể tránh khỏi chúng trên chính… mâm cơm của mình. Những con số trong ẩm thực Việt mà ta thường xuyên bắt gặp tưởng như "vô thưởng vô phạt" lại có ý nghĩa trết lý và văn hóa sâu vạn trượng.
Số 2 – làm gì cũng phải "có đôi có cặp"
Bánh chưng, bánh tét, giò lụa... cái gì cũng phải đi theo "cặp" chứ hiếm ai biếu riêng lẻ 1 cái duy nhất.
Ngày Tết tặng đôi bánh chưng, sang thăm nhà biếu cặp giò lụa – dường như chẳng món ăn Việt nào là chịu phận.. FA vì cái gì cũng đi theo đôi, theo cặp. Hình ảnh đôi, cặp hay con số 2 có một ý nghĩa tối quan trọng trong văn hóa tới ẩm thực Việt Nam. Có giả thuyết cho rằng, số 2 liên quan đến thuyết âm dương, cũng có nghiên cứu liên hệ số 2 là đại diện của cặp rồng – tiên, được xem là thủy tổ của đất nước và con người Việt Nam. Dường như người Việt luôn có một niềm tin mãnh liệt về sự hài hòa và ăn ý, rằng mọi sự trên đời đều do kết hợp và vun đắp mà thành, và những món ăn cũng chẳng ngoại lệ.
Không chỉ thích tặng nhau thức ăn, đồ uống theo cặp, trong ẩm thực Việt, có những cặp đôi chẳng thể nào tách rời như bánh chưng – bánh dày chẳng hạn. Vuông đi với tròn, đất đi với trời, có dương phải có âm, tạo ra một tổng thể hoàn chỉnh vừa vặn, không chỉ có ý nghĩa ăn cùng cho ngon miệng mà còn thể hiện mỹ cảm của người Việt xưa, cứ cái gì có đôi có cặp, hài hòa tương hợp là hạnh phúc.
Số 3 - "Tam tài" đất, trời và con người
Đã bao giờ bạn thắc mắc vì sao ăn bánh trôi tàu thường múc đúng 3 viên?
Có bao giờ bạn thắc mắc khi ăn bánh trôi tàu, người ta nhất định phải múc đúng 3 viên – 2 nhân đậu một nhân mè – không thừa cũng chả thiếu? Số 3 hẳn là có một huyền cơ nào đó trong ẩm thực Việt, sản sinh ra một loạt khái niệm như 3 viên, 3 chén, 3 màu trong các món ăn và cách bày trí mâm cơm truyền thống. Và nếu không phải sinh ra trong một nền văn minh lúa nước ngàn năm, người ta sẽ chẳng thể nào hiểu được.
Số 3 vốn đại diện cho tam tài – tức là trời, đất và con người – khái niệm triết học sản sinh trong quá trình làm nông của người Việt. Có trồng lúa mới hiểu được ý nghĩa to lớn của thiên nhiên, kính sợ đất trời, từ đó hình thành "thế chân vại" kết hợp đất, trời và con người làm một. Ba yếu tố này phải luôn hài hòa luân phiên, mới mong tạo ra của cải và hạnh phúc. Hiển nhiên, người ta chẳng múc vừa đủ 3 viên chè chỉ để ăn cho sướng bụng, mà một bát chè cũng có thể phản ánh tư duy và lịch sử ngàn năm.
Số 5 – Ngũ hành tương hợp
Mâm cơm Việt Nam ngày Tết thường được xoay quanh yếu tố ngũ hành.
Đây là con số phổ biến và dễ gặp nhất trong mâm cơm Việt Nam. Ngũ hành đại diện cho 5 yếu tố kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, ngoài ý nghĩa dung hòa thiên nhiên, cầu chúc điều tốt đẹp, nó còn được xem là yếu tố chủ chốt giúp ẩm thực Việt cực kì bổ dưỡng và hợp lý – trước cả khi những nghiên cứu khoa học về thực dưỡng ra đời.
Nhìn xem mâm cơm Việt Nam tuy giản dị nhưng lại chả thiếu cái gì: Đủ 5 phương thức nấu nước hấp, luộc, kho, xào, chiên, đủ 5 vị chua, cay, mặn, ngọt đắng, cũng đủ 5 màu sắc xanh, đỏ, vàng, đen, trắng – biểu thị một tháp dinh dưỡng không thể nào đầy đủ và cân bằng hơn. Ví dụ kinh điển của ứng dụng ngũ hành là mâm cơm ngày Tết của người miền Nam: có đủ 5 vị chua (dưa muối, củ kiệu), mặn (thịt kho tàu), ngọt (bánh mứt), cay (nước chấm có ớt cay hoặc vị cay thêm vào từ tiêu, ớt...) và đắng (khổ qua nhồi thịt).
Nếu ẩm thực Nhật có quyền tự hào về nguyên tắc số 5 làm nên những món ăn khiến cả thế giới thán phục, thì việc áp dụng 5 yếu tố thiên nhiên cũng được người Việt làm từ rất lâu rồi.
Số 8 – con số của… nhà giàu
Nem công chả phương - 2 trong số 8 món "bát trân" cung đình Huế xưa.
Người Việt tuy có nghiên cứu sâu xa về số học, nhưng đôi khi cũng rất đơn giản trong tư duy: Có giả thuyết rằng, do cùng chia sẻ hệ chữ Hán với người Trung Quốc, người Việt xưa cũng đọc số 8 là "bát", trại thành "phát" – tức là phát đạt, thành công và giàu có. Theo thời gian, cứ cái gì liên quan đến số 8 thì thể hiện sự đầy đủ, xa hoa phú quý, ăn vào sẽ may mắn về đường tiền tài.
Nên chẳng lạ gì mà trong mâm Tết xưa, người ta phải có đủ 8 món gọi là "bát trân" để dâng lên tổ tiên, cũng để kỉ niệm khoảng thời gian sung túc và được ăn cỗ đủ đầy nhất trong năm. Đối với ẩm thực cung đình tinh tế, xa hoa, số 8 lại càng xuất hiện dày đặc với loạt món "bát bửu" như xôi bát bửu, chè bát bửu, mứt bát bửu, v.v… đều là thức quý cho những dịp trọng đại, không thể tùy tiện nấu và thưởng thức hàng ngày. Ngoài ra, tục cưới người miền Nam cũng phải có 8 mâm cỗ, không thừa, không thiếu.
Nhìn vào những con số ẩn sau món ăn và sự sắp đặt bàn ăn của người Việt, mới càng hiểu thêm hàm ý ẩn sâu của ông bà ta: Chẳng có gì là ngẫu nhiên, tất thảy đều là sắp đặt sao cho mọi sự hài hòa, may mắn và tốt đẹp nhất, dẫu chỉ là việc đơn giản như ăn uống một ngày ba bữa.
Theo ttvn.vn