Hơn một năm trước, dù được TAND quận 2 (TP HCM) cho chia tay người chồng 32 tuổi mê cá độ bóng đá, chị Linh, 28 tuổi, vẫn không giấu được nỗi buồn. Chị thương con gái hơn 3 tuổi phải sống trong cảnh gia đình ly tán. Nhưng mấy hôm nay, nghe tin anh Thịnh tiếp tục thua cá độ dẫn đến nợ đầm đìa, chị lại thấy quyết định của mình là sáng suốt.
Chị Linh làm điều dưỡng, từng rất tự hào khi lấy được người chồng làm kinh doanh tự do, luôn yêu thương, tôn trọng, biết chia sẻ việc nhà với vợ. Nhưng rồi hạnh phúc của chị dần vụn nát vì mặt trái của bóng đá. Lần đầu tiên chị biết đến bóng ma cá độ là sau ngày cưới vào năm 2012, nghe anh thú nhận đang nợ hơn 200 triệu tiền thua cá cược, chị hoảng sợ, song vẫn cố bỏ hết tiền tiết kiệm trả cho chồng. Thương vợ bị các chủ nợ hành, anh Thịnh chuộc lỗi bằng cách từ đó chuyển hết thu nhập vào tài khoản của vợ, hứa cai triệt để. Nhưng cơn khát của anh không dừng lại dễ dàng như thế.
Khi vợ ở nhà, anh Thịnh tỏ ra là người chồng ngoan ngoãn, thực hiện đúng cam kết. Nhưng cứ chị đi làm, anh lại vùi mình vào những trận bóng, rồi nhậu và cá cược, thua nhiều hơn thắng, lúc vài triệu, lúc lên đến hàng trăm triệu. Không có tiền, anh đi vay nặng lãi, bạn bè, đồng nghiệp và người thân.
Quá mệt mỏi vì hết lần này đến lần khác mang tiền nhà đi chuộc danh dự cho chồng, chị đâm đơn ra tòa xin giải thoát, sau 2 lần suýt đưa đơn trước đó. “Nhiều người nhìn anh ấy lo cho gia đình từng bữa ăn đều nói tôi sướng, nhưng chẳng qua đó là màn kịch mà thôi. Một con nghiện trò may rủi thì chẳng bao giờ cai được”, chị nói.
Ở tòa, anh thừa nhận hết lỗi của mình và năn nỉ vợ cho cơ hội, nhưng sự quyết tâm của chị đã được tòa xem xét. Hiện cuộc sống của hai mẹ con chị có chút khó khăn (vì chị không yêu cầu chồng cấp dưỡng nuôi con), nhưng lại thoải mái vì vắng hẳn tiếng cãi cọ, mắng nhiếc như cơm bữa trước đây. Chị đang vừa làm việc, vừa bán hàng online để lo cho con gái một tương lai tốt.
Luật sư Hoàng Cao Sang, Đoàn luật sư TP HCM cho biết, những người vợ ra tòa ly hôn vì chồng mê cá độ như chị Linh không hiếm. Tuy nhiên, khi xét xử, tòa căn cứ vào yếu tố tình cảm, mâu thuẫn, tình trạng hôn nhân chứ không phải bóng đá là nguyên nhân chính.
"Rất nhiều vợ bực xúc, muốn giải thoát sau nhiều lần phải dang tay trả nợ thua độ cho chồng. Thế nhưng, lúc làm việc đó họ không ghi lại số tiền trả, thời điểm, ngày trả hay có giấy tờ xác nhận, hoặc có anh chồng chối bay mọi việc, vì thế mới xảy ra tình trạng tòa phải nhiều lần thụ lý đơn ly hôn của một người, cùng một nội dung", luật sư Sang nói.
Tình trạng này cũng xảy ra với chị Bích (35 tuổi, quận Bình Thạnh), mới được TAND TP HCM cho chấm dứt hôn nhân với anh Tưởng, 42 tuổi, quá mê bắt độ bóng đá. Chị hai lần phải đến tòa trình bày chuyện buồn của nhà mình. Theo chị, ngoài giờ làm ở công ty, thời gian rảnh anh Tưởng dồn hết vào các giải đấu, cả trong và ngoài nước.
“Bóng đá ai cũng mê, nhưng phải biết hài hòa mọi việc. Đằng này, anh ấy mê cá độ đến mức vợ mang thai, con ốm, vợ bệnh cũng kệ. Nhiều khi tôi bận việc, nhờ đón con, anh ấy đi xem đá banh nên quên. Con tối mịt mới mò về tới nhà, khóc sưng hết cả mặt”, chị Bích chia sẻ. Dù không muốn gia đình tan vỡ, nhưng anh Tưởng đã chẳng thể làm khác.
Một chuyên gia tâm lý của tổng đài 1080 cho biết, thời gian qua có rất nhiều người vợ gọi đến nhờ tư vấn làm giúp chồng thoát khỏi trò bắt tỉ số. Nhiều chị muốn chia tay, nhưng lại sợ gia đình ly tán con sẽ khổ, sợ bị dị nghị vì mang tiếng bỏ đi lúc bạn đời gặp hoạn nạn. Các chị cứ thế chịu đựng, gồng lưng trả nợ cho chồng dù không muốn một chút nào.
Theo vị chuyên gia, bóng đá thường có những điều bất ngờ và hồi hộp, vì thế thu hút được người xem và có những giây phút giải trí vô cùng hữu ích. Tuy nhiên, mặt trái của nó là cá độ, bán độ. Khi một người bước vào trò này rất khó từ bỏ. Họ không kiểm soát được bản thân, vì thế cứ rơi vào vòng luẩn quẩn của nợ nần - gỡ gạc - nợ tiếp, vì thế đã đánh mất gia đình và niềm tin của mọi người.
“Những người vợ biết chồng nghiện cá độ, ban đầu hãy nhẹ nhàng góp ý, phân tích lẽ phải, nếu có thể hãy cùng trả nợ một lần để anh ta biết trân trọng, nhận ra điều sai và nêu rõ quan điểm không có lần thứ hai. Trường hợp không thể cứu vãn được nữa thì hãy giải thoát cho mình. Ly hôn ở đây không phải chấm hết mà để anh chồng phải tự chịu trách nhiệm với việc làm của mình”, vị chuyên gia nói.
Theo VnExpress