Ghi nhận thêm 61 trường hợp mắc sởi tại thành phố Hà Nội trong tuần qua

Bệnh sởi đang có xu hướng giảm nhưng người dân không nên chủ quan.

Ngày 3-6, theo báo cáo tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ ngày 27-5 đến 2-6, trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 61 trường hợp mắc sởi, 77 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 4 trường hợp mắc tay chân miệng và 1 trường hợp mắc ho gà.

Tính từ đầu năm 2019 đến nay, thành phố đã ghi nhận 1.405 trường hợp mắc sởi, 403 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 275 trường hợp mắc tay chân miệng và 71 trường hợp mắc ho gà.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, so với tuần trước đó, số ca mắc mới các dịch bệnh đều giảm từ 4 đến 9 trường hợp/tuần. Đặc biệt, dịch bệnh sởi tiếp tục giảm mạnh. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng và mưa nhiều như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.

Đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng chống bệnh sởi (Ảnh MT)

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhân, Trưởng khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết, sởi bệnh lây qua đường hô hấp, trong thời gian mắc bệnh người dân cần tránh đưa trẻ tiếp xúc nơi đông người, đi ra đường nên đeo khẩu trang tránh lây lan ra cộng đồng. Khi mắc sởi thì cần phải cách ly nghiêm ngặt, người bệnh cần phải được vệ sinh cá nhân sạch sẽ và nâng cao sức đề kháng, tăng cường chất dinh dưỡng cho người bệnh như bổ sung thêm vitamin đặc biệt vitamin A vì khi người bệnh mắc sởi sẽ bị thiếu hụt Vitamin A dẫn đến tổn thương biểu mô dễ gây bội nhiễm, gây viêm phổi.

Bệnh sởi có những triệu chứng như sốt, viêm long đường hô hấp và phát ban. Khi trẻ bị sởi ở thời kỳ khởi phát, đây là thời kỳ hay lây nhất, kéo dài từ 3 đến 5 ngày với các biểu hiện như sốt nhẹ hoặc sốt cao 39,50C đến 400C, có thể có sốt cao co giật, kèm mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ đau khớp…

Thời kỳ phát ban: Các nốt ban xuất hiện đầu tiên ở sau tai, sau đó lan dần lên 2 bên má, cổ, ngực, bụng và phần chi trên trong vòng 24 giờ. Trong 24 giờ kế tiếp, ban lan xuống lưng, bụng… Trong trường hợp nhẹ, ban mọc thưa thớt. Đối với những trường hợp nặng, ban mọc dày đặc cả lòng bàn tay, bàn chân, đôi khi có ban xuất huyết cơ thể kèm chảy máu mũi, miệng, xuất huyết đường tiêu hóa.

Thời kỳ phục hồi: Ban sởi bay theo trình tự xuất hiện để lại vùng da bị ảnh hưởng những vết thâm đen trên bề mặt da.

Để phòng bệnh sởi tốt nhất đưa trẻ đi tiêm phòng. Đối với trẻ dưới 9 tháng tuổi sẽ được bảo vệ dưới sự miễn dịch của người mẹ tuy nhiên một số bà mẹ trong thời kỳ tiêm vắc xin phòng sởi nhưng chưa tiêm phòng sởi cũng như trước khi mang thai không tiêm vắc xin phòng sởi thì bà mẹ đó sẽ không có miễn dịch phòng dịch sởi nên không có miễn dịch cho con. Vì vậy, trước khi mang thai 3 tháng, người mẹ nên tiêm vắc xin phòng sởi để giúp con có miễn dịch phòng bệnh.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, các quận, huyện, thị xã cần chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và muỗi truyền bệnh.

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU