(Ảnh: The House of Wellness)
Việc không phải bế lũ trẻ lên xe mỗi khi bạn rời khỏi nhà có thể rất hấp dẫn – khiến bạn cảm thấy thoải mái – nhưng cha mẹ cần cân nhắc khi quyết định để con mình ở nhà một mình.
Trẻ bao nhiêu tuổi có thể ở nhà một mình?
Không có một quy tắc chung nào cho việc này và với mỗi đứa trẻ điều này cũng khác nhau. Theo Tổng giám đốc Kid Safe Victoria, Jason Chambers: "Điều quan trọng là tuổi tác không phải là vấn đề duy nhất cần cân nhắc. Trẻ em sẽ lớn lên, phát triển và trưởng thành ở các tốc độ khác nhau, điều đó có nghĩa là tất cả chúng sẽ sẵn sàng đảm nhận các nhiệm vụ và trách nhiệm mới ở các độ tuổi khác nhau".
Không có luật nào ở Úc quy định trẻ phải bao nhiêu tuổi mới được ở nhà một mình, nhưng mỗi tiểu bang và vùng lãnh thổ đều có luật quy định chi tiết nghĩa vụ của cha mẹ và người chăm sóc trong việc giám sát và chăm sóc trẻ vị thành niên.
Làm thế nào để biết con đã sẵn sàng ở một mình?
Cha mẹ hiểu rõ con cái mình nhất, vì vậy họ cần xem xét sự trưởng thành cá nhân của con mình.
"Hãy hỏi bản thân mình con bạn có thường đưa ra những quyết định hợp lý không?" - Jason nói - "Liệu con bạn có thể đối phó trong trường hợp khẩn cấp như hỏa hoạn và chúng có biết gọi ai để được giúp đỡ trong các tình huống khác nhau không?".
Điều quan trọng là hãy cân nhắc xem con bạn cảm thấy thế nào khi ở nhà một mình.
Tiến sĩ tâm lý học trẻ em Kimberley O'Brien của Quirky Kid Clinic, cho biết: "Một số trẻ khá lo lắng khi ở nhà một mình, vì vậy nếu trẻ cảm thấy như vậy, tôi sẽ không đề nghị cha mẹ làm điều đó cho đến khi chúng sẵn sàng 100%".
Để giúp đánh giá xem trẻ em đã sẵn sàng để độc lập hơn hay chưa, Tiến sĩ O'Brien gợi ý nên giao cho chúng một số trách nhiệm nhỏ trong cộng đồng. Cô nói: "Chúng có thể làm những việc như gọi cà phê ở quán cà phê cho mẹ hoặc đi vào siêu thị để mua thứ gì đó, từ đây, chúng bắt đầu xây dựng sự tự tin của mình theo cách được hỗ trợ mà không có cha mẹ bên cạnh".
Làm thế nào để chuẩn bị cho con ở nhà một mình?
Tiến sĩ O'Brien gợi ý nên bắt đầu bằng những hành động nhỏ như dắt chó đi dạo hoặc bước ra ngoài để trả lại thứ gì đó cho hàng xóm. Cô nói: "Hãy bắt đầu với những việc lặt vặt mà bạn có thể quay lại khá nhanh nếu cần, thậm chí bạn có thể sử dụng bộ đàm để con bạn luôn ở trong phạm vi 200m từ ngôi nhà bạn".
Nếu trẻ em cảm thấy không thoải mái khi ở nhà một mình, Tiến sĩ O’Brien khuyên bạn nên nói chuyện với chúng để khám phá những mối quan tâm của chúng và các chiến lược nhập vai để quản lý chúng.
"Ví dụ, nếu một người chuyển phát nhanh đến cửa, hoặc điện thoại đổ chuông – bất kể điều gì khiến chúng lo lắng, hãy đưa ra hướng dẫn về những gì chúng sẽ làm" - cô nói.
Jason đề nghị tăng dần thời gian trẻ ở nhà một mình để xây dựng sự tự tin của chúng. Đảm bảo trẻ có điện thoại với danh sách các số để gọi nếu cần và chúng biết khi nào nên sử dụng chúng.
Coi chừng nguy hiểm trong nhà
Jason nói: "Chúng ta thường nghĩ nhà mình là nơi an toàn và chắc chắn, tuy nhiên, đó lại là nơi trẻ em thường bị thương nhất".
Ông khuyến nghị các ông bố bà mẹ nên xác định các nguy cơ chấn thương tiềm ẩn và ban hành các biện pháp giúp giảm thiểu rủi ro. Jason nói: "Các mối nguy hiểm phổ biến bao gồm các vùng nước như hồ bơi và spa; các mối nguy hiểm do bỏng như nước nóng và các thiết bị điện; các mối nguy hiểm do ngã từ thiết bị chơi ở sân sau hoặc các thiết bị có bánh xe cũng như các mối nguy hiểm do TV hoặc đồ nội thất lật đổ...".
Jason cũng khuyên bạn nên thiết lập một số ranh giới an toàn cho trẻ em.
"Hãy nghĩ về những gì không an toàn cho con bạn khi làm mà không có sự giám sát của người lớn. Điều này có thể bao gồm việc sử dụng các thiết bị như lò vi sóng, bếp hoặc ấm đun nước, tiếp cận các khu vực trong nhà như nhà để xe hoặc nhà kho, hoặc rời khỏi nhà để đi xe đạp hoặc đi bộ đến công viên địa phương" - anh nói.
Cho phép trẻ có thời gian không giám sát có thể hơi khó khăn, nhưng Jason nói rằng để trẻ ở nhà một mình là một phần của việc phát triển tính độc lập.
"Khi trẻ lớn hơn, điều quan trọng là chúng được tạo cơ hội đảm nhận những trách nhiệm mới một cách an toàn. Điều này sẽ giúp các em trưởng thành và phát triển nhiều kỹ năng sống quan trọng, bao gồm kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề" - Jason nói.