Hút thuốc lá điện tử có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi
Trước đây, một số bác sĩ cho rằng việc thay thế hút thuốc lá truyền thống bằng thuốc lá điện tử sẽ an toàn hơn. Tuy nhiên, khi nghiên cứu kĩ hơn về dòng sản phẩm này, một số rủi ro nguy hiểm đã được phát hiện.
Nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà khoa học trường Đại học Virginia Commonwealth (Mỹ) phát hiện ra thuốc lá điện tử gây dị tật trên khuôn mặt cho sự phát triển của thai nhi. Mùi hương từ thuốc lá điện tử cũng gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Các nhà khoa học đã thử nghiệm trên các con chuột đang mang thai, bằng cách mô phỏng quá trình hút thuốc lá điện tử. Kết quả cho thấy, các con chuột cái “hút” thuốc lá điện tử có ít phôi thai hơn so với các con chuột “không hút”. Sau đó, khi các phôi phát triển hơn, các nhà khoa học tái tạo các cấu trúc mặt bằng 3D dựa trên các dấu hiệu quan trọng trong bản quét 3D của các con chuột chưa sinh. Họ phát hiện sự biến đổi về xương mặt ngắn và hẹp hơn, tương tự trong các khu vực xung quanh miệng, vùng hàm và vùng má của chúng.
Tháng trước, các nhà khoa học cũng chỉ ra sự gia tăng kim loại độc hại, bao gồm cả Cadmium và Chì có trong thiết bị hút (vape). Lượng kim loại này nhiều khả năng là từ cuộn kim loại làm nóng thuốc (chất lỏng). Hơi thuốc lá điện tử được làm từ hỗn hợp Propylen, Glycol, Glycerine thực vật, hương liệu, và trong một số chất Nicotin.
Các nghiên cứu trước đây cũng đã chỉ ra phụ nữ khi mang thai có thói quen hút thuốc lá truyền thống là nguyên nhân dẫn tới chứng hở hàm ếch, vòm miệng cho thai nhi. Trong một số trường hợp, thuốc lá còn gây ảnh hưởng tới bộ não của trẻ. Với kết quả nghiên cứu về tác hại của thuốc lá điện tử, đây sẽ là lời cảnh tỉnh tới thói quen hút thuốc lá của các bà mẹ đang mang thai.