Kể về đứa con 7 tuổi vẫn nhõng nhẽo, chưa tự giác, ông chủ người Việt làm một việc này khiến nhân viên Nhật bất ngờ và cảm kích

Hãy luôn quan tâm đến nhân viên và gia đình của họ. Khi được gia đình ủng hộ thì người nhân viên đó chắc chắn sẽ làm việc hết mình và rất trung thành.

Nhắc đến doanh nhân Ngô Hùng Lâm, Trong con mắt của bạn bè Nhật Bản, ông là một trong những doanh nhân người Việt Nam đầu tiên và là một trong không nhiều những doanh nhân người nước ngoài gặt hái thành công ở đất nước mặt trời mọc- nơi mà người tiêu dùng nổi tiếng khó tính và chỉ tin dùng "hàng nội".

Ông vốn sinh ra tại Vũng Tàu năm 1961 trong gia đình nghèo có 8 anh chị em. Năm 17 tuổi, bí bách với cảnh gia đình, mong muốn thay đổi số phận nghèo khổ, ông trốn nhà tìm cách vượt biển sagn nước ngoài lập nghiệp.

Năm 1997, doanh nhân Ngô Hùng Lâm là người đã đưa gốm Bát Tràng của Việt Nam đến Nhật Bản. Năm 2003, ông mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh hoa và cây cảnh. 

Từ cửa hàng nhỏ giữa ruộng ban đầu, trải qua nhiều gian nan, doanh nhân này đã xây dựng được siêu thị chuyên về hoa, cây cảnh, gốm sứ và đồ làm vườn với diện tích trung bình 5.000 m2.

Một trong những điều khiến vị doanh nhân này thành công chính là nghệ thuật lãnh đạo. Ông Lâm từng ví làm lãnh đạo một công ty cũng giống như chèo lái một con thuyền giữa biển khơi. Gặp sóng to gió lớn, từ thuyền trưởng đến thuyền viên đều phải chung tay dốc sức mới vượt qua được bão tố.

Vị doanh nhân này từng kể lại trong cuốn sách về cuộc đời mình câu chuyện nhỏ về cách quan tâm đến nhân viên:

Lần khác, một nhân viên của cửa hàng than phiền rằng đứa con của cô ấy năm nay tuy đã 7 tuổi rồi mà vẫn còn nhõng nhẽo, chưa tự giác và không chịu giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà. Điều này làm cô rất buồn phiền, đi làm mà tâm trạng không khỏi thấp thỏm, lo lắng cho con mình ở nhà. 

Đây cũng là một trường hợp hiếm vì trẻ em rất ý thức và tự giác, bình thường 5 tuổi các bé đã biết phụ giúp gia đình.

Lắng nghe đầu đuôi câu chuyện, nghĩ ngợi một hồi tôi khuyên nhân viên đó: "Cô giúp tôi chuyển lời này tới cháu: Bác giám đốc của mẹ nói ngày mai sẽ đến nhà mình chơi và thăm con, xem con có ngoan và chăm chỉ làm việc nhà giúp mẹ như mẹ vẫn hay khoe với bác ấy không. Nếu đúng như thế thì bác sẽ rất vui và có quà cho con".

Bà mẹ về nói với con như vậy, thế là hôm đó cu cậu ta dành cả ngày để lau chùi sạch sẽ nhà cửa, dọn dẹp phòng ốc gọn gàng. Hôm sau tôi cho 3.000 Yên vào một chiếc phong bì đỏ rất đẹp, nhờ người nhân viên đó chuyển và nói với con trai: 

"Hôm nay bác giám đốc có việc bận đột xuất nên không đến nhà chăm con được, bác rất xin lỗi và rất áy náy vì đã không giữ lời hứa với con. Nghe mẹ kể là con đã rất cố gắng dọn dẹp nhà cửa, giám đốc thấy rất vui và tự hào về con. 

Nhờ có con rất chăm chỉ mà mẹ yên tâm làm việc giúp cho công ty. Vì vậy giám đốc gửi con số tiền này để con có thể mua sách vở và đồ dùng học tập mà con thích".

Sau này, mẹ cậu bé nói rằng cậu không những không quậy phá nữa mà còn ở nhà nấu cơm cho mẹ, cậu làm cả nhà ngạc nhiên và vui mừng. Cô nhân viên của tôi rất cảm kích vì đã giúp con của cô ngoan hơn, nhờ đó mà có thể yên tâm làm việc.

Hãy luôn quan tâm đến nhân viên và gia đình của họ. Khi được gia đình ủng hộ thì người nhân viên đó chắc chắn sẽ làm việc hết mình và rất trung thành. Có "an cư" thì mới "lạc nghiệp", gia đình có yên ấm thì mới có thể tập trung và hết mình với công việc. 

Tuy nhiên, cũng cần tránh can thiệp quá sâu vào chuyện nội bộ gia đình của nhân viên, chỉ nên cố gắng hỗ trợ và giúp đỡ họ trong khả năng có thể mà thôi.

 

Theo Trí thức trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU