Sáng 25/2 (mùng 10 tháng Giêng), lễ hội Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) chính thức khai hội. Từ sáng sớm, dòng người từ các tỉnh đã đổ về đất Phật dẫn đến ùn tắc ở nhiều nơi.
Thu phí trở lại, khách than trời
Sau 10 năm tạm dừng, Quảng Ninh thu phí lên Yên Tử trở lại với mức giá 40 nghìn/người lớn và 20 nghìn/trẻ em.
Đa số du khách không phản đối việc thu phí, nhưng không đồng tình với mức giá này và cho rằng chỉ nên thu từ 10-20 nghìn/người.
Nhiều du khách bất ngờ với việc thu phí vào tham quan di tích Yên Tử
Nhiều du khách ở tỉnh xa tỏ ra bất ngờ trước việc phải mua vé vì không biết trước thông tin này. Các nhân viên bán vé phải giải thích, dẫn đến khu vực bán vé có sự ùn ứ.
Cảnh ùn ứ, chờ đợi trước khu vực bán vé sáng ngày khai hội
Ông Nguyễn Trọng Tài (30 tuổi, trú tại Giang Sơn, Đô Lương, Nghệ An) cho biết: “Năm ngoái tôi cũng đi cùng cơ quan ra đây, năm nay thấy thu phí thì có hơi bất ngờ.
Khi tôi thắc mắc thì nhân viên bán vé giải thích là thu để trùng tu, tôn tạo và mở rộng các hạng mục của di tích. Thôi thì đầu xuân năm mới đóng thêm một tý cũng không sao".
Người đàn ông này phải chi tiền triệu để mua vé cho cả gia đình 25 người vào xem lễ hội, ông cho rằng mức phí 40 nghìn là quá cao
Còn bà Nguyễn Thị Hương (trú tại quận Hải An, TP Hải Phòng) kiến nghị: "Mức phí 40 nghìn là quá cao so với mặt bằng dân cư hiện nay.
Đáng lẽ năm đầu nên thu mức vừa phải, rồi năm sau du khách thấy đã có xây dựng hay tôn tạo di tích thì sẽ đỡ sốc hơn. Về nơi đất Phật cũng bị thu tiền cao như thế này, chúng tôi cảm giác như bị kinh doanh tín ngưỡng vậy”.
Sau khi mua vé vào di tích, du khách xếp hàng trật tự lên chùa
Chị Thương, nhân viên bán vé cho hay: "Đa số người dân mua vé không phản đối chính sách thu phí, nhưng ai cũng kêu phí hơi cao. Nhiều người chưa biết có thắc mắc, khi được chúng tôi giải thích thì họ đều mua vé".
Sử dụng tiền phí đúng mục đích
Du khách Yên Tử cơ bản đồng tình và mong muốn số tiền họ bỏ ra thế sẽ được sử dụng đúng mục đích, công khai minh bạch.
Nhóm du khách từ các tỉnh ngoài xôn xao bàn luận về mức vé họ phải mua
Chị Phùng Thị Nga (25 tuổi, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) khẳng định: "Chúng tôi không phản đối việc thu phí. Ở chùa Hương họ thu lâu rồi, nhưng mức phí hiện nay ở Yên Tử đang thu là quá cao.
Thiết nghĩ địa phương nên giảm mức phí xuống để người về với đất Phật thấy thoải mái vui vẻ. Điều du khách chúng tôi quan tâm nhất là tiền bán vé có được sử dụng đúng mục hay không. Nếu chúng tôi bỏ tiền mua vé hôm nay mà năm sau thấy di tích có nhiều thay đổi tích cực thì cũng vui lòng”.
Nhiều du khách quan niệm việc mua vé như một hình thức công đức công khai và mong muốn số tiền đó được sử dụng đúng mục đích
Anh Lê Văn Trọng, trú tại Thái Bình cùng quan điểm: “Đầu xuân năm mới đi chùa thay vì công đức thì mua vé coi như một hình thức công đức công khai có quản lý cũng tốt. Chỉ mong tiền của chúng tôi đóng vào, Ban quản lý sẽ công khai và sử dụng đúng vào việc tu bổ, mở rộng khu Yên Tử mỗi ngày một đẹp hơn”.
Công khai việc chi
Theo ông Phạm Văn Dược, Phó trưởng Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, người dân nói chung có tâm lý muốn được miễn phí. Ở di tích Yên Tử khoảng chục năm nay không thu phí. Từ năm 2007 trở về trước đã có thu phí, sau đó tạm ngừng.
"10 năm không thu phí, người dân quen với việc này nên thấy thu phí thì có ngỡ ngàng. Có tình trạng một số du khách phản ánh về việc thu phí. Có người kêu phí cao. Tuy nhiên, mức phí này đã được các ngành liên quan thông qua", ông nói rõ.
Theo ông Dược, việc thu phí và sử dụng cũng sẽ hoàn toàn công tâm. Toàn bộ kinh phí thu được sẽ được chuyển vào kho bạc nhà nước, sau đó tỉnh mới phân bổ lại để tu sửa xây dựng các hạng mục cần thiết của di tích.
Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Hợp cho biết, mức bán vé hiện hành đã được tỉnh cân nhắc bàn bạc thông qua HĐND tỉnh rất kỹ. Tỉnh không thể xem xét để giảm mức thu xuống thấp hơn được.
"Về sự công khai minh bạch nguồn thu, tỉnh đã có chính sách rõ ràng. Từ số tiền thu được và dùng vào đầu tư hạng mục công trình gì sẽ được tỉnh Quảng Ninh niêm yết công khai, minh bạch", ông Hợp nói rõ.