Hạnh phúc được làm mẹ của bệnh nhân ung thư máu sau 11 năm chữa bệnh

Trong suốt quá trình mang thai, chị hay bị thiếu máu và phải truyền khối hồng cầu. Nhờ nỗ lực của bản thân, sau 9 tháng chị đã sinh con.

 

Năm 2008, khi mới 24 tuổi, chị Nguyễn Thị Thanh Hồng được chẩn đoán bị bệnh Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt (CML) - một dạng ung thư máu. Bằng sự cố gắng kiên trì điều trị sau 11 năm chị đã được làm mẹ như ý muốn.

Chị Hồng nhớ lại quãng thời gian đó: "Bố mẹ không ai dám nói với tôi. Dù đã được các bác sĩ giải thích nhưng chỉ cần nghe đến hai chữ "ung thư" đã rất kinh khủng, ai cũng nghĩ tôi sắp chết. Nhìn thấy người thân khóc, tôi nói cứng: 'Con chưa chết thì mọi người không phải khóc' nhưng trong lòng đầy lo lắng. Trên tay tôi lúc nào cũng gắn kim luồn. Tôi chỉ ước chiếc kim này không bao giờ quay lại với mình nhưng tôi phải học cách chấp nhận nó".

Khi mới 24 tuổi, chị Nguyễn Thị Thanh Hồng được chẩn đoán bị ung thư máu nhưng chị đã đối mặt với nó.

Một thời gian sau, ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương có chương trình hỗ trợ sử dụng thuốc điều trị nhắm đích và chị Hồng đã tham gia. Đây là một trong những loại thuốc điều trị ung thư máu mãn tính tiên tiến nhất trên thế giới, thuốc sẽ tấn công trực tiếp và sửa chữa các đột biến di truyền nhiễm sắc thể gây bệnh, giúp người bệnh không phải truyền hóa chất và có cuộc sống gần như người bình thường trong một khoảng thời gian dài so với các bệnh ung thư khác.

Thời gian trôi đi, đã hơn 10 năm chị Hồng đều đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương khám định kỳ và uống thuốc hàng ngày. Cuối năm 2018, chị Hồng mang thai ngoài dự định.

"Hơn ai hết chị hiểu rõ, nếu giữ lại cái thai, có thể tính mạng của mẹ và em bé đều không giữ được, có thể chị sẽ chuyển từ ung thư máu mãn tính sang cấp tính… Khi đó, tiên lượng sẽ rất xấu, điều trị khó đáp ứng", chị Hồng tâm sự.

Khát khao được làm mẹ, chị quyết định không bỏ thai và dừng uống thuốc điều trị nhắm đích. Khi ngừng thuốc mới được 3 tuần, các chỉ số bạch cầu và tiểu cầu đều tăng vọt, nguy cơ tắc mạch máu cho cả mẹ và con (tắc mạch ối) rất cao.

Chị phải nhập viện và nằm viện gần như liên tục kể từ đó. Không thể dùng thuốc, các bác sĩ chỉ có thể điều trị bằng các biện pháp vật lý là gạn tiểu cầu và bạch cầu. Chị không thể nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần phải vào phòng gạn tách tế bào máu. Trong suốt quá trình mang thai, chị hay bị thiếu máu và phải truyền khối hồng cầu. Nhờ nỗ lực của bản thân, sau 9 tháng chị đã sinh con.

BS. Nguyễn Ngọc Ban, người trực tiếp điều trị cho chị Hồng tại khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: "Ở góc độ chuyên môn, chúng tôi không khuyến khích người bệnh sinh con. Nhưng tôi rất đồng cảm vì chị ấy đã bị bệnh từ lâu, khi người bệnh quyết tâm để được làm mẹ thì chúng tôi cũng cố gắng hết sức để chị ấy được mẹ tròn con vuông. 9 tháng đó, thời gian chờ đợi rất dài, bác sĩ cũng nín thở chờ đợi cùng gia đình người bệnh.

Nhiều thời điểm bạch cầu, tiểu cầu tăng cao mà không được dùng thuốc, chúng tôi đã dùng tất cả các biện pháp khác với hy vọng bệnh không tiến triển. Khi em bé chào đời, các bác sĩ, điều dưỡng đều rất vui và hạnh phúc cùng gia đình người bệnh".

Với quyết tâm làm mẹ, chị đã sinh con mẹ tròn con vuông.

Theo các bác sĩ, Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt (Chronic myeloid leukemia - CML) là một bệnh ác tính hệ tạo máu, chiếm 5% tổng số các bệnh tạo máu, 20-25% các bệnh máu ác tính.

Tiến trình tự nhiên của lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt bao gồm 3 giai đoạn: (1) Giai đoạn mãn tính; (2) giai đoạn tăng tốc; (3) giai đoạn chuyển lơ-xê-mi cấp.

Nguyên nhân gây bệnh CML là do bất thường di truyền chuyển đoạn giữa nhiễm sắc thể số 9 và nhiễm sắc thể số 22. Chính vì vậy, các nhà khoa học trên thế giới đã lấy ngày 22/9 là Ngày Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt Thế giới.

Hiện nay, tại Việt Nam có hai phương pháp điều trị CML tiên tiến nhất được lựa chọn, gồm điều trị nhắm đích và ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài.

Tuy nhiên, do chi phí điều trị bằng thuốc nhắm đích tương đối cao (khoảng 500 triệu đồng/năm) và người bệnh phải sử dụng suốt đời nên từ năm 2009, tại Việt Nam đã triển khai 2 chương trình Hỗ trợ sử dụng thuốc nhắm đích cho người bệnh Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt là VPAP và GPAP để người bệnh có cơ hội tiếp cận với phương pháp điều trị này. Phụ nữ dùng thuốc điều trị nhắm đích không nên có thai còn nam giới có thể có con bằng cách dừng dùng thuốc 1-2 tháng ở thời điểm thụ thai.

CML là 1 bệnh ác tính hệ tạo máu và chiếm 5% tổng số các bệnh tạo máu, 20-25% các bệnh máu ác tính. Bệnh gặp ở cả nam và nữ. Bệnh sinh ra do bất thường di truyền chuyển đoạn giữa nhiễm sắc thể số 9 và nhiễm sắc thể số 22. Cũng bởi chuyển đoạn giữa nhiễm sắc thể số 9 và nhiễm sắc thể số 22 mà thế giới đã lấy ngày 22/9 là ngày Lê-xơ-mi kinh dòng bạch cầu hạt thế giới.

Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 100-120 bệnh nhân mới mắc bệnh Lê-xơ-mi kinh dòng bạch cầu hạt mỗi năm. Mặc dù số lượng bệnh nhân không lớn song cũng là gánh nặng không hề nhỏ đối với gia đình, xã hội và nguy hiểm hơn đã ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh và gia đình.

 

Theo helino.ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU