Trâm anh thế phiệt
Năm 1990, cuộc thi Hoa hậu Toàn quốc báo Tiền Phong (Hoa hậu Việt Nam) tiếp tục chọn một cô gái Hà Thành cao 1m58 cho ngôi vị cao nhất cuộc thi. Đó là Nguyễn Diệu Hoa - cô sinh viên 21 tuổi đang học năm cuối khoa tiếng Nga, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.
Tại thời điểm đó, BTC chỉ biết Tân Hoa hậu là con gái của một quan chức ngoại giao cao cấp. Nhiều năm sau đó, bản lí lịch trọn vẹn của Hoa hậu Việt Nam 1990 mới lộ diện hoàn toàn khiến chính "cha đẻ của Hoa hậu" Dương Kỳ Anh còn phải ngỡ ngàng.
Nguyễn Diệu Hoa thực sự là tiểu thư cành vàng lá ngọc, dòng dõi trâm anh thế phiệt. Mẹ ruột cô là bác sĩ Đặng Nguyệt Bích. Ông ngoại là Giáo sư bác sĩ danh tiếng Đặng Vũ Hỷ - chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực da liễu ở Việt Nam, người từng giành giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên và tên của ông được đặt cho một con phố ở quận Long Biên.
Bà ngoại Hoa hậu là bà Phạm Thị Thức, con gái của quan Thượng thư bộ lại triều đình Huế Phạm Quỳnh. Học giả Phạm Quỳnh cũng chính là chủ bút Nam Phong tạp chí, người đi tiên phong trong việc sử dụng chữ quốc ngữ thay thế cho chữ Nho và tiếng Pháp tại Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX.
Trong gia phả họ hàng của Hoa hậu Diệu Hoa, người ta có thể dễ dàng gọi ra những danh nhân của Việt Nam như Giáo sư viện sĩ Đặng Vũ Minh (cậu ruột), Giáo sư Tiến sĩ Đặng Kim Chi (dì ruột), nhạc sĩ Phạm Tuyên, Giáo sư bác sĩ Phạm Khuê - Viện trưởng Viện Lão khoa...
Dòng dõi danh gia vọng tộc như vậy nên không khó hiểu khi Nguyễn Diệu Hoa là Hoa hậu Việt Nam duy nhất có bằng Tiến sĩ, đồng thời được ghi tên trong sách kỷ lục Guiness Việt với tư cách là Hoa hậu thông thạo nhiều ngoại ngữ nhất (5 ngoại ngữ Anh - Pháp - Nga - Hindu - Thái).
Sự nghiệp của Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa cũng hết sức đáng nể khi nhiều năm qua chị đảm nhiệm chức vụ Giám đốc điều hành của một tập đoàn lớn tại Thái Lan.
Một xuất thân khiến người đời phải kiêng nể, một nhan sắc được vinh danh Hoa hậu, một trí tuệ được cấp bằng Tiến sĩ, một sự nghiệp đạt đến bậc thang cao nhất về chuyên môn. Có câu "nhân vô thập toàn", ở đời không có ai hoàn hảo. Nhưng câu nói đó có lẽ đã loại trừ Hoa hậu Việt Nam 1990.
Cô gái Việt Nam đầu tiên làm dâu Ấn Độ và cuộc hôn nhân đầy đàm tiếu
Nguyễn Diệu Hoa quen ông xã người Ấn - doanh nhân Maneesha Dane - rất tình cờ. Đó là vào đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 1992 tại TP.HCM, chàng doanh nhân trẻ vừa sang Việt Nam công tác thì được bạn bè rủ đi xem Hoa hậu. Vừa nhìn thấy Nguyễn Diệu Hoa bước lên sân khấu phát biểu, Maneesha Dane đã trúng tiếng sét ái tình.
Chỉ 2 năm sau đó, họ về chung một nhà.
Nguyễn Diệu Hoa kể, khi chị và chồng tới Sở Tư pháp Hà Nội làm thủ tục đăng ký kết hôn, chị mới biết cuộc hôn nhân của mình là cuộc hôn nhân Việt - Ấn đầu tiên. Cũng vì sự đặc biệt ấy mà các cán bộ tư pháp đã tổ chức một lễ cưới nhỏ ngay trong buổi làm thủ tục để chúc phúc cho đôi trẻ.
Chỉ có điều, dư luận những năm đầu thập niên 90 không cởi mở với chuyện gái Việt lấy chồng Tây.
Nguyễn Diệu Hoa tâm sự, chị đã phải chịu rất nhiều lời đàm tiếu, dị nghị, thị phi không đáng có. Thậm chí người ta còn quy kết chị ngạo mạn, coi thường đàn ông Việt Nam. Hay khi thông tin Maneesha Dane bị đồn thổi là một doanh nhân thành đạt, giàu có, Nguyễn Diệu Hoa cũng bị "lên án" là cưới chồng vì vụ lợi. Chị không thể giải thích, bởi quan điểm xã hội thời kỳ đó là như thế.
Mãi sau này, Hoa hậu mới có cơ hội giãi bày. Thực tế, tuy Maneesha Dane có xuất thân thuộc tầng lớp thượng lưu tại Ấn Độ với bố mẹ và dòng tộc đều làm bác sĩ nhiều đời, nhưng anh chỉ là một trí thức bình thường khi tới Việt Nam. Nhiều năm sau khi cưới Diệu Hoa, Maneesha Dane mới thăng tiến dần trong sự nghiệp và trở thành Tổng Giám đốc như hiện tại.
Gia đình hạnh phúc của Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa.
Cũng phải đến những năm 2000, khi gái Việt lấy chồng Tây trở thành một trào lưu văn minh, Nguyễn Diệu Hoa mới được cởi bỏ điều tiếng năm xưa.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh từng bảo, phải xem cách Hoa hậu Việt Nam 1990 dạy con mới thấy đầy đủ tầm vóc của người đàn bà xuất thân danh gia vọng tộc như cô.
Nguyễn Diệu Hoa sinh 3 người con - hai gái 1 trai. Vợ chồng cô thời gian đầu sinh sống và làm việc tại Thái Lan, sau đó chuyển về TP.HCM nên các con được lớn lên trong các môi trường khác nhau. Dù theo học trường quốc tế từ nhỏ, các con của Diệu Hoa rất thông thạo tiếng mẹ đẻ lẫn tiếng Ấn Độ, lại hết sức am hiểu về cả hai nền văn hóa Việt - Ấn. Đó chính là công sức rèn giũa của người mẹ Hoa hậu.
Công việc kinh doanh bận rộn tới đâu, Diệu Hoa cũng dành thời gian để chăm chút, uốn nắn các con như truyền thống danh giá của gia đình cô. Hoa hậu dạy các con sống theo đúng chuẩn mực đẹp đẽ của người Á Đông, những giá trị văn hóa chung của Việt Nam và Ấn Độ như đạo hiếu, đền ơn đáp nghĩa, nhân hậu, từ bi... Chính vì thế, khi lớn lên, các con của cô đều trúng tuyển vào các đại học hàng đầu của Mỹ, tham gia nhiều hoạt động xã hội có ý nghĩa lớn lao.
Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa không phải sang Ấn Độ làm dâu. Song cô thường xuyên về quê chồng, thậm chí đưa cả bố mẹ đẻ của mình sang Ấn thăm gia đình thông gia nhiều lần. Ngược lại, bố mẹ chồng cô cũng nhiều lần sang Việt Nam thăm con cháu. Xuất thân cả hai gia đình đều là tri thức cao, lại có điểm chung là hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực y khoa, ảnh hưởng sâu sắc bởi văn minh phương Tây nên Diệu Hoa không gặp khó khăn nào trong mối quan hệ với bố mẹ chồng. Mỗi khi nói về cuộc hôn nhân của mình, Hoa hậu luôn dùng từ "may mắn".
Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa vừa kỷ niệm 25 năm ngày cưới với ông xã Ấn Độ, người đàn ông "tốt bụng và hiền lành nhất nhà", người đàn ông luôn làm lành trước mỗi khi hai vợ chồng va chạm, người đàn ông nhất mực cưng chiều vợ bất chấp hơn hai thập kỷ bên nhau. Người đàn ông ấy cũng là lý do khiến cuộc đời Hoa hậu Việt Nam 1990 trở thành biểu tượng của sự hoàn hảo.
Theo ttvn.vn