Thống kê cho hay khoảng 70% các vụ án mạng liên quan đến nguyên nhân mâu thuẫn gia đình là hành động bột phát không có chủ ý trước. Bắt đầu từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống nhưng những người trong cuộc thiếu kiềm chế mà sinh chuyện.
Nhưng cũng có những vụ án giữa các cặp vợ chồng mà nguyên nhân âm ỉ từ khá lâu cho đến khi bộc phát nên khi ra tay với "đối phương" hết sức tàn độc tạo ra những tấn bi kịch đau lòng trong cuộc sống…
Ba thi thể, 4 mạng người. Một vụ án lại xảy ra tại Bình Dương mà 3 người trong một gia đình thiệt mạng (trong đó người phụ nữ mang thai sắp sinh). 3 nạn nhân, 4 mạng người đó gồm Trần Văn Cường (35 tuổi), Phạm Thị Hằng (31 tuổi, cùng quê Thanh Hóa,) và Trần Kim Phượng (4 tuổi) và thai nhi 9 tháng tuổi.
Người dân bàng hoàng khi biết về vụ Cường sát hại vợ con sau đó tự tử.
Công an tỉnh Bình Dương bước đầu xác định được nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn gia đình, trong đó việc Cường ham mê cờ bạc khiến nợ nần chồng chất, gia đình xáo trộn và những cuộc cãi vã giữa hai người liên tục xảy ra.
Trong lúc không kiềm chế được bản thân, Cường đã gây ra án mạng nghiêm trọng.
Ba nạn nhân đã được đưa về quê an táng nhưng trong những ngày này, nhiều người dân sống tại khu phố Bình Đường 4, phường An Bình, Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương vẫn không thôi xôn xao về vụ án.
Họ không tin một người đàn ông chịu thương chịu khó, có vợ biết chăm chỉ làm ăn, với cô con gái dễ thương và sắp đón thành viên mới trong gia đình lại gây ra một tội ác ghê gớm đến như vậy. Chứng kiến cảnh người thân của họ khóc ngất tại hiện trường, ai cũng xót xa.
Cuộc sống của vợ chồng Cường thuộc vào hàng khó khăn bởi công việc giao sữa cộng với buôn bán vặt của chị Hằng ngay tại phòng trọ để nuôi 4 miệng ăn là điều không dễ.
Hình ảnh bề ngoài của cặp vợ chồng luôn tíu tít bên đứa con gái 4 tuổi và chuẩn bị đón chào thành viên mới khiến ai cũng nghĩ, dù khó khăn nhưng họ thật hạnh phúc.
Nhưng không ai ngờ đó chỉ là "vai diễn" của họ trước mắt mọi người, còn sâu xa bên trong mâu thuẫn ngày càng lớn.
Xuất phát từ việc chị Hằng phát hiện Cường chơi cờ bạc dẫn đến nợ nần. Từ khuyên nhủ cho đến lời qua tiếng lại gay gắt nhưng dường như mọi việc không được giải quyết. Hai vợ chồng lục đục, chuyện cãi nhau xảy ra thường xuyên.
Tối 26-5, người chị vợ của Cường lên thăm 2 vợ chồng Cường và trả món nợ 20 triệu đồng mượn hồi Tết. Trong lúc ăn cơm, Cường có làm một vài lon bia. Dường như có điềm báo trước khi Cường tuyên bố mua được miếng đất rộng 1m, dài vài mét nhưng không ai để ý.
Khi người chị vợ ra về, Cường đã ra tay sát hại người vợ mang thai tháng thứ 8, đứa con gái 4 tuổi và treo cổ tự tử. Chỉ duy cô con gái lớn 8 tuổi được gởi về cho ông bà nội nuôi thì thoát nạn.
Có lẽ chỉ có người trong cuộc mới hiểu rõ được bản chất của vấn đề, hiểu được nguyên nhân sâu xa khiến gia đình rạn nứt, hiểu được cảnh phải đối diện với cuộc sống tan đàn sẻ nghé, người xuống mồ, kẻ rơi vào vòng lao lý.
Khi đối diện với tội lỗi của mình gây ra, họ hối hận nhưng mọi thứ đã quá muộn.
Trường hợp của Lương Hoàng Vũ, 32 tuổi, quê Lâm Đồng cũng là như vậy. Mâu thuẫn giữa Vũ và người vợ trẻ mới 26 tuổi xinh đẹp N.K.H. dường như bị kìm nén quá lâu dẫn đến việc Vũ gây ra tội ác tày đình, sát hại vợ rồi đốt xác phi tang.
Nhận thấy tội lỗi của mình khó thoát, Vũ đã thực hiện một hành động mà khiến nhiều người biết chuyện đau lòng, Vũ đưa 2 con đi chơi biển lần cuối trước khi đến Công an tự thú.
Vụ án trôi qua đã hơn 20 ngày nhưng những hình ảnh đau thương từ vụ án khiến người dân Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng khi nhắc lại vẫn thấy rùng mình. Vợ chồng Vũ được người dân đánh giá có cuộc sống khá giả, hạnh phúc khi 7 năm bên người vợ xinh đẹp, Vũ có 2 đứa con gái dễ thương như thiên thần.
Vũ làm tài xế xe tải sau đó mua xe 7 chỗ chạy dịch vụ, vợ Vũ làm nghề cho vay tiền trả góp. Những ngày qua trong nhà tạm giam, Vũ gặm nhấm tội lỗi của mình gây ra. Vũ đau đớn vì 2 đứa con thơ của mình phút chốc bị mất cả mẹ lẫn cha.
Lời khai của Vũ với điều tra viên cho thấy, trước khi gây án giữa Vũ và H. liên tục xảy ra mâu thuẫn trong thời gian dài. Cả Vũ và H. đều nóng tính nên mỗi lần cãi nhau không bên nào nhường nhịn đối phương.
Mâu thuẫn kéo dài dẫn đến việc cả 2 tính chuyện ly hôn nhưng vì 2 đứa con nhỏ nên vợ chồng Vũ lần lựa thời gian kết thúc đời sống vợ chồng. Tối 8-5, giữa Vũ và H. lại xảy ra mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau.
Trong cơn thiếu kiềm nén, Vũ đã dùng tuýp sắt đánh H. tử vong. Sợ hãi về hành vi của mình, Vũ đem thi thể vợ bỏ vào thùng phuy trong nhà kho và mua xăng về đốt xác.
Công an khám nghiệm hiện trường một vụ án mạng do mâu thuẫn gia đình.
Không có lời lẽ nào biện minh cho hành vi sát hại người từng đầu ấp tay gối với mình nhưng qua các vụ án trên cho thấy, mâu thuẫn vợ chồng xuất phát từ quá nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân nhỏ nhặt nhưng lại không thể dung hòa dẫn đến các vụ án mạng liên tiếp xảy ra.
Phân tích từ các vụ án mạng liên quan đến cuộc sống vợ chồng cho thấy 70% các vụ án mạng này đều không có động cơ từ trước, xuất phát từ mâu thuẫn bột phát, cả vợ lẫn chồng đều thiếu kiềm chế trong lúc nóng giận.
Một phần còn lại xuất phát từ mâu thuẫn ghen tuông, bị tác động bởi các yếu tố tiêu cực, quan hệ ngoài luồng, những cặp vợ chồng hờ, những đôi tình nhân trẻ. Sự dồn nén trong cảm xúc dẫn đến hành động thiếu suy nghĩ, gây ra bạo lực trong cuộc sống vợ chồng.
Hậu quả của những vụ giải quyết bạo lực trong gia đình đã kéo theo nhiều hệ lụy khác, trong đó việc người mất mạng, kẻ vào tù, gia đình tan đàn xẻ nghé, con cái của họ bị sang chấn tâm lý, khó phát triển bình thường, mối quan hệ giữa gia đình hai bên rơi vào hận thù, bế tắc.
Khi nhắc đến cái chết của T.B.T. mới 23 tuổi, quê Sóc Trăng, người thân của chị vẫn chưa hết đau xót. Họ vẫn đau đáu, tự trách bản thân mình vì không đến kịp thời giữa lúc T. tuyệt vọng cầu cứu qua điện thoại, thời điểm mà Lê Minh Tuấn, 30 tuổi, quê Bình Phước ra tay sát hại T..
Chị A, chị của T. đau khổ kể lại, buổi tối định mệnh đó chị A cùng T. đi học lớp tiếng Trung Quốc trở về. T. nói dối A về nhà trước lấy đồ cho mẹ nhưng lại đi gặp Tuấn tại một khách sạn ở Bình Tân, TP Hồ Chí Minh.
Chị A. về nhà sau đó nhận được cuộc gọi của T. khẩn khoản bảo chị A. gọi điện cho Tuấn nói chuyện vì Tuấn đang cầm dao đe dọa T.. Từ khi nhận được cuộc điện thoại cho đến khi tìm được vị trí của T. thì quá muộn, T. đã bị Tuấn tước đi mạng sống.
Kể về cuộc tình giữa T. và Tuấn, gia đình T. cho hay, trước khi đến với Tuấn, T. có một đời chồng, có một đứa con chưa tròn 1 tuổi. Cuộc sống không được hạnh phúc nên giữa T. và chồng chia tay. T. về ở với ba mẹ ở Bình Tân.
Tuổi còn trẻ lại phải nuôi con nhỏ nên khi gặp Tuấn, T. nghĩ rằng Tuấn sẽ là bờ vai vững chắc để che chở cho mẹ con T.. Nhưng không. Những tháng ngày ngọt ngào trôi qua nhanh chóng và bản chất hay ghen tuông, vũ phu của Tuấn ngày càng bộc lộ.
Phát hiện ra điều này gia đình T. không đồng ý cho T. tiếp tục mối quan hệ trên. Tuy nhiên Tuấn cố tình níu kéo khiến T. lại xiêu lòng và để rồi phải chịu kết cục và trả giá bằng chính mạng sống của mình.
Có những vụ án mà những người trong cuộc sống với nhau như vợ chồng, không có sự ràng buộc của pháp luật nên khi xảy ra mâu thuẫn, đỉnh điểm của việc giải quyết mâu thuẫn là ra tay đối với người chung sống với mình, trong những nguyên nhân này, ghen tuông là nguyên nhân thường xảy ra nhất.
Những đối tượng gây án thường là những người đàn ông trong nhà nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ, thủ phạm gây án chính là người phụ nữ, người phải chịu dồn nén ức chế.
Trần Thị Đào sinh năm 1973, ngụ phường Phú Bình, thành phố Long Khánh, Đồng Nai sống chung như vợ chồng với ông Trần Quốc D., 51 tuổi. Cảnh rổ rá cạp lại nên giữa 2 người thường xuyên xảy ra mâu thuẫn.
Hậu quả đau lòng của vụ việc từ những mâu thuẫn không kịp thời giải quyết.
Cứ mỗi lần đi nhậu về là ông D. lại kiếm cớ gây hấn và đánh đập Đào. Đào nhẫn nhịn chung sống với ông D., chịu những trận đòn roi vô cớ dẫn đến ức chế, mang luôn tâm lý thù hằn.
Trong một lần đi nhậu về, ông D. thấy Đào đang chơi bên nhà hàng xóm nên xông vào đuổi đánh. Đào bỏ chạy thì bị ông D. chụp con dao đuổi theo. Trong lúc giằng co, Đào giành được con dao và đâm trúng vùng ngực ông D. khiến ông D. tử vong.
Phân tích những khía cạnh trong các vụ án mạng liên quan đến đời sống vợ chồng, những mâu thuẫn nam nữ trong thời gian qua, luật sư Nguyễn Đăng Tư, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong cuộc sống vợ chồng có những mâu thuẫn nảy sinh là tất yếu khó tránh khỏi.
Tuy nhiên những mâu thuẫn này không được giải quyết sẽ bị tích tụ, dồn nén tạo ra ức chế về tâm lý.
Bị dồn nén lâu ngày lại bị những tác động khách quan như giận dữ cao độ, say xỉn sẽ kích hoạt ngòi nổ cho "quả bom" ức chế nổ tung và chuyện giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực sẽ rất dễ xảy ra.
Chuyện vợ chồng, chuyện tình cảm trai gái cần được gắn kết, thấu hiểu, chia sẻ, đừng để những mâu thuẫn dồn nén lâu ngày sẽ gây ra những hành động thiếu kiểm soát. Gia đình phải là chốn bình yên, là nơi những thành viên trong gia đình hòa hợp với nhau.
Nỗi đau vẫn còn kéo dài đối với những người nhà nạn nhân.
Cần đánh giá đúng, nhận định, và hai bên cùng giải quyết các mâu thuẫn. Những xung đột, mâu thuẫn vợ chồng trong lúc nóng giận mà đỉnh điểm dễ dẫn đến bạo lực.
Nhưng khi cơn giận qua, nhìn nhận lại sự việc, người trong cuộc mới hối hận thì quá muộn, bởi lúc đó có muốn quay lại cũng không được nữa.
Đừng để một phút nóng giận mà chôn vùi tương lai của cả gia đình, để lại những đứa con phải sống với quá khứ đau buồn do chính cha mẹ mình gây ra.
Theo Trí thức trẻ