Hậu ly hôn: Ai trả tiền học cho con, mức cấp dưỡng có thể đến con số nào?

Bạn nghĩ rằng con của bạn nên đi học trường công, người cũ của bạn lại muốn con vào một trường tư đắt tiền. Ai sẽ trả chi phí ăn học đó? Quyết định của bạn như thế nào?

Rất nhiều đứa trẻ từ nhỏ đã theo học tại các trường tư, phát triển vượt bậc về cả tư duy xã hội và học vấn. Nhưng một ngày, những thứ mà đứa trẻ đang được hưởng bỗng bị gạt phăng đi vì sự đổ vỡ trong hôn nhân của người lớn và quan trọng là họ không thể thống nhất về việc ai sẽ là người chi trả học phí trong tương lai.

Vậy điều gì sẽ xảy ra? Liệu đứa trẻ đang quen với môi trường "sang xịn" có sẵn sàng thích nghi với những nơi học tập kém tiện nghi hơn? Lập kế hoạch chi trả cho việc học hành của con khi ly hôn là điều cấp thiết để đảm bảo rằng con cái của bạn có cơ hội được hưởng sự giáo dục mà chúng đáng được nhận. Kể cả khi danh sách vấn đề cần giải quyết khi ly hôn của bạn quá nhiều thì chi phí cho việc học và tiết kiệm vẫn cần được đặt lên hàng đầu.

TRƯỚC HẾT HÃY TÌM HIỂU, MỨC CẤP DƯỠNG CÓ THỂ ĐẾN CON SỐ NÀO KHI LY HÔN

Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 được ban hành và có hướng dẫn như sau: "Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý".

Bài viết của công ty Luật Trí Nam cho biết, thực tế khi ly hôn với chồng là người có thu nhập rất cao, hoặc là người nước ngoài, người vợ thường yêu cầu cấp dưỡng nuôi con ở mức có thể chi trả tiền học cho con ở các trường quốc tế. Vậy Tòa án có chấp thuận không?

Thông thường Tòa án sẽ làm rõ việc: (i) Điều kiện học và điều kiện sống của con hiện tại thì yêu cầu này có phù hợp hay không; (ii) Mong muốn của người chồng về việc hỗ trợ để tiếp tục cho người con có điều kiện học tập ở những nơi có điều kiện tốt nhất;

Trong một vụ án tại Tòa án tỉnh Bắc Ninh giải quyết ly hôn với người Hàn Quốc thì mức cấp dưỡng được ghi nhận là 15.000.000đ/tháng. Do đó, yêu cầu tiền cấp dưỡng cao hay quá cao không quan trọng, quan trọng là nó hợp lý, tốt cho sự phát triển của con.

Tòa án căn cứ theo các điều kiện sống của con từ thời điểm sinh đến thời điểm hiện tại, hoặc xem xét điều kiện sinh hoạt, học tập của con hiện tại để xác định số tiền cần chi trả để nuôi con.

Thông thường Tòa án căn cứ theo các điều kiện sống của con từ thời điểm sinh đến thời điểm hiện tại, hoặc xem xét điều kiện sinh hoạt, học tập của con hiện tại để xác định số tiền cần chi trả để nuôi con. Đây là căn cứ quan trọng để xác định mức cấp dưỡng người không nuôi con phải chịu.

Pháp luật hiện hành không quy định mức cấp dưỡng cụ thể là 2 triệu, 5 triệu hay 100 triệu/tháng mà tạo điều kiện cho các bên tự thỏa thuận dựa vào điều kiện, thu nhập của người cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Thông thường Toà án thường ấn định mức cấp dưỡng dao động 15-30% mức thu nhập của người cấp dưỡng. Trường hợp không xác định được mức thu nhập của người cấp dưỡng thì lương tối thiểu vùng hoặc án lệ trước đó sẽ là căn cứ để Tòa án giải quyết vụ việc.

Về phương thức cấp dưỡng do các bên thoả thuận định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì Toà án quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng.

THỎA THUẬN VỚI NGƯỜI CŨ: CHỌN TRƯỜNG CÔNG HAY TRƯỜNG TƯ?

Nếu cho con học trường tư, rào cản lớn nhất đối với hầu hết các bậc cha mẹ là chi phí. Nhưng dù con bạn học tại một trường công thì các khoản đóng góp cũng không hề nhỏ. Phải tính đến những khoản chi cho việc bổ sung đồ dùng học tập, tiền ăn trưa, những chuyến đi ngoại khóa, những ngày lễ của giáo viên và quà tặng cuối năm, cũng như gây quỹ hội phụ huynh. Tuy rằng mức chi phí này không là gì so với chi phí tại các trường tư thục, nhưng hoàn toàn có thể gây ra một khó khăn lớn cho nhiều gia đình.

Trong bài viết tư vấn về quản lý chi phí giáo dục trong gia đình, chuyên gia tài chính cá nhân Trần Nhật Nam cho biết, việc lựa chọn trường công hay trường tư sẽ cần bắt đầu bằng một "check list" đơn giản trước.

Đầu tiên, ta xét đến yếu tố tài chính. Nếu thu nhập của gia đình (giờ đây là của một người cộng thêm cấp dưỡng từ người cũ) dưới 20 triệu, chúng ta nên bỏ qua lựa chọn trường tư và tập trung vào tìm kiếm các trường công tốt, phù hợp.

Lựa chọn sẽ căn cứ trên việc so sánh các yếu tố vốn là những điểm khác biệt lớn nhất của hai hệ thống trường Công và Tư: Ngoại ngữ (Tiếng Anh), Kiến thức xã hội, Cơ sở vật chất. Nhưng dù tổng thu nhập khoảng 40 - 50 triệu/tháng thì tối đa cũng chỉ nên dành 30-40% cho giáo dục. Việc chúng ta tìm đến những lựa chọn giáo dục rẻ hơn không có nghĩa là chúng ta đã hy sinh tương lai của con cái mình. Phần lớn sự thành công của con cái là dựa trên sự quan tâm và sự gương mẫu của cha mẹ.

Nếu thu nhập của gia đình (giờ đây là của một người cộng thêm cấp dưỡng từ người cũ) dưới 20 triệu, chúng ta nên bỏ qua lựa chọn trường tư và tập trung vào tìm kiếm các trường công tốt

Và khi đứa con đang trong độ tuổi học sinh của bạn dần hoàn thành các bậc học, thì bạn cũng đang dần cận kề với những mối lo liên quan đến vấn đề tài chính cho việc học đại học của đứa bé sau này.

Luật sư hôn nhân và gia đình tại Công ty hợp danh TNHH Barton, Orrit Hershkovitz chia sẻ: "Một số thỏa thuận ly hôn có giới hạn nghĩa vụ tài chính rõ ràng về số tiền mà cha mẹ phải đóng góp cho việc học đại học của con cái".

Dù có hay không những giới hạn nghĩa vụ như vậy trong thỏa thuận ly hôn, thì cũng cần nêu rõ về vấn đề: Liệu có cần sự thống nhất của cả cha và mẹ trong việc lựa chọn trường đại học cho con họ hay không?

Thỏa thuận cũng nên nêu rõ liệu phía phụ huynh – người đang không nuôi con nhưng có nghĩa vụ trả tiền cấp dưỡng con cái - có tiếng nói trong việc quyết định cho đứa trẻ theo học một trường đại học tư dựa trên lý do tài chính (hoặc lý do khác) hay không.

Nếu thỏa thuận không đề cập đến một trong hai vấn đề trên, vẫn cần phải yêu cầu người cấp dưỡng đóng góp vào chi phí đại học cho con ngay cả khi họ phản đối trường đại học mà đứa trẻ chọn.

Nguồn tổng hợp: Công ty luật Trí Nam, kiplinger.com

 
Link gốc: https://soha.vn/hau-ly-hon-ai-tra-tien-hoc-cho-con-muc-cap-duong-co-the-den-con-so-nao-20210816172458242.htm?fbclid=IwAR0PKkZ7NcLfjW2Sscc7J2tUyRaOx5ClccqDPlqVbMabioWtENDGjnSlv5k

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU