Tuy nhiên, bà Tâm Đan cho rằng nên quy định số tiết học của học sinh phổ thông trong một ngày chính xác hơn là buổi, khái niệm “cuối tuần” khá mơ hồ.
“Đề nghị cân nhắc kỹ về việc học 2 buổi/ngày đối với giáo dục phổ thông, chủ yếu xem là có điều kiện về trường lớp không. Hết sức tránh tình trạng vì học 2 buổi mà sĩ số học sinh/lớp tăng lên đến 60-70. Bởi chất lượng giáo dục phụ thuộc khá nhiều vào sĩ số lớp học, xét về thực tế không nên bố trí sĩ số học sinh một lớp quá 40. Với các nước có điều kiện, họ xác định lớp học của các học sinh phổ thông bố trí được 20-25 em là đảm bảo chất lượng. Nếu đã lên đến 40 là chất lượng thấp rồi, nhưng với điều kiện của Việt Nam hiện nay thì đành chấp nhận”.
Do đó bà Đan cho rằng cần xem xét ưu tiên về sĩ số lớp học hay việc tổ chức học được 2 buổi/ngày là quan trọng.
Các đại biểu góp ý về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Ảnh: Thanh Hùng |
PGS.TS Trần Ngọc Giao, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục tán thành học sinh phổ thông không học thứ Bảy, Chủ nhật để phù hợp với Luật Lao động. Theo ông Giao, việc chăm sóc, giáo dục học sinh không thể giao phó hoàn toàn cho nhà trường và các thầy cô mà cần phải trách nhiệm từ cả phía phụ huynh, gia đình.
Một đại diện đến từ Hội Cựu giáo chức Việt Nam cho hay cũng thống nhất phương án không bố trí thời gian học cuối tuần (thứ Bảy) cho học sinh phổ thông.
Góp ý vào thời gian học của học sinh, PGS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội lại cho rằng, không nên bỏ việc học Thứ Bảy, Chủ nhật mà nên để các trường chủ động bố trí tùy theo chuẩn đầu ra được xác định. Dựa vào các chuẩn đầu ra đó, các trường, các địa phương có thể bố trí lịch học phù hợp với từng trường, từng địa phương.
Ví dụ như các thành phố Hà Nội, TP HCM khó có thể chỉ thực hiện chuẩn đầu ra tối thiểu như các địa phương kém phát triển hơn về kinh tế-xã hội. Tương tự, các trường chất lượng cao có thể đặt ra các chuẩn đầu ra khác các trường đại trà. Vì vậy, không nên quy định không học vào cuối tuần mà nên để các cơ sở giáo dục, địa phương tự sắp xếp thời gian để đảm bảo chuẩn đầu ra.
Tuy nhiên, trước những ý kiến đề nghị sắp xếp lại thời gian học tập để học sinh được nghỉ ngày thứ Bảy, trong báo cáo về việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, Ban phát triển Chương trình Giáo dục phổ thông mới cho hay: Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD năm 2009, ở lứa tuổi từ 7 đến 15 (lớp 1 đến lớp 9), ở các nước trong tổ chức này, tính trung bình mỗi học sinh học 7.390 giờ trong một năm học. Trong khi đó, theo dự thảo của Chương trình giáo dục phổ thông mới của Việt Nam, tổng thời lượng học của học sinh tiểu học và THCS trong một năm học chỉ đạt 5.909 giờ. Sở dĩ có sự chênh lệch khá lớn như vậy là do học sinh ở các nước OECD học cả ngày, còn nước ta, theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày và học sinh THCS vẫn học 1 buổi/ngày.
Nếu học sinh nước ta nghỉ học ngày thứ Bảy thì sẽ dẫn đến 2 khả năng:
Hoặc phải giảm bớt nội dung so với chương trình các nước cho phù hợp với thời gian bị giảm, chương trình sẽ thiếu hụt.
Hoặc phải thực hiện tương đối đủ nội dung so với chương trình các nước trong khi số giờ học bị giảm, chương trình sẽ quá tải.
Trong tình hình cụ thể của nước ta, hầu hết các trường THCS, THPT chỉ có thể tổ chức dạy học 1 buổi/ngày, do đó về phía Ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông đã chọn giải pháp tiếp tục bố trí học sinh học ngày thứ Bảy trong tuần.
Theo vietnamnet.vn