Học mẹ 9X kinh nghiệm cho con ăn dặm BLW, bé ăn thun thút không cần bón

Phương pháp ăn dặm Bé tự chỉ huy BLW đang được rất nhiều bà mẹ lựa chọn bởi những lợi ích thiết thực mà nó mang lại.

Thông tin nhân vật:

Chị: Cao Thị Hải Yến

Sinh năm: 1991

Địa chỉ: Hà Nội

Giống như nhiều bà mẹ khác, chị Yến rất coi trọng vấn đề ăn dặm của con. Bởi đó là thời điểm đánh dấu bước ngoặt trong sự phát triển của trẻ. Chị Yến cho biết, mình bắt đầu cho con ăn dặm khi tròn 6 tháng tuổi, bởi đó là độ tuổi được các chuyên gia khuyến khích. Ban đầu chị dự tính cho con ăn dặm kiểu Nhật, đợi khi bé ngồi cứng mới chuyển sang ăn dặm BLW. Tuy nhiên, bé nhà chị Yến lại không hợp tác khi được cho ăn dặm kiểu Nhật. Vì thế từ khoảng 6 tháng rưỡi, chị Yến đã chuyển hẳn sang cho bé ăn dặm BLW.

Phương pháp ăn dặm BLW giúp chị Yến nuôi con nhàn hơn (Ảnh: NVCC)

Chị Yến cho biết đây là bé thứ hai của chị. Bé đầu tiên chị đã áp dụng BLW từ tháng thứ 7 và rất thành công. Cũng từ bé thứ nhất chị đã nhận ra nhiều ưu điểm của phương pháp này. Ăn dặm kiểu BLW, con được quyền chủ động trong việc ăn của mình, ngoài ra bé còn học được vận động tinh và não bé phát triển thông qua việc điều khiển tay để đưa thức ăn vào miệng và phát triển kĩ năng phối hợp tay mắt. Bên cạnh đó bé còn được rèn luyện kĩ năng nhai, khi nhai con tiết ra enzim hỗ trợ dạ dày tiêu hóa thức ăn, sau này khi lớn lên bé sẽ có sự tự giác trong việc ăn uống. Phương pháp này khác hoàn toàn với kiểu ăn dặm truyền thống ép con ăn, có khi còn phải bế con đi ăn rong cả buổi ngoài đường chỉ để ăn hết một bát cháo.

Gia đình hạnh phúc của chị Yến (Ảnh: NVCC)

Chị Yến cũng tâm sự: “Mình may mắn và hạnh phúc khi được cả ông xã và ông bà nội ngoại tôn trọng và ủng hộ mình trong việc lựa chọn phương pháp ăn dặm cho con. Thực tế ban đầu ông bà hai bên chưa hiểu hết nên cũng không thực sự đồng tình vì sợ bé không ăn được mấy và dễ hóc nghẹn. Nhưng vì mình rất kiên trì nên cuối cùng ông bà cũng nhìn thấy lợi ích của phương pháp này. Vì mình đã áp dụng thành công với bé đầu tiên, nên sang bé thứ hai ông bà ủng hộ 100% ngay từ đầu.”

Khi bé được 6 tháng tuổi chị Yến bắt đầu cho con ăn dặm (Ảnh: NVCC)

Nhận định về những lợi ích mà phương pháp BLW mang lại, chị Yến cho biết: “Phương pháp BLW giúp mình nhàn hơn rất nhiều, lại tiết kiệm được thời gian trong việc chuẩn bị bữa ăn cho con. Có những hôm đơn giản mình chỉ cần chuẩn bị khoảng 10 phút là xong. Hồi ở nhà chăm bé đầu một mình, vừa nấu cơm cho mình lại vừa nấu cho con luôn, mẹ ăn gì con ăn nấy nên cũng đỡ lỉnh kỉnh. Xong xuôi thì hai mẹ con cùng ăn cơm nên rất vui, chứ không có chuyện mẹ phải đút cho con ăn từng miếng rồi vội vội vàng vàng nhai mấy miếng cơm để trông con. Kể cả khi cho bé đi nhà hàng, con cũng tự ngồi vào ghế cùng mọi người để ăn chứ không ai phải trông hay bế ẵm con đi chơi cả.”

Chị cũng chia sẻ khi cho con ăn theo phương pháp này, mẹ phải cực kỳ bình tĩnh và kiên nhẫn, phải luôn theo sát con để điều chỉnh sao cho phù hợp với cách ăn và sở thích của con. Ví dụ có bạn thích ăn mềm, có bạn lại thích ăn hơi cứng, có bạn bàn tay nhỏ, cũng có bạn bàn tay to hơn. Những ngày đầu bé chủ yếu là nghịch ngợm cùng thức ăn chứ ăn rất ít. Vì thế mẹ cần kiên trì và nhẫn nại để đạt được thành công bước đầu. Có như vậy sau này mẹ mới được nhàn và con cũng tự lập hơn.

Để cho con ăn dặm BLW thành công, theo chị Yến, điều đầu tiên và quan trọng nhất là mẹ phải nắm vững lý thuyết về phương pháp cũng như các cách chế biến đồ ăn cho con, mẹ trang bị cho mình kiến thức để xử lý phòng trường hợp con bị hóc. Mẹ nên chia sẻ về phương pháp này và được sự đồng tình của cả nhà, thì mẹ với tâm lý thoải mái sẽ dễ đạt được thành công hơn vì phương pháp này đòi hỏi sự kiên trì ở mẹ, có một số mẹ theo phương pháp này nhưng rồi cũng bỏ cuộc.

Chị Yến cũng chia sẻ rằng, nhờ áp dụng phương pháp ăn dặm BLW ngay từ đầu mà giờ hai bé nhà chị ăn uống rất tự lập: “Bé lớn nhà mình hiện giờ 30 tháng đã tự ăn được hoàn toàn không cần người lớn trợ giúp, có thể ăn hết 1 con chim bồ câu, tự nhặt xương để riêng, ăn cá nếu nhỡ có xương cũng biết lựa được xương ra, bạn ấy hiện giờ đã ăn cơm chung với cả nhà. Bé thứ hai sắp được 7 tháng thì giờ ăn như là giờ chơi của bạn ấy, vì bạn ấy được khám phá thức ăn, được ăn theo nhu cầu của mình, mỗi lần mình cho bạn ăn món gì mới bạn đều rất thích, nhưng vì chỉ mới đang giai đoạn tập ăn nên mình rất tôn trọng và không bao giờ ép con phải ăn, nếu con đòi ra mình sẽ cho con ra luôn.”

Chị Yến cho biết bản thân không bao giờ ép con ăn (Ảnh: NVCC)

Theo chị Yến việc chế biến thực phẩm cho con ăn dặm theo phương pháp BLW không tốn quá nhiều thời gian. Nếu các mẹ đi làm, có thể sơ chế trước rau củ và để ngăn đá, khi đi làm có thể chuyển xuống ngăn lạnh, mẹ về chỉ cần luộc hoặc hấp lên cho các con là xong, nếu không thì bố mẹ ăn gì con ăn nấy, ví dụ một củ su su, mình cắt luộc cho con 1 phần, còn lại xào lên ăn hoặc cũng luộc luôn, tuy nhiên của con thì sẽ không cho gia vị, mẹ có thể luộc chung, đến lúc chín lấy của con ra trước rồi nêm gia vị vào sau.

Bé lớn của chị Yến hiện đã 30 tháng và ăn rất tự lập (Ảnh: NVCC)

Bé thứ hai, 7 tháng tuổi đang được mẹ tập cho ăn dặm (Ảnh: NVCC)

Một số kinh nghiệm chị Yến rút ra trong quá trình cho con ăn dặm theo phương pháp BLW:

- Nên cho con ngồi ghế ăn dặm để ăn sẽ rèn được thói quen tốt.

- Nên cho bé ăn lúc đói, mình thường cho ăn sau khi bé thức dậy tầm 30 phút và thường cho ăn chung bữa cùng cả gia đình bé sẽ nhìn và học cách ăn của mọi người.

- Trong lúc bé ăn, không bật tivi, không để đồ chơi gây xao nhãng và không được trêu bé cười, tạo thói quen không tốt và làm bé mất tập trung có thể gây hóc.

- Nếu con khóc khi ăn hoặc có dấu hiệu không thích ăn thì cất luôn, không ép con, có thể cho con ngồi lại vào ghế ăn lại sau 30 phút, nhưng mình thường cho con nghỉ luôn vì đồ ăn cũng nguội lạnh hết rồi.

- Cách xử lý khi con hóc: con của mình cũng hóc vài lần, nhưng bé tự xử lý được hết, con sẽ tự nôn ra được và sau đấy con sẽ học được cách cắn miếng nhỏ hơn, các mẹ sẽ ngạc nhiên khi thấy con thay đổi đấy. Khi con có dấu hiệu hóc, mẹ tuyệt đối phải bình tĩnh quan sát, và có thể động viên con nhẹ nhàng: “Con có thể làm được mà, con nhè ra cho mẹ nào”. Nếu bé không làm được và có dấu hiệu nghẹn (không thở được, không ú ớ, không khóc được, tím tái) thì mẹ phải nhanh chóng sơ cứu đẩy dị vật ra cho con (tuyệt đối không được thò tay vào móc vì sẽ đẩy dị vật vào sâu hơn gây nguy hiểm).

 - Mình thường chuẩn bị nhiều thức ăn hơn một chút vì con ăn còn hay rớt và vứt nên mình cứ chuẩn bị nhiều để nếu con vứt thì vẫn còn cái để ăn.

- Không được so sánh con mình và con người khác, mỗi bé sẽ áp dụng một phương pháp ăn dặm khác nhau.

- Nếu đặt nặng vấn đề cân nặng thì không nên cho ăn phương pháp này.

- Tuyệt đối không nêm gia vị (mắm, muối, đường) vào thức ăn của con.

- Thời gian ăn một bữa của con tối đa 30 phút hoặc khi nào con hết hứng thú thì cho ra luôn.

- Đặt thức ăn lên bàn cho con bốc, tránh con thấy khay lại tưởng đồ chơi làm con phân tâm.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU