Hãy để con biết đói!

Biến bữa ăn thành 'cuộc chiến' có thể dẫn đến nhiều tác động xấu về sức khỏe tâm thần lẫn thể chất của trẻ em

Dẫn con đến một phòng khám tâm lý ở quận Tân Bình, TP HCM, chị M.T (nhân viên văn phòng, 38 tuổi) cho biết con gái 5 tuổi của chị vốn kén ăn từ nhỏ, chị đã dùng mọi cách để vỗ béo cho cháu nhưng bất thành. Vài tháng trước, cháu bắt đầu nôn ói nhiều khi ăn, đã đi khám bác sĩ (BS) tiêu hóa nhưng không phát hiện bệnh. Bạn chị khuyên thử đến khám một BS tâm lý, ai ngờ có kết quả. "BS bảo con tôi luôn cảm thấy sợ hãi khi ăn, dẫn đến căng thẳng, vị giác bị xáo trộn, kích thích nôn ói… Tại vì tôi hay tìm cách dọa để bé ăn nhiều hơn" - chị M.T hối hận.

Bữa ăn thành nỗi ám ảnh

Chị Trần Thị B., ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM thì ấm ức cho biết đã đưa con đi 2 bệnh viện (BV) khám vì biếng ăn, gầy quá mà BS "không có tâm", không chịu chữa. Tuy nhiên, khi đối chiếu chuẩn cân nặng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho đứa con 3 tuổi của chị, bé vượt "chuẩn" khá nhiều.

Tại một hội thảo mới đây của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM), BS Nguyễn Lệ Bình, phân môn Tâm thần Nhi chu sinh, đã xoáy vào hiện tượng ép ăn đang rất phổ biến ngày nay. Tại phòng khám đa khoa của trường này, không ít em bé bị đưa đến khám vì biếng ăn nhưng hóa ra không hề biếng ăn, không hề ốm, chỉ là bị ép ăn quá sức nên ăn không nổi.

"Khi đói người ta khó chịu và khi được ăn sẽ cảm thấy rất dễ chịu. Việc trẻ cảm thấy "được" ăn sẽ chứng tỏ mối quan hệ giữa trẻ và người cho ăn rất tốt. Ngược lại, nếu ép trẻ ăn không theo nhu cầu của trẻ mà theo nhu cầu của người lớn, trẻ không đói, trẻ sẽ phải "bị" ăn" - BS Bình phân tích và khẳng định khi ép ăn, bữa ăn vô tình trở thành nỗi sợ, nỗi ám ảnh, nỗi khó chịu của nhiều đứa trẻ.

BS Lê Hoàng Hạnh Nghi, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết có tới 95% trẻ bị ép ăn đến mức biếng ăn đến khám tại đây. Theo BS Nghi, tâm lý người Việt khá thích con mũm mĩm nên đã ép bé ăn. Thế nhưng, càng ép bé ăn, kéo dài bữa ăn càng khiến bé sợ ăn, không thèm ăn và dẫn đến biếng ăn.

Trẻ em cần ăn uống một cách tự nguyện, vui vẻ và phù hợp nhu cầu để phát triển tốt nhất về thể chất và tâm lý Ảnh: THU HỒNG

Tác động xấu đủ bề

Theo BS Lệ Bình, mỗi cháu sẽ có phản ứng khác nhau khi bị ép ăn. Nhiều cháu trở nên dễ cáu gắt, chống đối; một số trẻ ráng chịu đựng, ăn trong sợ hãi dần dà có thể ảnh hưởng tâm lý, làm xấu đi mối quan hệ mẹ - con; làm đứa trẻ thu mình, lệch lạc trong nhìn nhận về các mối quan hệ xã hội khác. Ngược lại, nhiều trẻ không biếng ăn nhưng bị làm quen với việc ăn nhiều dẫn đến ăn ngày càng tăng số lượng, dẫn đến phàm ăn (ăn nhanh, ăn rất nhiều).

Theo các BS, vấn đề chính ở đây là cảm giác đói - một phản ứng sinh lý rất tự nhiên đã có từ khi trẻ chào đời (trẻ sơ sinh biết khóc đòi bú khi đói) - đã bị làm mất đi vì hành vi ép ăn của cha mẹ. "Hãy tôn trọng nhu cầu sinh lý của trẻ, như những thế hệ ông bà ngày trước" - BS Bình khuyên.

BS Hạnh Nghi cho biết bà vừa điều trị cho một thiếu niên 15 tuổi tên H., một ca ép ăn dẫn đến biếng ăn gây hậu quả lâu dài. Theo mẹ của em, H. biếng ăn từ 2 tuổi và từ đó đến nay mỗi bữa ăn trở thành "cuộc chiến", phải áp dụng đủ biện pháp từ đe nẹt đến chiều chuộng mà tình hình không được cải thiện. Vì vậy, đến nay, chuyện ăn uống của H. vẫn không bình thường và em bị suy dinh dưỡng nặng.

Theo BS Lệ Bình, các trường hợp trẻ bị ép ăn thường rơi vào con của các cha mẹ chưa có kinh nghiệm và kiến thức (thường gặp nhất ở người làm cha mẹ lần đầu); cha mẹ bị rối loạn lo âu (ví dụ con không ăn, mẹ mất ngủ); bà mẹ trầm cảm và cha mẹ bị rối loạn nhân cách (thường là người bị ép ăn hồi nhỏ và tình trạng đó đã đi vào họ một cách vô thức, nên họ xem việc ép con ăn là bình thường). Những trường hợp này phải giúp phụ huynh ổn định tâm lý trước. Hay nói cách khác, để chấm dứt tình trạng bữa ăn như "cuộc chiến", cha mẹ cũng cần được "điều trị".

Các nghiên cứu trên thế giới cảnh báo mối nguy lớn nhất của ép ăn thời hiện đại là việc làm gia tăng số trẻ em béo phì, kéo theo nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường từ khi còn rất nhỏ. "Khi cha mẹ ép ăn uống quá mức, có hai điều xảy ra. Một, trẻ em học cách ăn khi chúng không đói. Hai, cuộc đấu tranh nạp cho trẻ thực phẩm nhiều năng lượng hơn thực tế" - nhà nghiên cứu Ihuoma Eneli từ ĐH bang Ohio (Mỹ) cảnh báo.

Trong khi đó, nghiên cứu từ ĐH Khoa học và Công nghệ Na Uy công bố trên Journal of Paediatric Psychology nhấn mạnh việc ép ăn có thể làm trẻ tăng BMI "một cách không lành mạnh". 

Ảnh hưởng đến khả năng tư duy, học tập

Theo BS Nguyễn Lệ Bình, 20 năm nay, ngành khoa học thần kinh đã chứng minh một điều rất quan trọng: Não của đứa trẻ nếu bị stress kéo dài (do ép ăn), lặp đi lặp lại, sẽ bị ức chế phát triển. Đặc biệt, những cảm xúc tiêu cực sẽ ức chế khả năng tư duy, học tập, suy nghĩ có logic. Nhưng nếu cha mẹ kịp thời tỉnh thức, thay đổi thói quen, não bộ trẻ vẫn có khả năng phục hồi "mềm dẻo" (trước 6 tuổi). "Tôi từng nhận những bệnh nhi lớn hơn và các cháu đó rất khó phục hồi" - BS Bình chia sẻ.

 

 

Theo Tri thức trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU