Hiểu sai lệch về bình đẳng giới dẫn tới các vụ vợ giết chồng có xu hướng ngày càng gia tăng

Chỉ còn vài ngày nữa là năm 2017 sẽ khép lại, nhưng dư luận cả nước vẫn chưa khỏi rùng mình vì vụ án vợ giết chồng man rợ gần đây tại tỉnh Bình Dương. Đặc biệt, thời gian gần đây, số lượng các vụ án liên quan đến việc vợ đoạt mạng chồng cũng đang có xu hướng gia tăng khiến dư luận không khỏi bàng hoàng.

Ngày 18/12/2017 vừa qua, anh chồng Trần Thanh T. đi nhậu giữa đêm khuya về, rồi gây ra mẫu thuẫn, ẩu đả với vợ là Hàng Thị Hồng Diễm (32 tuổi, quê tỉnh Hậu Giang). Trong lúc giằng co, Diễm đã dùng dao chém chồng tử vong rồi phân xác anh T. làm nhiều mảnh cho vào túi nilon, balô. Sau đó, Diễm đem bỏ xác tại các điểm tập kết rác trên địa bàn phường Thuận Giao (tỉnh Bình Dương) để phi tang. 

Đây không phải vụ án vợ giết chồng đầu tiên xảy rả trong thời gian vừa qua. Trước đó, vào ngày 22/12/2016, Công an huyện Bảo Lâm đã nhận được tin báo anh Vũ Di Hành (tên thường gọi là Tỏi, trú phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc) bị mất tích từ ngày 16/12/2016 khi đang làm vườn tại thôn Tiền Yên, xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng). Sau một thời điều tra, công an đã bắt tạm giam Đức- bạn thân anh Hành.

Đức khai nhận, vào tối 15/12/2016, Đức đến chơi rẫy cà phê của anh Hành rồi ngủ lại. Đến 2 giờ sáng, Đức dùng con dao thủ sẵn trong người đâm một nhát khiến anh Hành chết tại chỗ. Khi đó có sự chứng kiến của Trần Thị Tuyết Hương, vợ anh Hành đang có quan hệ bất chính với Đức. Hương và Đức sau đó lấy chăn quấn thi thể Hành lại, đào hố chôn nạn nhân ngay trong vườn cà phê rồi tung tin anh Hành đã trốn cùng người tình về TPHCM.

Trước đó, ngày 14/11/2013, người dân huyện Phú Bình (Thái Nguyên) phát hiện thi thể một người đàn ông trôi dạt dưới sông Cầu có nhiều vết đâm, chém. Hung thủ gây nên cái chết của chồng không ai khác chính là vợ nạn nhân - Trương Thị Thưa, 31 tuổi, ở xóm Huống, xã Thượng Đình, huyện Phú Bình.

Những thông tin về các vụ án vợ giết chồng này liên tục được đưa trên các phương tiện truyền thông khiến nhiều người cảm thấy bất an. Vì mạng sống con người bây giờ quá dễ bị tước đoạt, bởi những lý do rất vu vơ và bởi chính những người thân cận nhất.

Trước xu hướng những vụ án vợ giết chồng đang gia tăng như hiện nay, phóng viên đã liên hệ với chuyên gia tâm lý Lê Thị Lan Anh- Điều phối viên chương trình tâm sự bạn trẻ 360 (tamsubantre.org), Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và dân số để nghe chuyên gia phân tích về các khía cạnh tâm lý người vợ.

PV: Dưới góc độ tâm lý, chuyên gia nhìn nhận thế nào về vụ việc vợ giết chồng rồi phân xác thành nhiều mảng mới xảy ra ở tình Bình Dương gần đây?

- Thực ra vụ việc vợ giết chồng rồi phân xác thành nhiều mảng mới đang trong quá trình điều tra nên chưa kết luận nguyên nhân chính xác dẫn đến hành vi này của người vợ. Một số báo đưa tin là do cô vợ ghen tuông với chồng, một số khác lại nói rằng do mâu thuẫn vợ chồng nên dẫn đến hành vi sát hại. Vì cơ quan điều tra chưa đưa ra lý do chính xác nhưng dưới góc độ tâm lý học thì tôi cho rằng, nếu vợ giết chồng vì hai nguyên nhân trên thì mối quan hệ gia đình của họ thực sự có rất nhiều vấn đề bế tắc. Họ không biết cách giao tiếp với nhau và khi giao tiếp lại đi theo xu hướng bạo lực.

Sự hòa hợp giữa vợ và chồng là một điều hết sức quan trọng để duy trì và phát triển mối quan hệ giữa hai người. Trong trường hợp vợ chồng có sự xung đột, mâu thuẫn thì cần phải tìm cách giải quyết, khắc phục khó khăn cho vấn đề của mình và thay đổi mâu thuẫn ấy theo hướng tích cực hơn.

Trong trường hợp hai vợ chồng đều hiếu thắng, nóng tính, muốn kiểm soát đối phương mà tôi gọi là mất cân bằng quyền lực gia đình sẽ khiến cho mọi việc thêm tồi tệ. Khi xung đột không được giải quyết thì sẽ bùng phát lên thành nhiều vấn đề liên quan đến bạo lực.

Bạo lực này có nhiều cấp độ khác nhau. Nó có thể đơn giản chỉ là bảo lực tinh thần là những lời mắng chửi, hoặc bạo lực thể xác như vợ chồng tát nhau. Nhưng đây là một vụ án giết người nên cấp độ bạo lực đã bị đẩy lên rất cao. Theo thông tin tôi đọc, ông chồng là người có hành vi đe dọa người vợ trước. Ông này nói rằng nếu bà vợ không giết ông ta thì ông ta sẽ là người giết bà vợ. Trong tình huống bạo lực bị đẩy lên cao như thế mà cách giải quyết lại không đi xuống thì thúc đẩy bà vợ này giết hại chồng. Vì bà vợ ở đây còn có một sự lo lắng liên quan đến bản năng sinh tồn. Bà vợ lo rằng nếu như mình để ông chồng sống thì ông ta sẽ quay lại giết hại bà ta.

PV: Gần đây xu hướng vợ giết chồng đang gia tăng nhiều hơn. Theo chuyên gia, nguyên nhân nào dẫn đến điều này:

- Tôi cho rằng, ngày xưa phụ nữ thường ở vị thế yếu hơn. Họ chỉ làm việc ở nhà, việc kiếm tiền chủ yếu vẫn là đàn ông nhưng họ cũng phải chịu rất nhiều áp lực. Thời nay, phụ nữ không chỉ chịu nhiều áp lực từ gia đình mà còn chịu nhiều gánh nặng từ cuộc sống hiện đại.

Trước đây, quyền lực gia đình chủ yếu nằm trong tay đàn ông. Nhưng bây giờ phụ nữ cũng đã có cái nhìn khác về vấn đề cân bằng quyền lực gia đình. Họ cũng phải kiếm tiền, phải lo lắng nhiều việc, thậm chí còn có nhiều gánh nặng hơn đàn ông. Vì vậy, nếu họ không được nhìn nhận đúng về vai trò của mình thì sẽ sinh ra những bức xúc nhất định.

Thêm vào đó, việc nhìn nhận vấn đề cân bằng quyền lực gia đình, bình đẳng giới hiện nay cũng còn nhiều hạn chế, thậm chí sai lệch. Cân bằng quyền lực gia đình là ở đó cả vợ và chồng đều chia sẻ những áp lực, gánh nặng với nhau để tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn, hứ không phải anh đánh tôi tôi được quyền đánh lại anh. Suy nghĩ như thế chỉ làm vấn đề bạo lực thêm phần nghiêm trọng.

Ngoài ra, các khóa học tiền hôn nhân cho thanh niên hiện nay vẫn còn đang yếu. Những người sắp kết hôn chưa được giáo dục cách chung sống, đối xử với bạn đời và cách kìm chế mình khi xảy ra mẫu thuẫn vợ chồng nên đôi khi dẫn đến tình huống đáng tiếc.

Việc tiếp cận công nghệ, thông tin, chơi game có hình ảnh bạo lực….cũng là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến xu hướng nói trên.

PV: Theo chuyên gia, làm thế nào để hạn chế những tư tưởng bạo lực, giết người man rợ như vậy?

- Từ vụ việc này chúng ta có thể rút ra một vài bài học. Thứ nhất, nếu trong gia đình có xung đột thì nên sớm tìm giải pháp giải quyết theo chiều hướng tốt đẹp chứ không phải truy tìm nguyên nhân đúng sai tại ai nữa. Ví dụ như khi ông chồng đi nhậu nhẹt về muộn hay ông ta có người khác bên ngoài thì hai vợ chồng nên ngồi xuống nói chuyện để cải thiện tình hình tốt hơn. Đôi khi nguyên nhân có thể chỉ do vợ thiếu tôn trọng chồng hay vợ ăn mặc chưa được gọn gàng. Vì có những cặp vợ chồng 10 năm kết hôn chưa từng cãi nhau nhưng họ vẫn li hôn.Từ đó để cải thiện mối quan hệ giữa hai người tốt hơn.

Thứ hai, xã hội cần phải giáo dục những đứa trẻ từ khi còn nhỏ thông qua các lớp học kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử với mọi người. Với thanh niên trước khi kết hôn, cần tự trang bị cho mình những kỹ năng ứng xử với người bạn đời và cách kìm chế mình khi gia đình có mâu thuẫn.

Cuối cùng, chuyên gia tâm lý Lan Anh cho biết, mâu thuẫn vợ chồng thực ra đều rất dễ tháo gỡ. Khi một trong hai người đã lớn tiếng, chuẩn bị gây hấn, cãi cọ thì người còn lại nên đi ra ngoài, chờ người kia bình tĩnh lại rồi mới nói chuyện. Hoặc khi cơn giận dữ bùng phát chúng ta có thể tiết chế lại bằng cách uống một cốc nước mát, hít thở, làm điều gì đó mình thích, xem phim, nghe nhạc…Từ đó hành vi của mình sẽ được tích cực hơn. Còn khi vợ chồng cãi cọ, mâu thuẫn mà cứ tiếp tục nói qua nói lại sẽ đẩy lên những tình huống cao trào hơn, thậm chí gây ra hậu quả đáng tiếc.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU