Hà Nội sau 2 đợt giãn cách toàn thành phố: Nhiều chùm ca bệnh được kiểm soát, 2 chiến dịch lớn nhằm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng

Hà Nội đã trải qua 2 đợt giãn cách xã hội toàn thành phố, bắt đầu từ ngày 24/7 và đợt thứ 3 sẽ kéo dài đến 6h ngày 6/9, kiên quyết yêu cầu người dân "ai ở đâu thì ở đó" nhằm khống chế sự lây lan, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Trong đợt dịch thứ 4 tính từ ngày 27/4 đến tối 22/8, Hà Nội ghi nhận tổng 2.574 ca Covid-19, trong đó 1.309 người ngoài cộng đồng và 1.265 người trong khu cách ly, phong tỏa. Tính riêng từ ngày đầu tiên giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (ngày 24/7) đến tối 22/8, thành phố có tổng 1.906 ca. Số ca nhiều nhất trong ngày là 119 ca (ngày 30/7), ít nhất là 20 ca (ngày 22/8).

Hà Nội đã trải qua 2 đợt giãn cách xã hội toàn thành phố, bắt đầu từ ngày 24/7 và đợt thứ 3 sẽ kéo dài đến 6h ngày 6/9, kiên quyết yêu cầu người dân "ai ở đâu thì ở đó" nhằm khống chế sự lây lan, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Hà Nội kéo dài thời gian giãn cách toàn xã hội đến 6h ngày 6/9 (Ảnh: Quý Nguyễn)

Tình hình dịch bệnh qua 2 đợt giãn cách toàn xã hội

Tính đến tối 22/8, dịch lan ra 30/30 quận, huyện, thị xã, nhiều nhất là huyện Đông Anh (341 ca), sau đó quận Đống Đa (297 ca) và huyện Thanh Trì (271 ca). 3 huyện có số ca nhiễm thấp nhất là Phú Xuyên (8 ca), Ba Vì (8 ca) và Chương Mỹ (9 ca).

Hà Nội có 9 chùm ca bệnh đến nay đã được khống chế và không ghi nhận thêm ca mắc mới, gồm:

- Chùm ca bệnh tại 90 Nguyễn Khuyến, quận Đống Đa: 82 ca.

- Chùm ca bệnh tại phường Tân Mai, quận Hoàng Mai: 116 ca.

- Chùm ca bệnh tại Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ, số 565 Nguyễn Trãi (liên quan Bắc Ninh): 19 ca.

- Chùm ca bệnh tại Bùi Thị Xuân, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng: 44 ca.

- Chùm ca bệnh tại B6 Trại Găng, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng: 34 ca.

- Chùm ca bệnh liên quan Nhà thuốc Đức Tâm, số 95 Láng Hạ, quận Đống Đa: 119 ca.

- Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh (liên quan Bắc Giang): 115 ca.

- Chùm ca bệnh liên quan Bệnh viện Phổi Hà Nội: 78 ca.

- Chùm ca bệnh liên quan Công ty thực phẩm Thanh Nga, ngõ 651 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng: 42 ca.

Qua công tác chủ động rà soát, giám sát các trường hợp ho, sốt ngoài cộng đồng đã phát hiện 1.505 ca mắc tại 29 quận, huyện, thị xã (trừ huyện Phúc Thọ), trong đó 125 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 nguyên phát.

Những ngày gần đây, chùm ca bệnh liên quan TP.HCM tiếp tục ghi nhận thêm 2 ca mắc mới tại huyện Thường Tín và thị xã Sơn Tây. Đặc biệt, thành phố xuất hiện chuỗi lây nhiễm phức tạp tại chung cư HH4C, thuộc Khu đô thị Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, đến tối 22/8 ghi nhận tổng 39 ca, phân bố tại 8 tầng: tầng 4 (4 ca), 6 (15 ca), 7 (4 ca), 8 (4 ca), 27 (3 ca), 30 (4 ca), 32 (2 ca) và 33 (3 ca).

Hà Nội phong tỏa nhiều khu vực như chợ dân sinh sau khi ghi nhận các tiểu thương mắc Covid-19 (Ảnh: Quý Nguyễn)

Hà Nội đã bố trí và kích hoạt 10.600 giường bệnh, trong đó 1.000 giường tại 7 bệnh viện đang điều trị F0, 3.000 giường tại 12 bệnh viện khác của thành phố đã sẵn sàng chuyển trạng thái công năng điều trị F0 mức độ vừa trở lên. 6.600 giường tại cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại 4 cơ sở (Đền Lừ III: 2.000 giường, Đại học Phenikaa: 600 giường, Khu nhà ở học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp A5: 2.000 giường và Khu Thượng Thanh, quận Long Biên: 2.000 giường).

Ngày 13/8, thành phố đã phê duyệt phương án đáp ứng oxy y tế trong tình huống có 40.000 bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn. Đến ngày 15/8, tiếp tục phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp, đầu tư hệ thống khí y tế tại các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế theo lệnh khẩn cấp cho 32 bệnh viện, từ ngày 16/8 thi công cải tạo nâng cấp hệ thống khí y tế cho các bệnh viện.

Thành phố đã giao Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Sở Y tế xây dựng bài tập thể dục để hướng dẫn người bệnh tập thể dục nâng cao thể lực, sức khỏe tinh thần trong các cơ sở thu dung, điều trị không triệu chứng và triệu chứng nhẹ.

Ngoài ra, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện tư nhân đảm bảo 40% số giường bệnh tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Hà Nội cũng thiết lập đường dây nóng tư vấn sức khỏe qua tổng đài 1022, gồm 4 nhánh:

- Nhánh 1 (bấm phím 1) kết nối đến Trung tâm cấp cứu 115.

- Nhánh 2 (bấm phím 2) kết nối đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC).

- Nhánh 3 (bấm phím 3) kết nối với Mạng lưới thầy thuốc đồng hành do Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam triển khai.

- Nhánh 4 (bấm phím 4) kết nối đến Sở Thông tin và Truyền thông để tiếp nhận phản ánh của người dân về vi phạm công tác phòng chống dịch.

Hiện tại 1.000 bác sĩ đã đăng ký tham gia tư vấn sức khỏe, đã tập huấn 350 bác sĩ để bắt đầu triển khai tư vấn. Thành phố đang xây dựng nhánh thứ 5 kết nối với các quận, huyện, thị xã.

Hà Nội hiện có 135 cơ sở cách ly có quyết định thành lập (20 cơ sở do TP thành lập, 9 cơ sở trong doanh trại quân đội, công an quản lý và 106 cơ sở tại các quận, huyện, thị xã) có khả năng tiếp nhận cách ly ngay 42.982 người; hiện đang cách ly 5.120 người.

Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định giao chỉ tiêu cách ly công dân phòng, chống dịch Covid-19 với chỉ tiêu 62.100/18 huyện ngoại thành. Như vậy, thành phố đã sẵn sàng phương án cách ly cho khoảng 70.000 người, kích hoạt các khu cách ly cũng như chuẩn bị thêm các khu cách ly căn cứ diễn biến dịch bệnh.

Trung tâm phố cổ Hà Nội vắng vẻ, khác lạ trong một tháng, trải qua 2 đợt giãn cách và chuẩn bị cho đợt thứ 3 (Ảnh: Quý Nguyễn)

2 chiến dịch y tế lớn nhất lịch sử Thủ đô: Xét nghiệm diện rộng và tiêm vaccine Covid-19

Đêm 10/8, Hà Nội ban hành kế hoạch, quyết định mở "mặt trận" xét nghiệm Covid-19 diện rộng quy mô lớn nhất từ trước đến nay với 3,3 triệu mẫu. Đợt cao điểm trong tháng 8/2021 từ ngày 9/8 đến 15 - 17/8, với khoảng 1.300.000 mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR và 2.000.000 mẫu test nhanh.

Hà Nội phân chia các nhóm xét nghiệm theo "nhóm đỏ", "da cam" và "xanh". Ngoài ra, thành phố cũng lấy mẫu theo hộ gia đình tại các quận nội thành và các huyện có nguy cơ cao. Mỗi gia đình lấy đại diện 1 mẫu của 1 thành viên có nguy cơ cao nhất.

"Nhóm đỏ": các khu vực trong các xã, phường nguy cơ rất cao và nguy cơ cao.

"Nhóm da cam": các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, chợ, siêu thị, bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh... và các khu vực nằm trong vùng nguy cơ.

"Nhóm xanh": các đối tượng ít di chuyển tại khu vực không có dịch trong vùng xanh.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định cùng với chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất trong lịch sử Thủ đô, đây cũng là đợt lấy mẫu xét nghiệm lớn nhất từ trước đến nay trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Bà Hà cho biết ngành y tế Thủ đô quyết tâm thực hiện nhanh nhất kế hoạch để đạt được mục tiêu phát hiện, khoanh vùng ổ dịch, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết triệt để F1, khoanh vùng và giảm "vùng đỏ", không để phát sinh chùm ca bệnh mới và bảo đảm an toàn, giữ vững "vùng xanh" hiệu quả, từng bước đẩy lùi dịch bệnh.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội khuyến cáo 13 nhóm người nguy cơ cao cần được xét nghiệm ngay, gồm người giao hàng (shipper); người bán hàng tại các chợ truyền thống; nhân viên bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại; người bán hàng tạp hóa tại nhà; nhân viên bán xăng; lái xe khu công nghiệp, đường dài; bảo vệ chung cư, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, đoàn thể; công nhân xây dựng đang mắc kẹt tại Hà Nội; nhân viên bán thuốc tại các quầy; người làm tại các kho hàng bán lẻ; người trực chốt kiểm dịch; lực lượng hỗ trợ chống dịch; nhân viên công ty môi trường đô thị trực tiếp thu gom rác (lái xe, lao công).

Sinh viên tình nguyện giúp đỡ người dân vận chuyển đồ tiếp tế tại khu phong tỏa phường Văn Miếu (Ảnh: Đinh Huy)

Từ ngày 9/8 đến 15/8, Hà Nội đã lấy được 322.925 mẫu xét nghiệm khu vực nguy cơ và người dân nguy cơ cao, đạt 107,6% kế hoạch, phát hiện 29 ca Covid-19 (Đống Đa: 23, Thanh Trì: 3, Hoàng Mai: 1, Hà Đông: 1, Thanh Oai: 1), số còn lại âm tính.

Thành phố tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 2 từ ngày 18/8 đến 20/8, đã lấy được 421.108 mẫu (đạt 48,8% kế hoạch), phát hiện 18 ca Covid-19 (Hoàng Mai: 13, Hà Đông: 5); 107.259 mẫu âm tính, số còn lại đang chờ kết quả.

Về công tác tiêm chủng, theo số liệu trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, tính đến tối 22/8, Hà Nội đã tiêm được 2.356.256 liều vaccine. Trước đó, thành phố đã chuẩn bị 1.000 dây chuyền tiêm chủng (tối đa 1.200 dây chuyền) để đáp ứng 200.000 mũi/ngày. Ngoài ra còn dự phòng 80 dây chuyền tiêm chủng để hỗ trợ các đơn vị với năng lực tiêm 16.000 mũi/ngày, gồm các đơn vị quân đội (40 dây chuyền); Công ty cổ phần Vaccine Việt Nam (30 dây chuyền) và CDC Hà Nội (10 dây chuyền).

Mục tiêu của Hà Nội trong 2 tuần giãn cách tiếp theo?

Trong 2 tuần tiếp tục giãn cách xã hội trên phạm vi toàn thành phố, Hà Nội siết chặt công tác quản lý phòng chống dịch tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích… nhất là trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, ngày cuối tuần.

Đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ di biến động của người dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn gồm hoạt động tham gia giao thông, hoạt động của các cơ quan, công sở, sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; đảm bảo an toàn phòng chống dịch và chỉ được hoạt động trong các khung giờ quy định; tuân thủ việc khai báo bằng mã QR Code, quy định phòng chống dịch của TP; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Trong cuộc họp thông tin công tác phòng, chống dịch Covid-19 TP. Hà Nội chiều 20/8, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá nguy cơ vẫn rất cao, còn F0 trong cộng đồng, dịch bệnh ở phía Nam và các tỉnh lân cận Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp. Một số mục tiêu của việc giãn cách đặt ra như hạn chế mức thấp nhất người ra đường chưa đạt được.

Mục tiêu của Hà Nội trong giai đoạn tới là tận dụng ngày giãn cách xã hội tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, trọng tâm để bóc tách F0; tăng cường tiêm vaccine; nâng cao năng lực của y tế Thủ đô để chủ động hơn một bước, chuẩn bị cao hơn một bước so với thực tế, nhằm sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.

Khoảng 100 y bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ cư dân tòa chung cư HH4C, Khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai (Ảnh: Đặng Thủy)

Thành phố tiếp tục chiến dịch tiêm chủng đúng theo chỉ đạo của Trung ương, sát tình hình thực tế, có vaccine đến đâu tiêm ngay đến đó và theo thứ tự các đối tượng ưu tiên đúng hướng dẫn của Trung ương và có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Thành phố cũng triển khai xét nghiệm diện rộng nhưng có trọng tâm, trọng điểm là những vùng đỏ, vùng nguy cơ cao, đối tượng có nguy cơ, qua đó sàng lọc được F0 trong cộng đồng. Ngoài ra, tập trung nâng cao năng lực mọi mặt của ngành Y tế: Nâng cấp trang thiết bị, cung cấp bổ sung thêm hệ thống oxy; đào tạo, tập huấn đội ngũ y bác sĩ; chuẩn bị các bệnh viện thu dung, điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ...

Hà Nội cũng đã chuẩn bị cho 3 giai đoạn, với 10.000, 20.000, 30.000 giường điều trị và hiện đã xong giai đoạn 1. Đồng thời tranh thủ thời gian này để thành lập thêm các khu cách ly tập trung xa trung tâm, hiện đã vận hành được 30.000 chỗ, đang chuẩn bị tiến tới 70.000 và 100.000 chỗ.

Thành phố cũng chỉ đạo các cơ quan ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào công tác phòng chống dịch. Trong đó, nâng cấp Trung tâm cấp cứu 115, kết nối tất cả các xe cấp cứu, tập huấn và chuẩn bị thêm 500 xe taxi quản lý bằng phần mềm để phục vụ cấp cứu nhanh chóng. Thành phố cũng đang thử nghiệm phần mềm quản lý F1 có liên thông với F0, đảm bảo chặt chẽ, khoa học để chủ động trong trường hợp có nhiều F1.

Thành phố đã có chủ trương sau khi dịch bệnh giảm đi, sẽ dùng 500 tỷ từ vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm.

         
 
   
         
 
   
         
 
   
         
 
   

15 ngày tiếp theo, Hà Nội phấn đấu bóc tách hết F0, đẩy mạnh xét nghiệm, sớm đưa cuộc sống người dân bình thường trở lại (Ảnh: Nhóm phóng viên)

 

Link gốc: http://nhipsongviet.toquoc.vn/ha-noi-sau-2-dot-gian-cach-toan-thanh-pho-nhieu-chum-ca-benh-duoc-kiem-soat-2-chien-dich-lon-nham-boc-tach-f0-ra-khoi-cong-dong-22021228225840682.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU