Khi trẻ mắc lỗi lầm việc dạy dỗ con là cần thiết để giúp trẻ nhận ra sai lầm và sửa chữa. Tuy vậy, không phải bất cứ lúc nào bạn cũng nên mắng trẻ, bởi trong một số thời điểm nhạy cảm, việc phải nghe những lời phê bình nặng nề dễ khiến trẻ bị ảnh hưởng về tâm lý.
1. Buổi sáng sớm
Buổi sáng luôn là thời điểm tâm trạng của mọi người hứng khởi nhất để có thể thực hiện những kế hoạch, dự định trong một ngày mới. Tốt nhất bạn nên để con có được trạng thái tâm lý tốt nhất trước khi đến trường. Nên dành cho con một bữa sáng vui vẻ, cái ôm ấp áp để bé cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ và tràn đầy năng lượng cho ngày mới.
Nếu bé có chót làm điều gì đó khiến bạn không hài lòng, hãy tạm gác chúng sang một bên và nhắc nhở con vào một thời điểm khác thích hợp hơn trong ngày. Nếu mới sáng sớm con đã phải nghe những câu nói nặng nề thì chắc chắn tâm trạng của trẻ trong suốt cả ngày sẽ luôn u ám. Con sẽ đến trường với tâm thế nặng nề, buồn bã và không thể tiếp thu được điều gì từ những lời cô giảng.
2. Trong bữa cơm
Dân gian có câu “trời đánh tránh miếng ăn”. Câu nói đã từ xưa nhưng đến nay vẫn cứ đúng. Giờ ăn cơm là lúc cả gia đình được quây quần bên nhau sau suốt một ngày bận rộn, thời điểm đó nên là lúc mọi người cùng nhau kể những câu chuyện vui, dành cho nhau những phút giây đầm ấm để trẻ cảm nhận được hạnh phúc gia đình.
Nhiều bố mẹ thường mắc sai lầm nghiêm trọng, đó là luôn tranh thủ nhắc nhở thậm chí mắng mỏ con trong bữa ăn. Điều đó không chỉ khiến tâm trạng của trẻ trở nên tồi tệ, mà còn khiến bữa ăn gia đình thêm nặng nề. Phải ăn cơm trong lúc đang nghe những lời phê bình chắc chắn sẽ khiến trẻ không hề ngon miệng, con ăn một cách qua loa, thậm chỉ chỉ nuốt cho nhanh mà không cần nhai. Nếu điều đó lặp lại nhiều lần sẽ ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe cũng như tâm lý của trẻ.
3. Khi bố, mẹ đang nóng giận
Những lúc nóng giận trong người ai cũng muốn tìm một nơi để “xả” và sẽ vô cùng sai lầm nếu bạn chọn con của mình để trút nỗi bực dọc đó. Bởi những lúc như vậy, khả năng kiềm chế của bố mẹ sẽ thấp hơn rất nhiều, bạn có thể “giận cá chém thớt” mà nói với con những lời “cay nghiệt” và nặng nề hơn rất nhiều, những câu nói mà có thể bạn sẽ vô cùng hối hận khi đã bình tĩnh trở lại.
Vì thế, điều tốt nhất bạn nên làm khi đang nóng giận là hãy tìm một góc yên tĩnh để nghỉ ngơi và “hạ hỏa”. Cho dù con có làm gì sai thì hãy tạm gác lại, đợi đến khi bạn đã bình tĩnh hơn thì hãy gọi con đến và dùng lý lẽ phân tích cho bé hiểu.
4. Khi đang có đông người
Một số phụ huynh có thói quen mắng con ở mọi lúc mọi nơi mà không cần để ý đến xung quanh, cho dù đang có rất nhiều người ở đó. Việc bị phê bình trước mặt nhiều người sẽ làm trẻ cảm thấy xấu hổ và bị tổn thương lòng tự trọng nặng nề. Điều này khiến con không những không nhận ra được sai lầm mà ngược lại càng sinh ra tâm lý phản kháng và cố tình làm sai. Sẽ tốt hơn nếu bạn cùng con đến một góc khuất, ít người qua lại để nhắc nhở trẻ. Như vậy chắc chắn con sẽ nghe lời hơn rất nhiều.
5. Khi trẻ đang ốm
Khi bị ốm cơ thể mệt mỏi, khó chịu sẽ khiến trẻ trở nên cáu kỉnh và khó bảo hơn. Lúc này bạn không nên mắng mỏ hay phê bình con. Bởi vừa bị ốm lại vừa bị mắng sẽ khiến trẻ càng dễ tủi thân và thấy bị tổn thương nặng nề. Tâm trạng suy sụp dễ làm con ốm nặng và lâu khỏi hơn. Bạn nên thông cảm và bỏ qua những lúc con bị ốm, hoặc đợi bé khỏi ốm sẽ phân tích và giảng giải vào thời điểm hợp lý hơn.