Bé gái uống trà sữa bằng ống hút to. Khi hạt trân châu kẹt trong ống, bé hút mạnh khiến hạt bay thẳng vào cuống họng làm nghẹt đường thở. Người mẹ là bác sĩ tiến hành thủ thuật Heimlich cứu con nhưng không hiệu quả. Hạt bột trân châu vốn dẻo, dính chứ không trơn như các loại hạt khác khiến việc sơ cứu cho bé gặp khó. Khi đưa đến bệnh viện, bé đã không còn cơ hội sống.
Con gái mất đột ngột khiến người mẹ đau đớn không dám đối diện sự thật, bởi bản thân là bác sĩ mà không cứu được con trong trường hợp này. Chia sẻ câu chuyện của nữ đồng nghiệp, bác sĩ Phan Xuân Trung cho biết bài học rút ra từ tai nạn này là cách ăn uống an toàn sức khỏe.
Không chỉ hạt trà sữa mà có rất nhiều thức ăn dạng hạt, làm bằng bột dẻo như đậu đỏ bánh lọt, chè trôi nước, rau câu, thạch dừa... Nếu ăn uống không đúng cách dễ gây hóc dị vật vào đường thở, ngạt thở.
Các bệnh viện thường xuyên tiếp nhận nhiều em bé cấp cứu do hóc miếng rau câu, hạt trà sữa, nghẹn miếng bánh... Không ít bé tử vong hoặc biến chứng, sống thực vật. Ở TP HCM, tháng trước một bé 11 tháng tuổi tử vong tại Bệnh viện Nhi đồng 2 vì hóc rau câu gây sặc, tím tái. Một bé trai 5 tuổi khác cũng bị hóc miếng rau câu, được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu quá muộn nên không thể qua khỏi.
Bác sĩ Trung khuyến cáo với trà sữa trân châu hay rau câu, trẻ nên múc ăn bằng muỗng. Trường hợp dùng ống hút thì chọn ống nhỏ. Nếu dùng ống hút lớn, khi hút mạnh sẽ làm lọt thức ăn vào thanh quản. Khi trẻ bị hóc dị vật, người lớn cần nhanh chóng cấp cứu ngay tại nhà bằng cách vỗ lưng ấn ngực với trẻ dưới 2 tuổi hoặc dùng thủ thuật Heimlich với trẻ lớn. Nếu trẻ ngưng tim ngưng thở, phải hà hơi thổi ngạt. Trong tình huống nạn nhân hôn mê và không thở được, trước tiên phải hà hơi thổi ngạt hai cái. Dị vật vẫn chưa ra, trẻ vẫn chưa thở được thì kết hợp vừa hà hơi thổi ngạt vừa dùng tay ấn cho đến khi dị vật văng ra hoặc bé khóc, thở được, hồng hào hơn.
Những trường hợp này, cần gọi cấp cứu 115 để đưa trẻ đến trung tâm y tế. Trong khi chờ đợi đội cấp cứu đến nơi thì cần sơ cứu cho nạn nhân.