Chắc chắn những phụ nữ mắc bệnh ung thư vú nhưng vẫn muốn có con sẽ có nhiều băn khoăn, đặc biệt là về vấn đề: 80% bệnh ung thư vú là do tác động của hoóc môn.
Liệu quá trình mang thai, khi hoóc môn có nhiều thay đổi, có phải là cơ hội để căn bệnh ung thư phát triển mạnh hơn?
Phụ nữ sau khi điều trị ung thư có thể thụ thai được hay không? Cần có những giải pháp nào để đảm bảo không di truyền gen gây bệnh cho con?
Trang web uy tín Parents.com vừa qua đã có một bài phỏng vấn Giáo sư y học Ann Partridge tại trường Y khoa Harvard để trả lời những câu hỏi này.
Vẫn có thể mang thai an toàn, dù khó khăn
Thông tin tốt đẹp đầu tiên là: Bác sĩ sẽ ủng hộ nỗ lực sinh con của các bà mẹ bị ung thư vú.
‘Các dữ liệu gần đây nhất không khẳng định rằng mang thai làm tăng hoặc giảm nguy cơ tái phát của bệnh ung thư’ – Bác sĩ Partridge cho biết.
Bác sĩ có thể khuyên bạn đợi từ 2 – 3 năm để có thai sau khi được chẩn đoán mắc ung thư vú, bởi vì đó là giai đoạn bệnh có nguy cơ tái phát cao nhất.
Sau thời gian đó, bà mẹ có thể mang bầu, dù không hề đơn giản. Các bà mẹ có thể xem xét khả năng trữ đông trứng hoặc phôi trước khi bắt đầu hóa trị.
Tiến sĩ Partridge nói: ‘Hoá trị liệu có thể trực tiếp gây tổn hại các tế bào trong buồng trứng, từ đó làm giảm khả năng sinh sản. Việc đông lạnh trứng có thể giúp ích trước khi buồng trứng bị quá trình điều trị tấn công.
Mặt khác, một số bệnh ung thư, bao gồm cả ung thư vú, được điều trị bằng liệu pháp hooc môn, có thể gây độc đối với thai nhi.
Ngoài ra, trong quá trình điều trị ung thư vú, thường kéo dài 5 – 7 năm, buồng trứng cũng bị già đi – do đó làm giảm khả năng sinh sản. ‘Một số phụ nữ sẽ chọn không tham gia đầy đủ các liệu pháp nội tiết, dừng điều trị sớm hoặc gián đoạn để mang thai’ – Tiến sĩ Partridge cho hay.
Một thử nghiệm lâm sàng đang diễn ra về việc điều trị gián đoạn ở những phụ nữ trẻ mắc bệnh ung thư vú giai đoạn sớm.
Kết quả của thử nghiệm có thể giúp phụ nữ quyết định xem liệu đây có phải là một chiến lược tốt ý định có thai của họ hay không.
Thụ tinh trong ống nghiệm có thể sàng lọc những gen lỗi gây bệnh ung thư vú ở thế hệ sau
Mẹ có thể làm gì để gen bệnh ung thư không truyền sang con?
Những bệnh nhân ung thư vú cũng có thể quan tâm đến khả năng cho con bú sữa mẹ, điều này phụ thuộc phần lớn vào từng trường hợp.
Tiến sĩ Partridge nói: ‘Phụ nữ có con sau ung thư vú có thể cho con bú từ phía bầu ngực không bị ảnh hưởng và đôi khi từ phía bên bị ảnh hưởng nếu vú vẫn còn, mặc dù phẫu thuật và tia xạ thường dẫn đến sản lượng sữa thấp từ vú đó.
Nuôi con bằng sữa mẹ làm giảm nguy cơ ung thư nói chung và phụ nữ có tiền sử cho con bú sữa mẹ có tỷ lệ tái phát ung thư vú thấp hơn.
Những người mắc bệnh ung thư vú cũng lo lắng về việc chuyển các gen có liên quan đến bệnh này sang con của họ. ‘Một số bậc cha mẹ biết rằng họ có đột biến trong một gen liên quan đến ung thư làm tăng nguy cơ mắc bệnh này ở thế hệ kế tiếp.
Họ có thể chọn thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và kiểm tra sự thay đổi gen di truyền ở các trứng đã được thụ tinh. Chỉ những phôi không có gen đột biết được sử dụng’, Tiến sĩ Partridge nói.
Nhìn chung, phụ nữ bị ung thư vú có thể có thai sinh nở an toàn. Tiến sĩ Partridge nói: ‘Bệnh ung thư vú của người mẹ không ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của con họ’.