Giữa lúc vụ việc bé trai lớp 1 tử vong trên ô tô đang gây xôn xao dư luận, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong bất ngờ chia sẻ về sự cố con trai từng gặp phải

Nhạc sĩ 'Đường Cong' đã có những chia sẻ để giúp mọi người phân định rõ đâu là lỗi và đâu là ẩu.

Giữa lúc vụ việc một học sinh cấp 1 tại trường quốc tế Gateway bị bỏ quên trên xe buýt dẫn tới tử vong đang gây xôn xao dư luận, nhiều nghệ sĩ Việt, những người đã làm cha làm mẹ cũng "đứng ngồi không yên".

Giống như nhiều đồng nghiệp khác trong giới, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong cũng bày tỏ quan điểm của bản thân trước vụ việc đau thương này. Anh giải thích rõ ràng về khái niệm giữa lỗi và ẩu. Nam nhạc sĩ cũng kể lại sự việc mà con trai anh gặp phải trong khóa học hè vừa qua.

Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong

Chỉ vì một câu chuyện dọa trẻ con rằng có ma trong gương nhà tắm của người hướng dẫn đoàn dã ngoại đã khiến con trai nam nhạc sĩ sợ hãi không dám tắm một mình. Sự việc tưởng chừng đơn giản nhưng khiến ngay nhạc sĩ "Đường cong" cũng như nhiều bậc phụ huynh khác ngẫm ra nhiều điều. Và những giải thích của Nguyễn Hải Phong cũng giúp mọi người phân định được đâu là lỗi và đâu là ẩu. Nhiều dân mạng đồng tình và xin được chia sẻ.

tang thuong

(Dành cho người có con và người chưa có con)

Một sinh mệnh 6 tuổi vừa ra đi, chỉ vì giáo viên quên sự có mặt của cậu bé trong xe đưa đón. Khi phát hiện thì đã quá muộn. Đây là LỖI hay là ẨU!?

LỖI và ẨU có mặt ở khắp nơi, mọi lúc, mọi tình huống. Nó không chỉ trong những quyết định to tát, tầm quốc gia. Nó có trong cách dạy trẻ đánh răng, cách đưa con đến trường, cách dạy con tự ăn, tự ngủ, tự biết chào hỏi, xử lý trong thang máy hay hồ bơi một mình. Và người ta vẫn rất dễ nhầm lẫn LỖI và ẨU với nhau. Cụ thể, người ta hay nhầm ẨU thành LỖI.

Sự thật là, con mình có thể học trong một ngôi trường có vài hoặc nhiều LỖI, nhưng nếu là một ngôi trường ẨU thì có nên không?

Tôi luôn đồng ý khi mà nhà trường họ nói xin lỗi. Nếu đó là LỖI thật, tôi nở nụ cười "không sao, lỗi là khó tránh, ai cũng có lúc mắc lỗi". Chúng ta sẽ cùng nhà trường cố gắng phối hợp để thay đổi. Nhưng nếu đó không thật sự là LỖI mà là ẨU thì sao. Có nên chấp nhận?

Chính phụ huynh phải là người phát hiện ra đâu là LỖI đâu là ẨU. Đừng đợi đến khi một mạng người mất đi mới điều chỉnh.

Nhân đây tôi xin kể một câu chuyện cá nhân:

Con tôi, hè này được gửi vào một trường được đánh giá là chất lượng, từ nội dung đến tư duy giáo dục và cả con người đều rất tốt. Mà tốt cũng phải, vì chi phí ở đây dư để được đối xử tốt. Từ ngày nhập học đến khi bế giảng, gia đình tôi đều hài lòng. Vì mỗi ngày đi học đối với con tôi đều là ngày vui. Trường này tôi đánh giá không phải tốt thường mà là CỰC TỐT.

Nhưng trường tốt mấy thì cũng chỉ đóng góp 50% thôi. 50% còn lại phải đến từ gia đình, phụ huynh. Về khoản này thì gia đình tôi cũng gọi là tự tin. Chúng tôi dạy con tự lập và độc lập. Hầu như mọi sinh hoạt căn bản, như vệ sinh, ăn uống, giải trí, học tập, thì con đều tự làm từ A đến Z, và luôn biết tự chịu trách nhiệm. Con biết yêu thương quan tâm, ít đổ lỗi. Đấy là bối cảnh. Còn đây là mẫu chuyện.

Sau khi kết thúc khoá hè. Gia đình tôi phát hiện ra một biểu hiện rất nhỏ kỳ lạ ở cậu bé. Đó là không thích tự đi tắm một mình nữa, mà luôn tìm cách để được mẹ hoặc ba tắm giúp, hoặc chí ít cũng muốn được tắm cùng em gái nhỏ 3 tuổi.

Ban đầu thì tôi chỉ xem đó là một nhu cầu bình thường. Nhưng sau nhiều lần vợ chồng tôi bắt đầu thấy lạ. Trong những tình huống bình thường khác, như đi chơi cùng nhiều gia đình khác, hay đám tiệc, cậu bé đều không thể tự đi tắm một mình.

Mẹ nghĩ chắc có vấn đề rồi, nên tìm cách hỏi cậu bé nhân một dịp đi du lịch, cố tình tắm cho cậu và tìm cách hỏi. Ban đầu cậu không hé nửa lời, nhưng sau khi Mẹ biết cách làm cho cậu yên tâm thì cậu bắt đầu...

Mẹ hỏi: Có cái gì trong phòng này làm con sợ phải không?

Con (ấp úng một lúc mới nói): Dạ! Mẹ nhìn vào gương thử đi, con không dám nhìn, con sợ.

Mẹ: À! Con thấy cái bóng mờ mờ của con này hả, không sao, nó là cái bóng của con mà!

Con: Không phải! Có ma trong đó. Con sợ lắm mẹ.

Mẹ giật mình, và từ từ hỏi: Sao con biết là có ma trong đó? Ai kể cho con hả?

Con: Dạ có cái chú mà dẫn đoàn con đi chơi, chú kể vậy. Chú nói là chuyện thật.

Hoá ra, trong chuyến dã ngoại cuối khoá, có một chú hướng dẫn đoàn, đã kể cho tất cả các con nghe CHUYỆN MA. Chú nói đó là toàn bộ sự thật, rằng, khi ở trong nhà tắm mà nhìn vào gương thì sẽ thấy con ma xuất hiện. Sau đó Mẹ đã lựa lời trấn an con, chứng minh cho con, và khiến con tin rằng luôn luôn hỏi lại Ba Mẹ về những điều người khác nói, khuyên con chưa nên vội tin.

Tôi biết rằng, một trường xịn như thế thì khó mà mắc lỗi cơ bản như vậy. Có thể là đối tác du lịch, phía bên đơn vị cung cấp xe, xây dựng nội dung, những người lái xe, hướng dẫn viên... họ không phải là ngành giáo dục, họ là ngành vận chuyển hay du lịch gì đó, nên họ không giỏi trong việc nói chuyện với trẻ con. Cũng có thể họ việc KỂ CHUYỆN MA là nét văn hoá của họ, hoặc là chiêu quản lý trẻ con của họ.

Bất luận thế nào thì việc trước đây tôi đánh giá cao chất lượng giáo dục nhà trường thì nay đã ảnh hưởng. Chất lượng giáo dục đúng là có tốt vẫn tốt, nhưng ẨU thì vẫn ẨU.

Ôi! Bao nhiêu công lao giáo dục trong nhiều năm đang bị một cái mắt xích nhỏ trong chuyến dã ngoại làm ảnh hưởng. Đây là lần đầu tiên mà con giấu bí mật, không tâm sự. Tôi cảm thấy mong manh như bong bóng xà phòng.

LỖI hay ẨU? Chiều nay tôi sẽ đến gặp nhà trường, dù không còn tiếp tục học nữa. Tôi không phải đến để đòi công bằng hay tìm sự thật hay nghe lời xin lỗi. Tôi nghĩ nhà trường cũng cần biết, và các phụ huynh khác cũng cần biết.

Tối đến không để nhận lời XIN LỖI, mà là tôi muốn nhận LỜI XIN ẨU. Đúng vậy, LỜI NHẬN LỖI RẰNG HỌ ĐÃ ẨU.

KẾT:

Xin phụ huynh đừng hỏi tên trường, vì tôi sẽ không nói. Tôi chẳng sợ việc làm ăn của trường bị ảnh hưởng đâu. Tôi không nói là vì, tôi muốn quý vị nghĩ rằng, trường nào cũng có thể là trường mà con tôi học cả. Trường nào cũng có thể có quy trình ẨU cả. Nếu quý vị biết đó là trường A, chắc chắn sẽ đến trường B trường C trường D. Nhưng thật ra trường E, F... thậm chí đến trường Z cũng vẫn thế thôi. Biết trường nào ẨU thì cũng chẳng thay đổi được gì, quan trọng là làm sao để hết ẨU (hoặc bớt ẨU), thì chính phụ huynh chúng ta phải thay đổi. Ngừng ĐỔ LỖI, ngừng Ẩu.

Tôi chấp nhận mọi LỜI XIN LỖI vì LỖI THÌ KHÓ TRÁNH. Nhưng nếu một người làm công việc đưa đón trẻ, mà bỏ lại đứa bé một mình ở sảnh căn hộ không người đón và trở lên xe cho kịp chuyến xe, hay bỏ quên đứa trẻ trong xe, đến khi vỡ chuyện mới đến gặp và nói LỜI XIN LỖI. Tôi sẽ nhìn thẳng vào mắt họ và nói ẨU LÀ MỘT LỰA CHỌN.

LỖI THÌ KHÓ TRÁNH

NHƯNG ẨU LÀ MỘT LỰA CHỌN

(P/s: Từ nay tôi biết thêm một khái niệm, ngoài LỜI XIN LỖI RA còn có LỜI XIN ẨU)" - nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong viết".

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU