Nhà trường cho trẻ em từ 3-5 tuổi đi nhặt rác dưới trời nắng gắt gây bức xúc. |
“Thử thách dọn rác” đã trở thành trào lưu được giới trẻ các quốc gia trên thế giới thực hiện, trong đó có Việt Nam cũng bắt kip “trend” này tại nhiều địa điểm du lịch. Hình ảnh người dân, đặc biệt các nhóm bạn trẻ tham gia dọn dẹp, thu gom rác thải tại các địa điểm du lịch nổi tiếng như Đà Lạt, Lào Cai, Mộc Châu, Đà Nẵng… lan truyền đi một thông điệp ý nghĩa về trách nhiệm với môi trường của cộng đồng. Một “trend” có sức lan tỏa Tháng 3 năm 2019, một tài khoản Facebook có tên Byron Roman khởi xướng “thách thức dọn rác” trên trang cá nhân của mình. Anh viết: “Thử thách mới dành cho các bạn thanh thiếu niên đang chán đây. Hãy chụp ảnh một khu vực nào đó cần dọn dẹp, sau đó chụp lại khi bạn đã thay đổi nó rồi chia sẻ lên mạng”. Dòng trạng thái kèm bức ảnh trước và sau khi anh dọn hết đống rác bừa bãi và ngổn ngang trên bãi đất ngay nơi anh sống thu hút sự chú đặc biệt của cư dân mạng. Cũng chính từ “thách thức này”, trào lưu Challenge For Change với hashtag #trashtag đã lan ra thành một làn sóng trên thế giới, những bức ảnh “dọn rác” chia sẻ khắp mạng xã hội của nhiều quốc gia. Khi tới Việt Nam nó đã thực sự lan tỏa với nhiều hoạt động dọn rác, tuyên truyền bảo vệ môi trường vô cùng ý nghĩa. Đối với những người yêu xê dịch, càng những nơi xa xôi, hẻo lánh và khó khăn trong di chuyển lại càng là nơi họ yêu thích. Đồng nghĩa với việc những nơi này sẽ… ngập tràn rác. Khi đã trở thành những khu du lịch nổi tiếng đồng nghĩa với số phận “ngập trong rác”. Hình ảnh vỏ chai nhựa, túi nylon, hộp bia cùng vô số thứ rác thải khác đã theo chân các phượt thủ xuất hiện dọc đường đến cột cờ Lũng Cú - Hà Giang, chất đống ở Tà Xùa, trải dài trên các bờ biển, các hòn đảo xa xôi, hoang sơ như Ngọc Vừng, Sơn Trà... Khiến ai cũng phải “hãi hùng” vì ý thức kém của một số bộ phận người đi du lịch, vô tư “bức tử môi trường” của các cảnh quan thiên nhiên mà họ đặt chân đến. Chính từ trào lưu dọn rác (Challenge For Change) đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa, khuyến khích hành động “dọn rác” tại các điểm du lịch diễn ra mạnh mẽ. Nhiều địa điểm vốn luôn ngập ngụa trong rác thải nay bỗng trở nên sạch đẹp hơn, môi trường cũng vì đó mà được cải thiện hơn rất nhiều. Bạn Nguyễn Huy Hùng (Hà Nội) chia sẻ: “Khi đến phượt Tà Xùa thì thấy rất nhiêu rác các nhóm ăn uống, nhậu nhẹt ngay tại đường “xương sống khủng long” nên theo “trend dọn rác” trên Facebook mình cùng nhóm bạn dọn hết rác tại đây để trả lại cảnh quan sạch đẹp cho Tà Xùa. Mình thấy “trend” này rất ý nghĩa, đặc biệt các khu du lịch nổi tiếng nó giúp chúng sạch sẽ và văn minh hơn”.
Facebook Byron Roman người khởi xướng trào lưu Challenge For Change. |
Các nhóm Clean Up Huế, nhóm “Ờ Phượt”, Trashpacker..được thành lập để dọn sạch các địa điểm du lịch nổi tiếng như Huế, Đà Lạt, Đà Nẵng. Challenge For Change thực sự vượt ra khỏi giới hạn của một trào lưu trên mạng xã hội, mà lan tỏa đi thông điệp bảo vệ môi trường ý nghĩa. Những nguy hiểm và biến tướng Trào lưu “dọn rác” thực sự đáng để các bạn duy trì và “thách thức” nhau cùng hành động vì môi trường. Đặc biệt, tại các khu du lịch, cần lắm ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên từ chính người đặt chân đến. Tuy nhiên, giữa ý nghĩa tốt đẹp mà Challenge For Change mang lại, thời gian gần đây xuất hiện nhiều hiện tượng có tính chất nguy hiểm và biến tướng khiến trào lưu trở nên “xấu xí”. Gần đây nhất, hành động đu dây, thu gom rác tại đèo Lương Sơn (Nha Trang) của nhóm bạn trẻ khiến nhiều người lo lắng vì quá nguy hiểm. Trong clip đăng tải, nhóm bạn trẻ không được trang bị bảo hộ như dây đai an toàn, mũ, kính…chỉ buộc dây vào người, trèo trên những mỏm đất đá để nhặt rác. Đa số cư dân mạng cho rằng “họ coi thường mạng sống”, “bất chấp nguy hiểm”, một số khác gay gắt hơn cho rằng đây hành động “sốc nổi, ấu trĩ”. Ông Lưu Văn Ước (Hà Nội) sau khi xem đoạn video ghi lại chia sẻ: “Một hành động quá nguy hiểm. Dù việc làm có ý tốt nhưng coi thường mạng sống, bất chấp nguy hiểm như thế là không ủng hộ”. Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cho rằng dù mục đích dọn rác là tốt nhưng bất chấp tính mạng để làm thì cần xem lại sự an toàn của trào lưu này.
Mặt khác, việc dọn rác cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đến sức khỏe của người tham gia. Có nhiều khu vực rác không phân loại, chứa nhiều rác độc hại, khi người dọn rác không được trang bị bảo hộ rất dễ tổn hại sức khỏe. Hoặc một số trường hợp dọn rác ở các địa điểm có địa hình phức tạp như đèo, đồi núi dốc, biển sâu cũng khiến người tham gia gặp nhiều hiểm họa tai nạn cho bản thân. Trào lưu “dọn rác” cũng đang bị biến tướng, lợi dụng để câu view, lập thành tích, khoe mẽ “bám” trên một phong trào có ích cho xã hội. Nhiều nhóm tụ tập ăn uống rồi chụp vài ba tấm ảnh khoe lên Facebook rồi bỏ lại đống rác vừa “khoe” tại Tà Xùa khiến nhiều người thất vọng vì ý thức du lịch của bộ phận người trẻ. Hay sự việc Trường mầm non Cánh Diều (quận 7) để các bé học sinh chỉ 3-5 tuổi dọn rác dưới cái nắng gắt, tay chỉ đeo găng ni lông mỏng hoặc dùng tay bốc khiến dư luận bất bình.
Biển Nha Trang trước và sau khi được “dọn rác”. Nguồn: Kim Yến |
Có thể mục đích ban đầu của nhà trường đưa ra không xấu, nhưng việc để các em nhỏ không được trang bị bảo hộ, nhặt rác dưới trời nắng khiến nhiều người hoài nghi rằng việc đó phục vụ “câu view” cho trường. “Phải chăng là hình thức đú trào lưu để quảng bá hình ảnh cho trường. Tội nghiệp bọn trẻ” chị Lê Thị Hiền (Hà Nội) bình luận. Băn khoăn về tính lâu dài Trước sự lan tỏa mạnh mẽ của phong trào dọn rác trên khắp các địa điểm du lịch, chúng ta phần nào thấy được hiệu ứng tích cực từ trào lưu bảo vệ môi trường này. Tuy nhiên không ít người đặt ra câu hỏi rằng, liệu phong trào có thực sự được hưởng ứng lâu dài? Mọi người thực sự thấy được tư duy thay đổi và ý thức hơn khi họ đi du lịch hay chỉ là “trend” câu like và “làm màu”. “Vấn đề là khi nào các bạn chán tôi đoán không quá 1 tháng rồi cũng dẹp cái trò này thôi. Cho dù có thật lòng muốn dọn rác đi nữa nhưng với ý thức đại đa số dân thì những việc các bạn làm cũng chỉ là dã tràng đãi cát thôi” anh Hà Minh Sơn (Hà Nội) bình luận. Nhiều độc giả đặt ra câu hỏi không biết sau khi dọn dẹp sạch sẽ rác sẽ được xử lý như thế nào? Nếu không có quy trình khoa học, nhóm này dọn và để lại, nhóm khác tiếp tục dọn thì lại cứ tiếp diễn vòng luân chuyển không hiệu quả. Ở một góc nhìn khác, chị Cao Thị Duyên (Hà Nội) cho rằng: “Bên cạnh các bạn làm việc có ích không ít nhóm theo tren nhằm mục đích “sống ảo”, cổ vũ hô hào cho vui. Có khi phòng ngủ, nhà mình chẳng bao giờ động tay, ra đường xả rác bừa bãi”.
Nhóm bạn trẻ bất chấp nguy hiểm đu dây nhặt rác. Nguồn: Mạng xã hội |
Thực tế, đã có rất nhiều trào lưu như dội nước đá, kiss me, hug free.. từng gây sốt một thời rồi dần chìm vào quên lãng và trở nên biến tướng. Vì vậy, để trào lưu “dọn rác” lan tỏa hơn nữa chúng ta cần sự chung tay để thay đổi nhận thức trong việc bảo vệ môi trường của xã hội. Hãy học cách “yêu thương môi trường”, “dừng bức tử môi trường” bằng những hành động thiếu ý thức như xả rác, phóng uế bừa bãi. Thay đổi từ chính bản thân mỗi người là hạt nhân giúp xã hội cùng thay đổi, cùng phát triển bền vững theo những mục tiêu tích cực. Nhưng có lẽ ít người nhận thấy sự thật rằng: ít ra chúng ta đã dám đứng lên, đi ra bãi rác và nhặt chúng. Khoảng cách từ bản thân chúng ta đến chiếc chổi quét rác được xích gần lại!
Theo www.phapluatplus.vn