Trương Văn Tiến tỏ ra ân hận về những gì mình đã gây ra. Ảnh: TL
Ma lực đồng tiền
Trương Văn Tiến (SN 1987, trú tại xã Thụy Lôi, huyện Kim Bản, Hà Nam), một thanh niên có vẻ ngoài thư sinh, nhưng ẩn sau lại là một kẻ buôn bán người chuyên nghiệp.
Được biết, Tiến chỉ học hết lớp 9 rồi bỏ giữa chừng. Sau đó anh ta trải qua nhiều nghề tự do. 21 tuổi Tiến lấy vợ. Cuối năm 2010, trong một lần đưa con về quê ngoại Hiệp Hòa (Bắc Giang), Tiến gặp Hà Thị Vân (SN 1981, là chị em họ với vợ Tiến). Đối tượng này từng là nạn nhân của một đường dây mua bán người sang Trung Quốc. Ở bên kia biên giới, Vân bị bóc lột tàn tệ cả về thể xác lẫn tinh thần. Trong một lần chủ chứa sơ hở, Vân may mắn trốn thoát về nước rồi dạt ra Quảng Ninh sinh sống. Lấy chồng và sinh liền 2 con nhưng chồng Vân sau đó nghiện ma túy nên chị ta phải đưa 2 con về Bắc Giang nhờ bố mẹ đẻ nuôi dưỡng rồi tìm cách vượt biên sang Trung Quốc. Lần này Vân tự nguyện làm cái nghề “bán trôn nuôi miệng”.
Từ một gái bán dâm, Vân nhanh chóng trở thành tú bà, điều hành một động mại dâm quy mô lớn nơi đất khách quê người. Để thu hút khách, Vân phải cạnh tranh khốc liệt với các chủ chứa khác bằng việc thường xuyên có các “mặt hàng” mới. Vì thế, chị ta đôn đáo tìm “nguồn hàng” ở trong nước.
Vân bàn với Tiến tìm người để chị ta đưa sang Trung Quốc “làm việc”. Mỗi phi vụ thành công, Tiến sẽ được trả công 5 triệu đồng, ngoài ra Tiến sẽ được trả thêm 2 triệu đồng/tháng, trích từ tiền lương của những cô gái này. Ban đầu khi nghe lời đề nghị ấy Tiến đã từ chối vì nghĩ đó là việc thất đức. Tuy nhiên, sau một hồi bị Vân dỗ ngon dỗ ngọt, Tiến đã xiêu lòng.
Thời điểm đó Tiến đang quen một cô gái tên là Đinh Thị Lan (SN 1992, ở Kim Bảng, Hà Nam). Gia cảnh Lan lúc đó rất khó khăn. Bố mất sớm, mẹ phải một mình nuôi 2 chị em Lan. Vì vậy khi nghe Tiến nói rằng sẽ xin việc cắt tóc gội đầu ở Hà Nội giúp Lan thì Lan đồng ý ngay. Tại Hà Nội, Tiến nói chủ cửa hàng đang cần người lên cửa khẩu lấy thuốc nhuộm nên muốn Lan đi cùng mình một chuyến. Thấy công việc cũng không có gì khó khăn, lại có thể “ghi điểm” với chủ nên Lan nghe theo. Khi Lan đến cửa khẩu Tân Thanh, Tiến điện thoại báo Vân cho người tới đón. Người này đã dẫn Tiến và Lan đi đường đồi sang Trung Quốc. Sau khi giao người thành công, Tiến được Vân đưa cho 5 triệu đồng.
Bỗng dưng có tiền, Tiến mạnh tay chi tiêu. Trong một lần uống rượu với người em là Nguyễn Văn Công khi ấy đang học trung cấp nghề ở Hà Nam, Tiến tỏ ra mình là người có tiền. Thấy vậy, Công rất ngưỡng mộ người anh em nên một mực hỏi “bí quyết” làm giàu. Đang cần tuyển người nên Tiến đã tiết lộ chuyện “làm ăn” với Công. Không cần suy nghĩ lâu, Công gật đầu đồng ý làm trợ thủ cho Tiến.
Công rủ chị Trần Mai Hương (SN 1993, trú tại huyện Lý Nhân, Hà Nam) đi bán quần áo rồi sau đó đưa thẳng chi Hương lên Hà Nội gặp Tiến. Tại đây, Tiến cùng Công dẫn chị Hương đến nhà nghỉ của mẹ đẻ Vân tại Bắc Giang ngủ qua đêm. Sáng hôm sau, Tiến nhờ em gái của Vân đưa Công và chị Hương lên cửa khẩu Tân Thanh rồi điện thoại cho Vân cử người đến đón. Chuyến “hàng” đầu tiên Công thực hiện trót lọt nên được Vân trả công 3 triệu đồng.
Chỉ sau đó khoảng 1 tháng, Tiến và Công lại thực hiện phi vụ tiếp theo. Tất cả các cô gái bị lừa bán đều quê ở tỉnh Hà Nam. Rất may, cả 6 nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc nói trên đã tìm cách thoát thân khỏi nhà chứa và trốn được về Việt Nam thành công. Cả 6 người này đã đến cơ quan công an trình báo lại toàn bộ sự việc. Không lâu sau đó, cả Tiến và Công đều bị bắt. Vì là đối tượng chính trong đường dây nên Tiến bị kết án 14 năm tù giam.
Giọt nước mắt muộn màng
Những ngày tháng cải tạo trong trại giam là những ngày tháng Tiến sống trong cảm giác tội lỗi và tiếc nuối. Đang có một gia đình hạnh phúc với người vợ đảm và đứa con ngoan, chỉ vì thói lười lao động mà vẫn muốn có tiền đã khiến Tiến dấn thân vào con đường tội lỗi. Tiến bảo, lúc đầu khi quyết định nhận lời Vân dẫn khách sang biên giới, anh ta rất run. Cái cảm giác mình đang làm việc thất đức, đẩy người khác vào con đường u tối cứ bủa vây. Nhưng nghĩ đến những đồng tiền mình sẽ nhận được nếu việc này trót lọt, Tiến không thể cưỡng lại được. Lần đầu áy náy nhưng những lần sau, Tiến lại háo hức. Thậm chí anh ta còn cảm thấy sung sướng khi kiếm tiền quá dễ.
Cứ nghĩ rằng những nạn nhân mà mình lừa bán sẽ chẳng bao giờ có cơ hội quay đầu về quê hương nên Tiến lại ung dung đi tìm “mối hàng” mới. Nhưng mọi thứ không suôn sẻ như anh ta nghĩ khi cả 6 nạn nhân mà Tiến lừa bán đã trốn thoát về nước.
Khi Tiến bị bắt, con gái đầu lòng chưa đầy 3 tuổi. Vào trại giam, Tiến sợ nhất khi đêm về bởi đó là lúc nam phạm nhân này cảm thấy nhớ vợ và con nhiều nhất. Nhưng chỉ vài tháng sau khi Tiến nhập trại, vợ anh ta đã đến và mang theo một lá đơn ly hôn.
Tiến nghẹn ngào: “Khi đó em sốc lắm. Em biết mình đã gây ra tội lỗi tày trời nhưng vẫn hy vọng là vợ sẽ ở nhà nuôi con chờ ngày em trở về. Đùng một cái, cô ấy đưa đơn ly hôn nhưng em cũng không thể không ký. Bởi em không có quyền níu kéo cô ấy và bắt cô ấy phải chờ đợi”.
Từ ngày vào trại, Tiến chưa một lần được gặp lại con gái. Nhiều đêm nhớ con quá, Tiến cứ ngồi bần thần nghĩ lại những khoảnh khắc hai cha con vui đùa trước đó, hoặc tưởng tượng xem con bây giờ lớn như thế nào, đã biết làm những gì. Mong muốn lớn nhất của người đàn ông này là sẽ cải tạo thật tốt để được giảm án, sớm về lại gia đình chăm sóc người mẹ già và đón đứa con gái nhỏ về nuôi.
* Tên các nạn nhân đã được thay đổi.
Theo Theo Tri thức trẻ