Nuôi dạy con cái chính là một cuộc chiến dai dẳng, cho dù con bạn có ở độ tuổi nào đi chăng nữa. Elaine Rose Glickman, tác giả cuốn Your Kid's a Brat và It's All Your Fault, đã chia sẻ rằng: "Nếu chúng ta không dạy con mình theo hướng tốt hơn thì không ai sẽ bước lên và làm điều đó." Bước đầu tiên để sửa chữa những thói hư của trẻ là nhận ra những điều bạn đang dạy hư con mình. Dưới đây là 12 vấn đề mà cha mẹ của trẻ hư thường làm.
1. Bạn nghĩ con chỉ đang thể hiện mình
Nếu con bạn đang cắn, mè nheo, hoặc đánh ai đó mà bạn cứ luôn tự nói với chính mình, "Ồ, đó là những gì trẻ con làm, điều này chỉ xảy ra trong một giai đoạn và nó sẽ qua thôi" thì bạn đang sai lầm. Ngay cả khi con bạn còn nhỏ, bạn cũng nên ôm chúng và hỏi, "Con đang tức giận sao? Nói với mẹ, tại sao con lại cắn? Con cảm thấy buồn ư?”. Glickman đã nói: "Nếu không cho con biết chúng đang hành động sai lầm thì bạn sẽ biến con mình thành một đứa trẻ hư".
2. Bạn không để con trưởng thành
Có rất nhiều bậc cha mẹ không tạo cơ hội để con mình trưởng thành. Cha mẹ không để con cái tự chịu trách nhiệm, tự lực và tự kiểm soát bản thân thì khi lớn lên chúng sẽ chỉ già đi mà không trưởng thành. Glickman cho biết: "Tôi nghĩ nếu bạn có một đứa trẻ 9 tuổi mà bé không thể tự làm được việc gì thì những người làm cha, làm mẹ chính là người có lỗi. Chúng ta thường thấy rất nhiều đứa trẻ đã lớn, nhưng vẫn cư xử và hành động như một em bé nhỏ tuổi, bởi chúng được bố mẹ quá bao bọc."
3. Bạn đổ lỗi cho người khác
Đừng đổ lỗi cho việc TV phát những chương trình không phù hợp với lứa tuổi của con và khiến con bạn học những điều không hay từ đó. Bởi lỗi xuất phát từ chính việc cha mẹ không kiểm soát được việc xem tivi của con. Bạn cần hạn chế thời gian và cả những chương trình con được phép xem trên TV. Bạn không dạy hư con mình, nhưng nếu bạn không nói cho chúng biết chúng đang hành động sai và tại sao lại là sai, thì bạn cũng đang khiến con trở nên hư hỏng.
4. Bạn đang cố để trở thành những ông bố bà mẹ số 1
Để trở thành cha mẹ tốt, nhiều ông bố bà mẹ tin rằng mình phải là nhà vô địch và là người trợ giúp đắc lực nhất của con cái mọi lúc. Thay vì nghĩ như vậy, các bậc cha mẹ nên nghĩ về việc trở thành những người cha mẹ thấu hiểu và biết điều gì tốt cho con. Đừng tập trung suy nghĩ làm thế nào để con cái luôn nể phục và coi bạn là nhất, thì hãy quan tâm đến việc làm sao để con trưởng thành, sống có trách nhiệm và là con người có ích trong xã hội.
5. Dễ dàng đầu hàng trẻ
Những đứa trẻ không thích bị từ chối, và chúng thường mè nheo để có được điều mình muốn. Nếu bạn luôn luôn nhượng bộ và chiều theo ý muốn của trẻ, thì khi lớn lên chúng sẽ quen với điều đó và tự cho mình quyền được làm mọi thứ chúng thích.
6. Bạn tha lỗi vì chúng là trẻ con
Đừng lấy lý do con còn nhỏ để bỏ qua việc kỷ luật với chúng. Bởi điều đó sẽ khiến trẻ quen với việc không phải chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình. Điều đó rất dễ đẩy con đến sự hư hỏng.
7. Bạn để con nói chuyện thiếu lễ phép
Nếu con có những lời nói thiếu tôn trọng và lễ phép thì đừng cười và mắng yêu trẻ. Bởi như vậy sẽ khiến con nghĩ rằng bạn đang cổ vũ cho hành động đó và nó sẽ trở thành một thói quen. Khi lớn hơn, trẻ dễ trở thành con ngược xấc láo và không có sự tôn trọng với người khác.
8. Bạn không là một tấm gương cho trẻ
Trẻ con trưởng thành từ việc bắt chước và học hỏi những gì người lớn làm. Chính vì thế nếu cha mẹ không phải là những tấm gương tốn, thì lẽ dĩ nhiên con bạn cũng dễ trở thành người hư hỏng. Nếu muốn con học tính lễ phép, hãy bắt đầu bằng cách nói vâng, dạ, ạ với con từ khi bé bắt đầu tập nói. Hãy cho con quyền được lựa chọn để con biết mình được tôn trọng.
9. Bạn luôn thiên vị con của mình
Có thể hiểu được tâm lý của phụ huynh khi thiên vị con của mình hơn, nhưng chính điều đó lại đang làm hại con của bạn. Nếu bạn bỏ qua hành vi sai trái của con mình trong những tình huống mẫu thuẫn với đứa trẻ khác, hay với người khác và ra sức bênh vực bé, thì bạn đang đẩy con vào con đường hư hỏng đấy.
10. Bạn không giải quyết cơn giận dữ của trẻ ở nơi công cộng
Nếu bạn không dành thời gian để giải quyết cơn giận dữ của con khi đến những nơi công cộng mà cố gắng nhượng bộ trẻ, thì bạn đang dạy con rằng có thể hành xử theo bất cứ cách nào chúng muốn mà không cần quan tâm đến người xung quanh.
11. Bạn lo rằng việc kỷ luật con sẽ khiến trẻ tổn thương
Đừng quá lo lắng rằng việc kỷ luật sẽ khiến bé bị tổn thương. Bởi kỷ luật là điều cần thiết để nuôi dạy một đứa trẻ ngoan. Hãy dùng những hình thức kỷ luật phù hợp đủ để bé nhận ra sai lầm của mình. Glickman chia sẻ rằng: "Những gì chúng ta sẽ làm là dạy chúng đúng cách, đối xử đúng mực và tôn trọng người khác, kỷ luật được dùng đúng cách sẽ không khiến con tổn thương. Ngược lại những đứa trẻ sẽ hiểu rằng bố mẹ đã yêu thương mình rất nhiều ».
12. Bạn quá bao bọc con
Lẽ dĩ nhiên bố mẹ nào cũng thương con, nhưng quá bao bọc đến mức sẵn sàng che giấu cho những hành động sai lầm của chúng thì thật sai lầm. Bởi điều đó sẽ khiến những đứa trẻ không bao giờ biết sống có trách nhiệm và luôn trông đợi vào bố mẹ giải quyết mọi việc cho mình.
(Theo Popsugar)