Mục tiêu này được cho là có thể cản trở kế hoạch tiêm chủng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Cụ thể, mục tiêu về việc tiêm chủng sớm của EU cao gấp đôi so với mục tiêu do WHO đặt ra nhằm mua vaccine ban đầu cho 20% người dân dễ bị tổn thương nhất trên thế giới thông qua chương trình mua vaccine COVID-19 toàn cầu.
EU ước tính rằng, tỷ lệ dân số cần tiêm chủng ban đầu nếu với loại vaccine một mũi tiêm sẽ tối thiểu là 40%. Tỷ lệ này làm giảm hiệu quả việc cung cấp vaccine COVID-19 cho các nước kém phát triển.
Cho đến nay, trên thế giới vẫn chưa có vaccine COVID-19 được phê duyệt ngoại trừ một loại được ủy quyền ở Nga trước khi thử nghiệm quy mô lớn. Theo dự đoán, việc cung cấp vaccine sẽ bị hạn chế trong một thời gian dài do năng lực sản xuất có hạn. Các chuyên gia y tế từ những quốc gia thành viên EU cũng như Anh, Thụy Sĩ cho biết, tỷ lệ 40% này sẽ tùy thuộc vào tình hình và vấn đề nhân khẩu học tại mỗi nước.
Trên thế giới hiện vẫn chưa có vaccine COVID-19 được phê duyệt (Ảnh: AP)
Kế hoạch trên phân định hơn 200 triệu trong số 450 triệu người dân EU thuộc các nhóm được ưu tiên tiêm vaccine trước, trong đó có những người mắc các bệnh mãn tính, người cao tuổi và nhân viên y tế. Bên cạnh đó, người làm việc trong các ngành dịch vụ công quan trọng như giáo dục và giao thông công cộng cũng được đưa vào nhóm ưu tiên (số lượng ước tính của nhóm người này chưa được thống kê trong tài liệu của EU).
Hiện chưa có thông tin về mốc thời gian, tiến độ dự kiến để có thể đạt được mục tiêu trên. Tuy nhiên, kế hoạch đã đưa ra những hoạt động về công tác hậu cần cần có cho một chương trình tiêm chủng rộng lớn, bao gồm việc vận chuyển vaccine trong điều kiện nhiệt độ thấp theo yêu cầu, cung cấp kim tiêm và thiết lập các địa điểm tiêm chủng với sự tham gia của quân đội và lực lượng bảo vệ dân sự.