Nắng nóng cần uống nhiều nước rau má, hoa quả… để giải nhiệt. Ảnh: T.G
Nguy hiểm nhất là mất nước và kiệt sức
Anh Nguyễn Văn Nguyên (Hải Dương), nhân viên một công ty tổ chức sự kiện cho biết, những ngày nắng nóng cao điểm ngoài trời 50 độ C, các anh vẫn lao động quần quật trên công trình để lắp đặt hệ thống sân khấu ánh sáng cho một sự kiện hoành tráng. Dù mặc quần áo dày, bịt kín mặt mũi… nhưng mặt ai cũng đỏ, mắt dại đi vì bị hấp nhiệt, cơ thể nóng bừng bừng như cái lò, áo lao động dày cộp luôn ướt đẫm mồ hôi. Mỗi ngày anh Nguyên uống tới cả 5-6 lít nước mà ra mồ hôi hết, không đi tiểu được lần nào.
Có 4 nhóm đối tượng bị nắng nóng tác động nhiều nhất là trẻ em, người già, người làm việc ngoài trời và người tập luyện. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (chuyên gia Nhi khoa Bệnh viện Bạch Mai), trẻ em bị ảnh hưởng nắng nóng nhiều nhất vì đang mùa hè, hoạt động ngoài trời nhiều, thân nhiệt tăng nhanh hơn nên nhiều trẻ bị sốt cao làm bố mẹ sợ hãi. Sức đề kháng của trẻ kém, lại hiếu động nên nguy cơ mất nước (do toát mồ hôi), mất muối rất lớn, nếu ở trong môi trường kín gió, bức bối, hoặc mải chơi ngoài nắng là trẻ có thể bị sốc nhiệt.
Nhiều người phải làm việc trực tiếp dưới nắng chói chang như đổ lửa từ sáng tới 11h trưa và bắt đầu từ 14h chiều, hoặc ở trong môi trường (may mặc, da giày…) đông người, thêm nhiều vải, da… xung quanh càng nóng nực, bụi và ngột ngạt… nên nhanh bị đuối sức, mệt mỏi, mắt cay sè vì mồ hôi và hơi nóng hầm hập khiến công việc gặp nhiều khó khăn. Tối về ở trong lán tạm bợ, hoặc nhà trọ tồi tàn, nên không có cơ hội hồi sức, dẫn tới những ảnh hưởng xấu lâu dài về sức khỏe, tâm lý và hiệu quả công việc.
Hầu hết người lao động làm việc ngoài trời nắng nóng đều có ít thời gian để uống nước, điều này rất nguy hiểm vì mồ hôi toát ra gây mất nhiều nước, muối, gây mệt mỏi, dễ cáu gắt, bức bối, căng thẳng, kèm đau đầu, mất ngủ, stress… Nặng hơn có thể bị hôn mê, sốc nhiệt, thậm chí choáng ngất, tử vong. Người yếu ớt trí não có thể rối loạn hành vi, nói lảm nhảm, thậm chí phát điên, sức khoẻ suy sụp… Những phụ nữ sau sinh, người có stress kéo dài, đang gặp các sang chấn tâm lý do bệnh tật, mất người thân, mất việc… có nguy cơ cao rối loạn tâm thần vì nắng nóng.
Việc toát nhiều mồ hôi khi nắng nóng còn làm cơ thể mất cảm giác thèm ăn, ăn mất ngon, chức năng thần kinh bị ảnh hưởng làm giảm sự chú ý, sự phản xạ… lâu dài dễ dẫn tới tai nạn, kiệt sức. Diễn biến của nắng – nóng lên cơ thể rất nhanh và nặng nề, nhất là ở thể suy kiệt, nếu không kịp hạ thân nhiệt có thể dẫn tới đột quỵ, nhiệt độ lõi cơ thể cơ thể tăng cao gây ra suy đa phủ tạng, tổn thương thần kinh và rất dễ tử vong.
Theo bác sĩ Lương Quốc Chính (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai), phải làm việc trong điều kiện nắng nóng, đặc biệt là nóng ẩm, cơ thể có nguy cơ bị tổn thương do nóng. Đó là tình trạng sinh nhiệt nội sinh hoặc ngoại sinh vượt quá khả năng điều hòa nhiệt của cơ thể trong việc duy trì cân bằng nội môi. Tùy rối loạn chức năng từ mức độ tế bào, đến tổ chức, cơ quan mà dẫn đến những biểu hiện bệnh lý khác nhau.
Cách làm mát cơ thể nhanh chóng
Theo các chuyên gia y tế, ưu tiên hàng đầu trong những ngày nắng nóng là liên tục bổ sung nước lọc, uống trước khi có cảm giác khát. Người lao động làm việc ngoài trời, cần uống 500-600ml nước khi bắt đầu làm và khoảng 800 ml trong 2 tiếng sau khi kết thúc công việc. Quá trình làm việc cần liên tục bổ sung 200-300ml nước/ lần, mỗi lần cách nhau 10-20 phút.
Trẻ em khi vận động ngoài trời, cần 150-250ml nước khi bắt đầu và một lượng tương tự mỗi 20 phút tiếp theo và 800ml trong 2 tiếng đầu tiên sau khi ngừng vận động.
Ngoài ra, cần bổ sung các loại rau củ, trái cây có tính thanh mát, lọc độc chất giúp cơ thể như nước như cà chua, rau diếp, củ cải, dưa chuột, nho, các loại quả mọng... để ngăn sự mất nước. Những loại rau như rau dền, mướp đắng cũng giúp giải nhiệt cơ thể tốt.
Đồ uống tốt nhất khi nắng nóng là nước chanh, nước dừa… giúp cân bằng điện giải, ứng phó với tình trạng mất nước và các vi chất do đổ mồ hôi.
Dân gian có các loại nước giải nhiệt rất tốt như nước rau má, nước mía, bột sắn dây, dưa hấu, dứa, nước chè tươi… có tác dụng giải nhiệt, giải độc, lợi tiểu, hạ sốt, chảy máu cam, táo bón, tiểu buốt, mụn nhọt, rôm sảy... Các loại sữa chua sẽ giúp bổ sung năng lượng hiệu quả, giảm bớt cảm giác mệt mỏi do nóng bức.
Diễn biến của nắng – nóng lên cơ thể rất nhanh và nặng nề, do đó cần làm mát nhanh, hạ nhanh nhiệt độ lõi cơ thể xuống dưới 39 độ C trong vòng 30 phút sớm từ khi phát hiện bệnh sẽ tăng khả năng sống sót của nạn nhân. Trong sách “Phòng chống tác động do nắng – nóng đến sức khỏe”, Chủ biên là Thiếu tướng, TS. Vũ Quốc Bình, nguyên Giám đốc Bệnh viện 354, nguyên Cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc Phòng), hướng dẫn cách hạ nhiệt cơ thể nhanh khi nắng nóng đỉnh điểm:
1. Xịt nhiều nước mát lên cơ thể: Là cách làm mát đơn giản, nhanh và hiệu quả nhất. Hãy xịt nhiều nước mát trực tiếp lên các vùng da hở để hạ nhiệt. Có thể dùng quạt để tăng khả năng bay hơi nước, làm mát dễ hơn. Song song lấy túi nước đá đặt vào trán, đầu, nách, bẹn và cổ để đẩy nhanh quá trình hạ nhiệt, làm mát cơ thể.
2. Sử dụng hơi nước và quạt mạnh: Dùng khăn thấm ướt nước có pha tỉ lệ cồn nhẹ xoa lên bề mặt da vùng ngực, lưng, trán, đùi… Nước có cồn loãng bay hơi rất nhanh, là cách rất tốt giúp cơ thể thải nhiệt.
Hoặc phun nước dưới dạng xịt liên tục lên da kết hợp quạt gió để tạo ra không khí ẩm, khô quanh da để thúc đẩy bay hơi nước. Bởi vì, nắng nóng, độ ẩm không khí cao, bão hòa khiến da khó toát mồ hôi, gần như gây “tắc” thải nhiệt của cơ thể.
Nhiều người khi thấy bị mất nước thì tự ý truyền dịch tại nhà (gọi là tiếp nước), với tình trạng nắng - nóng như hiện nay thì không tốt, bởi tiếp nước quá bừa bãi tại nhà có thể gây nguy hiểm hoặc biến chứng như sốc phản vệ.
Thói quen đang đứng, làm việc dưới nắng nóng thì tạt, dội nước vào đầu vào người để hạ nhiệt là rất nguy hiểm. Chỉ riêng việc hất ngay nước mát vào cơ thể, nếu người đó lại ở nơi kín gió cũng nguy hiểm hơn rất nhiều và sẽ càng nguy hiểm cho tính mạng nếu thả cả người vào một bể nước đá.
Nắng nóng quan trọng là việc dự phòng, cần uống đủ nước, che chắn kỹ càng trước khi ra ngoài trời, nắm rõ cách sơ cấp cứu khi say nắng, say nóng.
Hãy luôn nghe cơ thể, nếu cảm thấy không thể thích ứng với nắng nóng lập tức tìm bóng râm, nơi thoáng mát, có điều hòa như các trung tâm mua sắm, nơi công cộng… hoặc ở trong nhà, giảm các vận động.
Theo giadinh.net.vn