Khi hầu bao đã lép, tâm trí đã rã rời, mộng phồn hoa đã vỡ, không về quê thì đi đâu?

Những người mang theo lỉnh kỉnh đồ đạc trên vai, nheo nhóc bầy con thơ trong cuộc thiên di ngược trở về quê hương, trở về nơi họ đã từng ra đi với bao ước mộng về miền đất hứa, họ đáng thương hơn là đáng trách.

Miền đất hứa và sự vỡ mộng của đoàn người lũ lượt quay đầu

Từ đêm 1/10 cho đến nay, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương đang chứng kiến cuộc thiên di đáng chú ý nhất trong 2 năm trở lại đây, khi người dân ở các tỉnh miền Tây, miền Trung và cả miền Bắc chở theo đồ đạc, quắp theo trẻ nhỏ, lần lượt nối đuôi nhau di chuyển trên quốc lộ để về quê tránh dịch.

Họ, cũng như nhiều người dân mắc kẹt suốt 4 tháng qua (và có thể là lâu hơn thế) tại thành phố họ sống, làm việc và gắn bó. Họ, nhiều người đã bị đẩy xa hơn sự khó khăn, để đến ngưỡng của sự kiệt quệ về tài chính và tinh thần.

Họ trả phòng trọ, dắt díu nhau về quê với hy vọng có thể đoàn tụ với quê hương bản quán sau những năm tháng bươn chải ở “miền đất hứa”. Có người đi xe máy, có người đi xe đạp, có người cuốc bộ, dắt díu nhau đi về nhà, về đã rồi tính tiếp về ngày mai..

Ở đâu đó, có những lời trách hờn những người lao động khốn cùng ấy. Ai đó bảo rằng họ "trở mặt", "quay lưng" với nơi từng cưu mang mình. Ai đó phàn nàn rằng họ làm xáo trộn tình hình đang tốt dần lên. Ai đó mắng mỏ những phụ huynh còn trẻ "đọa đày" con thơ trong chuyến đi dài.

Ai đó nặng lời bảo: "Quê hương đang yên ổn, thôi đừng về". Ai đó thậm chí còn cười khẩy vào sự vỡ mộng với miền đất hứa, mỉa mai người trở về quê trong cơn biến động bất ngờ của lịch sử..

Ô kìa, ai mà chẳng mang trong mình một giấc mơ đẹp về miền đất hứa? Có một điều kỳ lạ, là miền đất hứa thường gắn với những cuộc thiên di. Hiếm ai ngay từ đầu chọn chính quê hương là miền đất hứa của mình.

Người ta thường tin rằng, ở những miền đất hứa xa xôi, họ sẽ có cuộc sống tốt hơn, có cơ hội thành công và hạnh phúc hơn là tại quê nhà. Thành phố giống như một cứu cánh, một nơi sáng sủa, vui vẻ, náo nhiệt và dễ kiếm tiền. Dù nỗi hy vọng lớn của những người rời quê lên thành phố (hoặc vùng phát triển hơn) được tạo nên từ nỗi hãi sợ rằng mình khó mà làm giàu từ quê hương; nhưng giấc mơ về một miền đất hứa vẫn luôn là khát vọng lành mạnh và đẹp đẽ của tất cả mọi người.

Đương nhiên, miền đất hứa cũng đầy rẫy những khắc nghiệt. Cái giá để chạm tay đến miền đất hứa có thể là áp lực phải thành công, phải làm việc điên cuồng để lo tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền nuôi những đứa trẻ, là cảnh “mồ hôi ngừng đổ, miệng ngừng nhai". Là tất cả lao vào một cuộc chạy marathon mà không ai muốn phải ngừng lại...

Mệt, nhưng người ta sẽ vẫn ổn nếu họ còn được chạy. Nhưng khi guồng quay ấy bỗng chốc khựng lại đột ngột, khi dịch bệnh và những hệ lụy nhìn thấy và cả chưa nhìn thấy của nó nghiến lên những thân phận người, giấc mộng về miền đất hứa vỡ toang. Bởi, trong suốt thời gian qua, nhiều người thậm chí không còn việc để làm, đã tiêu cạn hết những đồng tích lũy. Có những người đã thật sự bị đói, vì không thể trông đợi mãi vào những đồng tiền hay thực phẩm cứu trợ từ thiện.

Dịch bệnh cũng kéo theo nó những mất mát, khi nhiều người trong số họ đã phải chứng kiến người thân, hàng xóm, đồng hương của mình đổ bệnh, ra đi; thậm chí bản thân mình cũng trải qua chấn động. Sự căng thẳng của dịch bệnh, nỗi sợ hãi, âu lo được nhân lên theo cấp số nhân, cùng với bầu không khí ngột ngạt của cả một cộng đồng.

Tất cả những áp lực đó đã khiến họ bị dồn nén như những chiếc lò xo suốt nhiều tháng qua, nên khi giãn cách được nới lỏng, việc “trốn chạy” khỏi căng thẳng để tìm về nơi có gắn kết tình thân sâu sắc chính là thôi thúc mạnh mẽ nhất khiến họ nhất quyết muốn về quê.

Người trở về quê với hầu bao lép, tâm trí rã rời, hãy thương chứ đừng trách

Mỗi người họ đều mang trong mình một câu chuyện riêng tư. Đó là người cha quyết đẩy 2 con nhỏ trên xe cút kít, định đi bộ từ Đồng Nai về Thốt Nốt, Cần Thơ. Đó là người chồng thổ lộ: "Lột đôi bông tai ra bán được 4 trăm rưỡi ngàn, đi test 2 vợ chồng mỗi đứa 2 trăm, còn 5 chục ngàn đổ đầy bình xăng. Chúng tôi sẽ chạy về thẳng tới tình của mình, không làm liên lụy ai. Chạy về cách ly trong đó, 14 ngày, 21 ngày hay 1 tháng cũng không quan trọng, quan trọng là về tới quê, gần gũi cha mẹ. Có vấn đề gì cha mẹ cũng không bao giờ bỏ con" - khi vợ anh còn vài ngày nữa là chuyển dạ, ngồi sau xe máy về miền Tây…

Sau những ngày giãn cách chặt chẽ, phong tỏa từng vùng, lập chốt kiểm soát, thành phố Hồ Chí Minh gỡ dần giãn cách. Trước cảnh người lao động ùn ùn tự phát bỏ về quê, thành phố từng trân trọng mời họ ở lại. Nhưng lòng họ đã hướng về quê. Nhưng những âu lo và sự gắng gượng, nhu cầu được tìm về nơi an trú, ngơi nghỉ cho tâm hồn vẫn lớn hơn, nhiều người tha thiết được trở về nhà.

Công bằng mà nói, việc hàng nghìn người dân từ những tâm dịch lớn nhất cả nước đổ về quê, ít nhiều sẽ gây khó khăn cho các địa phương.

Nguy cơ lây nhiễm và bùng dịch tại các địa phương là có thật, khi mà ở các tỉnh, vaccine chưa đủ, điều kiện cơ sở vật chất, vật tư y tế để sẵn sàng “đón lõng” người về cách ly có thể chưa kịp huy động, chưa đáp ứng được ngay. Ở tỉnh này tỉnh kia, những con số bắt đầu tăng lên sau khi đón người dân về từ tâm dịch…

Cũng có tỉnh đã đề nghị khoan hãy để dân trở về… Người dân sống tại địa phương cũng hồi hộp theo bước chân của đoàn người, lo sẽ có ai đó không chấp hành các biện pháp phòng dịch, trốn cách ly. Những lý lẽ ấy khiến “chủ nhà” người ta họ thận trọng với người về từ vùng dịch cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng đó là về lý. Về tình thì, sao nỡ trách người ta khi muốn trở về nhà? Không ai có thể sống mãi nhờ của nả đóng góp của những người xa lạ. Cũng không ai muốn phập phù sống khi mà tiền cạn dần, nhưng tiền ăn, tiền ở, tiền học của con… vẫn mỗi ngày mỗi tốn.

Những người lao động ấy, họ đã bỏ quê hương đến xứ người mưu sinh; nhưng khi không thể cố thêm, họ đã đánh cược nhiều thứ để trở về. Không phải về với niềm hân hoan và hầu bao rủng rỉnh, mà là những gương mặt chất đầy tâm trạng, và những chiếc ví rỗng. Có ai muốn bỏ cái nơi cưu mang mình đâu…

Thế nên đừng chỉ trích họ, đừng phân tích chuyện đúng hay sai, hãy thương lấy họ, và cầu nguyện cho tất cả được bình an trên bước đường thiên di ngược lối. Sự tổn thương tinh thần cần được chữa lành bằng bầu không khí quê hương. Về nhà cách ly 14 ngày, 21 ngày hay lâu hơn cũng được, về quê được là mừng.

Đỉnh dịch cũng qua rồi, các địa phương chỉ cần kiểm soát họ thật tốt khi họ về lại, tránh để xảy ra tình trạng lây lan bệnh tật, tránh làm tổn thương họ thêm lần nữa sau những tháng ngày căng thẳng vừa qua. Hãy dang tay, thay vì quay lưng, với họ, để đón họ về quê mẹ.

Họ về rồi có lên nữa không, đó sẽ là một câu trả lời còn bỏ ngỏ, là lựa chọn của từng người. Nhưng chặng đường về, dẫu tả tơi ước mơ và đôi bàn tay không, thì ước muốn được nương náu nơi đất quê của họ, có gì mà phải chỉ trích đâu?

 

Theo soha.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU