Con đã được tập duyệt trước nhiều ngày cho việc được ngồi thẳng hàng ngay lối, vỗ tay khi cần, nhưng khuôn mặt thì nghệt ra, đôi lúc còn ngáp vì buồn ngủ nữa. Con biết tự động nới chiếc cúc áo trên cùng cho khỏi nóng khiến chiếc nơ xinh đẹp bỗng trở nên không còn ngay ngắn. Một lúc sau cô giáo đã nhắc con cài lại khuy áo cho đẹp.
Con biết không, người háo hức cho buổi khai giảng lần này nhiều hơn chính là mẹ. Con gái vào lớp 2 và đây là buổi khai giảng thứ 2 trong 12 năm học chữ đầu đời.
Mẹ nghĩ về khai giảng năm trước khi sân khấu được trang trí hoành tráng, bóng bay khắp trường, phông bạt rực rỡ. Con đến trường với cờ và hoa và một khuôn mặt chẳng buồn, chẳng vui, con ngồi thẳng hàng, nghe phát biểu và vỗ tay mà khuôn mặt chẳng nở nụ cười.
Mỗi lần chuẩn bị đưa con đi khai giảng mẹ lại nhớ về những ngày khai giảng của chính mình. Lúc xúng xính quần áo mới bà mua cho mà mẹ đã nâng niu chờ ngày khai trường để mặc. Khai giảng còn là háo hức gặp thầy, gặp bạn sau cả 3 tháng hè nóng bỏng chạy chân trần nghịch đất cát đen nhẻm. Mùa thu là mùa tựu trường, mẹ nhớ chỗ ngồi cũ, nhớ những bài giảng của cô. Vì thế với mẹ ngày khai giảng trở nên trang trọng như thế. Mẹ và các bạn tim đập rộn ràng theo tiếng trống trường trong ngày khai giảng với bao háo hức say mê.
Nhưng từ khi nào khai giảng chẳng phải dành nguyên vẹn cho chính các con. Người ta không tính một buổi khai giảng thành công bằng cách đếm những nụ cười hạnh phúc của con trẻ ngồi ở dưới, mà họ quan tâm cái gật gù của quan khách hay đại biểu trên sâu khấu hay những bài phát biểu với những con số và những mớ chữ nghĩa rất dài.
Để tới ngày lễ này là những buổi tập dượt trước đó con đã phải thực hành nhiều ngày: quay phải, quay trái, vỗ tay to, ngồi đúng hàng trật tự... Con và các bạn đã gặp nhau từ cách đây đến 20 ngày để học hè nên cảm giác nhớ trường, nhớ lớp cũng chẳng còn nhiều để háo hức như mẹ, đúng nghĩa khai giảng cho chuẩn bị một buổi học đầu tiên của năm học mới.
Khai giảng là lời tuyên bố về 1 năm học mới để "mỗi ngày tới trường là một ngày vui". Nên mẹ vẫn nghĩ ngày này chẳng phải để cho ai xem mà là để cho chính các con trước đã, cho mỗi ngày tới trường là phấn khởi, là vui tươi. Nhưng nếu nhìn xuống dưới trẻ con nóng nực, toát mồ hôi, là mệt mỏi, là ngáp ngủ và buổi lễ vẫn diễn ra theo một lập trình: Chào cờ, bài phát biểu, một chút văn nghệ, tiếng vỗ tay; thì sự thực là những đứa trẻ ngồi thẳng hàng ngay lối kia trí não lúc nào dường như cũng chỉ muốn bung ra để chạy nhảy, chơi đùa.
Mẹ vẫn mong một buổi lễ khai giảng mà con thực sự thấy đây là ngày vui của chính mình. Con không phải ngồi trong rừng người với tiếng loa to mà có cảm giác cô đơn. Sự nóng nực của thời tiết khiến con chỉ muốn buổi lễ sớm kết thúc. Con không phải vỗ tay với thứ con không thực sự quan tâm. Mẹ mong một buổi lễ con sẽ thấy chính mình trong đó, hạnh phúc vì khởi đầu tuyệt diệu đến mức ngày nào cũng chỉ muốn tới trường.
Khai giảng để đón ai, để cho ai xem, có khoảng cách giữa thầy và trò không? Mẹ muốn các thầy cô trả lời được những câu hỏi này bằng cách thiết thực nhất.
Có những cách giản dị mà ý nghĩa hơn, để con không cảm thấy cô đơn, lạc loài trong những bài phát biểu không dứt. Có thể theo cách như phim Mỹ thầy cô sẽ cầm tấm biển có dòng chữ: "Chào mừng các con trở lại trường học", "Thầy cô tự hào về các em", "Ngày hôm nay là ngày tuyệt vời nhất"...
Hoặc cũng có khi là đầm ấm, đơn giản và ý nghĩa theo cách này: "Tôi là hiệu trưởng trường, tuyên bố khai giảng năm học 2019 - 2020 và xin kính chúc thầy và trò thật nhiều sức khỏe, phấn đấu trong năm học mới với phương châm: "Chúng Ta là Người Tử Tế". Chúc cả thầy và trò sẽ có một năm học vui", thầy hiệu trưởng phát biểu như thế rồi chỉ còn lại là những cái ôm, cái nắm tay trìu mến…
Giáo dục là tối quan trọng và trở lại trường là một dịp đáng để ăn mừng. Con sẽ được "ăn mừng" theo cách mình là nhân vật quan trọng chứ không phải ngồi đó "xem" những người quan trọng nào khác. Hoặc nếu đây là một buổi tiệc giản dị thì hãy thật ấm áp, phá cách một chút cũng chẳng sao. Để chỉ còn lại một "bữa tiệc" khởi đầu cho năm học mới, miễn sao là vui, là khí thế là lửa trong tim ngập tràn, đúng nghĩa ngày hội tới trường.
Khi ấy con của mẹ và các bạn luôn là nhân vật chính quan trọng, sống động chứ không phải là đội hình ngồi yên với những cơn buồn ngủ cùng những giọt mồ hôi…
Theo Trí thức trẻ