"Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó"...
Học yêu Hà Nội từ những điều bình dị nhất, đó là cái cách để người ta thấu hiểu hơn, yêu hơn một thành phố ngàn năm văn hiến. Như yêu từ chính những con ngõ nhỏ giữa lòng thủ đô, từ chính những món ăn giản dị nhất, từ chính những con người xưa cũ nơi đây...
Hà Nội bây giờ, khi ngàn vạn món ăn Tây, rồi Hàn, rồi Nhật đua nhau "xâm chiếm", những thứ đồ ăn tưởng rằng xa xỉ khi xưa bỗng trở nên bé nhỏ và đơn sơ lạ thường. Ấy thế nhưng, hãy thử một lần bình tĩnh sống, chậm lại vài phút thôi, chỉ để cảm nhận và thấu hiểu, ta lại thấy một Hà Nội đặc biệt vô cùng.
Như từ chính món sữa đậu đặc biệt "không đâu có", ngay trong một con ngõ nhỏ giữa lòng Hà Nội, và do chính những con người của thế hệ "muôn năm cũ" làm ra...
Ngay trên con phố Hai Bà Trưng, gần đoạn cắt Phan Bội Châu, nếu ai hay đi qua đây hoặc thỉnh thoảng lang thang tản bộ thì có thể sẽ bắt gặp hình ảnh một chiếc biển ghi "sữa đậu đặc biệt" treo trên một bức tường vàng. Tấm biển cũ kỹ nằm ở đó, nhưng hàng sữa đậu thì... chẳng thấy đâu cả.
Thật ra, bác Tín bán sữa đậu chai cho người ta mang đi, để sẵn ở trong nhà. Người nào muốn mua phải đi sâu vào trong ngõ, rồi cứ thế kêu to: "Bác ơi bán cho con chai sữa đậu" là sẽ thấy bác trai hoặc bác gái lật đật mở cửa mang sữa từ trong nhà đi ra.
Rồi cũng thỉnh thoảng có người muốn ghé uống sữa đậu nghỉ chân, bác cũng mang tạm vài chiếc ghế nhựa ra kê trong ngõ, rồi rót sữa đậu ra cốc để người ta ngồi uống.
Hàng sữa đậu của bác Tín mở từ năm 1998, đến nay cũng phải gần 20 năm rồi. Học hỏi từ nhiều nơi, bác gái đã làm nên món sữa đậu đặc biệt này, rồi sau đó mở quán bán.
Giữa muôn vàn hàng quán, từ sang chảnh đến bình dân giữa lòng Hà Nội, gần như chẳng còn mấy hàng quán kiểu này. Đây là loại quán điển hình chỉ bán cho khách quen, bởi ai không biết thì dù có tìm đến tận nơi cũng chưa biết vào mua kiểu gì.
Bác Tín kể, ở đây đa số toàn khách quen thôi. Người nọ nói với người kia, thế là người ta biết mà tìm đến. Thường thì người ta sẽ gọi điện đặt trước để bác làm chứ ít khi làm thừa lắm.
Hồi trước, bác để một chiếc bàn nhỏ với mấy chai sữa ở đầu ngõ để người ta biết là mình bán sữa đậu. Một thời gian sau, bác mới treo tấm biển lên đó, ai biết thì sẽ đi thẳng vào trong ngõ chứ cũng không bày sữa ra bên ngoài nữa.
Cũng có đợt có khách lạ đi qua, thấy biển sữa đậu thì tìm vào. Người ta nghe "sữa đậu đặc biệt" thì cũng chỉ nghĩ là bán sữa đậu nành bình thường thôi, nhưng đến khi uống thử thì lại thấy ngon và đặc biệt bởi vị sữa đậu ở đây rất lạ.
Đúng là lạ thật! Bởi sữa bác làm không đơn thuần chỉ là sữa đậu nành thường thấy. Ngoài sữa đậu nành thông thường, bác gái còn cho thêm cả đậu xanh xay nhuyễn và chút nước cốt dừa. Thế nên cốc sữa uống vào vừa có mùi thơm của đậu nành quyện với vị đậu xanh, lại béo ngậy vị cốt dừa.
Câu chuyện của cặp vợ chồng già bán sữa đậu cốt dừa trong con ngõ nhỏ này cũng vô cùng đặc biệt. Với người ta, làm ăn kinh doanh thì càng đông khách càng tốt, nhưng với 2 bác, bán sữa đậu nành bây giờ như một thú vui tuổi già vậy. Thế nên khi tôi ngỏ ý muốn giới thiệu hàng sữa đậu nành của bác cho nhiều người khác biết thì bác lắc đầu nguầy nguậy. Bác bảo sợ người ta biết mà tới mua đông, bác lại làm chẳng kịp.
Thế rồi cố gắng đứng năn nỉ một hồi, bác cũng đồng ý cho vào chụp vài tấm ảnh, quay vài đoạn clip, nhưng vẫn dặn đi dặn lại là đừng đưa địa chỉ nhà bác lên.
Cứ tưởng bác khó tính, ấy vậy mà ngồi trò chuyện một lúc lại thấy bác hiền vô cùng. Bác tâm sự, bác có đúng một người con duy nhất, giờ lại định cư ở nước ngoài rồi, thế nên chỉ có 2 ông bà già ở đây với nhau thôi. Bác gái ban ngày có đi làm thêm ở chỗ khác, tối về mới làm sữa đậu để ngày hôm sau bác ở nhà bán. Bác cứ bán túc tắc như vậy, vừa có thêm tiền, mà cái chính là để có việc mà làm cho vui.
Quả thật, không nhiều người biết đến hàng sữa đậu đặc biệt này của nhà bác Tín. Tuy nhiên, những ai đã biết thì lại rất ấn tượng bởi hương vị của sữa đậu ở đây, của câu chuyện nhà bác chủ, của ngay cả khung cảnh con ngõ nhỏ xưa cũ đưa người ta hoài niệm về Hà Nội của rất nhiều năm về trước.
Hà Nội là vậy đó. Có sống chậm lại, có chịu dừng lại để cảm nhận thì mới phát hiện ra xung quanh ta có rất nhiều những điều vừa bình dị, vừa thú vị.
Một ngày nào đó bỗng dưng nổi hứng lãng mạn, hãy thử lang thang đến con phố Hai Bà Trưng nhé! Chiếc biển "sữa đậu đặc biệt" chẳng hề khó tìm đâu.