Huyền thoại của giới báo chí: Chồng ngoại tình rồi tự tử vì trầm cảm, bà mẹ 'bỉm sữa' vượt lên số phận trở thành bà trùm truyền thông Mỹ

Cuộc đời bà chính là minh chứng cho việc phụ nữ hoàn toàn có thể nắm trong tay quyền quyết định số phận của mình.

Thừa hưởng được sự khôn ngoan của cha, trí thông minh của mẹ, Katharine đã "lột xác" từ một người phụ nữ chỉ biết chăm lo cho nhà cửa, con cái thành một "bà đầm" đầy quyền lực, là đại diện cho giới báo chí dám đứng lên nói sự thật và tìm sự công bằng cho mọi người. Tuy nhiên, để đạt được những điều đó, cuộc đời của bà đã phải trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm, biến động.

Katharine Meyer sinh năm 1917 trong một gia đình thượng lưu giàu có ở trung tâm thành phố New York. Xuất thân của cô khiến nhiều người vô cùng ngưỡng mộ và ghen tị, bởi cha cô là một nhà tài chính và là Chủ tịch Cục dự trữ liên bang, sau này ông trở thành chủ tịch của Ngân hàng Thế giới, còn mẹ cô là một nhà nghệ thuật đồng thời là một phóng viên nữ đầy tài năng và có ngòi bút sắc sảo vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, tuổi thơ của Katharine lại không mấy êm đềm và hạnh phúc như những đứa trẻ bình thường. Vì tính chất công việc, cha mẹ của cô thường xuyên dành thời gian cho các mối quan hệ xã giao bên ngoài hơn là với con cái, vậy nên, cả tuổi thơ của cô ở bên bảo mẫu, gia sư, quản gia còn nhiều hơn là ở cạnh ba mẹ.

Vào thời điểm giữa thế kỉ 20, phụ nữ không được ưu tiên cho những công việc như phóng viên báo chí hay biên tập viên. Nhưng bất chấp những luật lệ hà khắc, sau khi tốt nghiệp Đại học, Katharine đã làm việc một thời gian ngắn tại tòa soạn San Francisco. Có thể nói rằng Katharine may mắn hơn đa số mọi người khi nhờ những mối quan hệ của cha mà cô đã có được một vị trí nhỏ trong tòa soạn này. 

Ban đầu, cô cảm thấy vô cùng mệt mỏi và áp lực, giống như những sinh viên mới ra trường còn quá bỡ ngỡ, thậm chí có lúc Katharine còn than thở với cha mình rằng cô muốn từ bỏ công việc này để trở thành một người phụ nữ của gia đình. Nhưng nhờ những lời động viên, khích lệ của cha, Katharine ngày một trưởng thành, chững chạc và tài giỏi hơn. Cô dần quen và nắm vững được guồng quay của công việc.

Năm 1933, cha cô, ông Keith Meyer đã mua lại tờ báo The Washington Post còn non trẻ và tiếp tục khuyến khích con gái mình theo đuổi đam mê làm báo. Và vì thế, Katharine thôi việc ở San Francisco và quay về The Washington Post để phụ giúp cha mình.

Vào ngày 5/6/1940, Katharine kết hôn với Philip Graham, một luật sư tốt nghiệp trường Harvard và là thư kí cho Thẩm phán Tòa án tối cao Felix Frankfurter. Đây cũng là thời điểm Katharine quyết định dừng công việc làm báo lại và trở thành một người phụ nữ của gia đình. 

Cũng trong thời gian này, cha của Katharine quyết định ủy quyền cho con rể Philip nối nghiệp tòa soạn báo của gia đình. Sở dĩ ông chọn Philip là bởi ông cho rằng con gái mình không hợp với vai trò lãnh đạo một tờ báo, đồng thời ông cũng chịu sự ảnh hưởng trong thành kiến của thời đại rằng con gái thì không thể thừa hưởng sản nghiệp.

Trong hồi kí của mình, Katharine có viết rằng: "Quyết định này đồng nghĩa với việc tôi sẽ tiếp tục cuộc sống của mình như là một người vợ, một người mẹ." 

Không hề bất mãn với quyết định này, Katharine tập trung vào vai trò làm vợ và làm mẹ. Giống như tất cả những quý bà thời bấy giờ, Katharine một tay chăm nom nhà cửa, nuôi dưỡng con cái, chiêu đãi khách khứa và luôn đứng sau ủng hộ công việc của chồng mình. Nhưng, đáp lại sự hi sinh và lòng chung thủy của bà, ông Philip Graham ngày càng khinh thường, coi nhẹ và đối xử lạnh nhạt với Katharine.

Tờ báo The Washington Post ngày càng khẳng định được chỗ đứng của mình trong giới báo chí Hoa Kì, đồng thời, thành công của ông Graham cũng ngày càng được nhiều người biết đến. Ông Graham trở thành một thành viên quan trọng trong bối cảnh xã hội Hoa Kỳ thời đó và có những mối quan hệ mật thiết với giới chính trị gia. Lúc này, Katharine chỉ giống như một chiếc bóng mờ nhạt ở sau lưng chồng mình. Bà từng viết lại trong cuốn hồi kí của mình rằng: "So với Philip, tôi ngày càng trở nên thua kém và thấy bản thân mình giống như những cái đuôi đằng sau con diều vậy."

Vào đêm Giáng sinh năm 1962, Katharine đau đớn phát hiện ra chồng mình đang ngoại tình với Robin Webb, một nhà báo tự do cho tờ Newsweek. Ngay sau khi bí mật bị hé lộ, ông Graham tuyên bố sẽ ly dị vợ để đến với tình nhân, thậm chí còn yêu cầu Katharine chuyển nhượng lại toàn bộ cổ phần của tờ báo cho mình. 

Nhưng, không lâu sau, ông Philip Graham đã có những biểu hiện suy nhược thần kinh trong một cuộc họp báo ở Arizona, điều này khiến ông được đưa vào cơ sở tâm thần ở Rockville để chăm sóc và điều trị. Hóa ra, ông Graham đã phải đối phó với chứng nghiện rượu và bệnh trầm cảm trong suốt cuộc hôn nhân kéo dài với bà Katharine. Và đến tháng 8/1963, ông quyết định kết thúc cuộc đời mình bằng một khẩu súng ngắn trong chính căn biệt thự của gia đình.

Năm ấy, bà Katharine 46 tuổi. Quá đau buồn và suy sụp trước sự ra đi của chồng mình, lại phải đối mặt với đàn con thơ và sản nghiệp của gia đình, từ biến cố bà Katharine đã biến thành hành động. Bà đứng lên nắm quyền Chủ tịch của The Washington Post, mặc cho những hoài nghi từ người ngoài và cả chính bản thân mình. 

Trong bối cảnh xã hội và chủ nghĩa phân biệt giới tính thời bấy giờ, nhiều người trong tòa soạn, đặc biệt là những đồng nghiệp nam đã cảm thấy không tin tưởng vào năng lực của một người phụ nữ nhút nhát, tự ti là bà Katharine. Và với những kinh nghiệm ít ỏi từ nhiều năm trước, bà Katharine bắt buộc phải học lại mọi thứ từ đầu. Bà trau dồi thêm kiến thức về quản lý, thương nghiệp, tài vụ, đàm phán, thậm chí là máy móc, công nghệ.

Tất nhiên, trong suốt quá trình đó, bà Katharine đã liên tục phạm lỗi. Nhưng với sự kiên trì và quyết tâm không bỏ cuộc, một thời gian sau bà đã hoàn toàn nắm vững việc điều hành tòa soạn. Bà đã thuê Ben Bradlee, cựu giám đốc văn phòng Washington của tờ Newsweek về làm tổng biên tập cho The Washington Post. Dưới sự chỉ huy của ông, tờ báo đã thay da đổi thịt, lấy lại được tầm ảnh hưởng của mình bằng những thông tin chính xác, công bằng, nội dung chân thực và khách quan.

Bên cạnh đó, với tài quản lý mềm mỏng của mình, bà đã khiến nhân viên cảm thấy được thông cảm và tin tưởng. Sự khuyến khích và tôn trọng của Katharine dành cho phóng viên, biên tập viên chính là một điểm quan trọng trong việc lãnh đạo và dùng người. Uy tín, vị trí và trách nhiệm của Katharine ngày càng được nâng cao trong tòa soạn và danh tiếng của bà cũng trở nên nổi bật trong giới truyền thông.

Thế nhưng, bước ngoặt khiến cho Katharine trở thành một "bà trùm thông tin" và đồng thời làm cho tờ The Washington Post thực sự trở thành huyền thoại thay đổi toàn bộ xã hội Hoa Kỳ thời bấy giờ lại là sự kiện gây chấn động: sự kiện Watergate năm 1972, khiến Tổng thống Richard Nixon phải từ chức.

Với sự ủng hộ của Katharine, tổng biên tập tòa soạn The Washington Post đã thành lập một đội ngũ phóng viên và biên tập viên chuyên điều tra Chính phủ. Và vụ bê bối Watergate đã là tin tức sốt dẻo mà tờ The Washington Post khui được ra. Khi đó, bất chấp sự khủng bố ngầm từ chính quyền Nixon, những đe dọa rút vốn đầu tư từ ngân hàng, tòa soạn bị đóng cửa và thậm chí bà Katharine còn suýt bị tống giam, bà vẫn quyết định phơi bày toàn bộ những tài liệu bí mật lên trang báo của mình. Vụ điều tra này cũng phanh phui cả hành động đặt máy nghe lén của Đảng Cộng hòa nhằm phá hoại các hoạt động chính trị của phe đối lập khiến Tổng thống Nixon bắt buộc phải từ chức.

Đó là Katharine Graham, người nắm quyền quyết định tối thượng, đã chứng minh sự quan trọng trong việc giữ gìn tự do báo chí khi một Tổng thống có hành vi tội phạm. Và đó cũng là một người phụ nữ, là một góa phụ, đã trải qua không biết bao nhiêu đắng cay của cuộc đời, nhưng vẫn kiên trì và mạnh mẽ, vượt lên số phận của cuộc đời và làm nên những điều lớn lao.

(Tổng hợp)

 

Theo Tri Thức Trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU