Ai có thể bị di chứng hậu Covid-19?
Sau khi khỏi Covid-19, chị Nguyễn Thị A. – Hoàng Mai, Hà Nội đã đưa cả nhà đi khám hậu Covid-19. Chị A. muốn chụp phổi xem phổi có bị tổn thương không. Bác sĩ tư vấn không cần nhưng chị vẫn lo lắng, sợ đông đặc phổi, xơ phổi và nhiều vấn đề khác.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt, Hà Nội, hàng ngày bà vẫn nhận được nhiều ý kiến của bệnh nhân lo lắng về hậu Covid-19.
PGS. An cho biết hậu Covid-19 có thể xảy ra nhưng chủ yếu ở những bệnh nhân chưa được tiêm vắc xin. Những đối tượng này nếu bị bệnh có thể có những triệu chứng nặng nề, thậm chí có thể phải nhập viện thở máy, thở oxy. Do đó, di chứng sau nhiễm bệnh ở những bệnh nhân này sẽ cao hơn.
Theo những gì có thể thấy từ những đợt dịch ở Châu Âu hoặc Mỹ ở thời điểm chưa có vắc xin, những người trẻ nhiễm Covid-19 chỉ có những triệu chứng nhẹ và hầu như không có di chứng hậu Covid.
Với người bị nhiễm bệnh thể nặng, các biểu hiện của Covid-19 có thể kéo dài hơn. Triệu chứng đầu tiên là mệt mỏi kéo dài. Điều này là do cơ thể người bệnh chưa có đề kháng để chống lại virus và độc tố do virus đã gây ảnh hưởng tới các cơ quan trong cơ thể. Triệu chứng mệt mỏi này hay gặp nhiều ở người cao tuổi, người có bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường. Đối với người trẻ tuổi đã được tiêm chủng, bị bệnh thể nhẹ hoặc không có triệu chứng rất hiếm gặp triệu chứng này.
PGS. Nguyễn Thị Hoài An khám cho bệnh nhân.
Ở những người có nguy cơ cao, khi nhiễm Covid-19 có thể có các tổn thương phổi do phản ứng viêm của cơ thể với virus SARS-CoV-2. Khi đó, người bệnh có thể bị các biến chứng tắc vi mạch.
Tắc vi mạch sẽ ảnh hưởng tới tất cả các cơ quan trong cơ thể, ví dụ như tắc vi mạch ở phổi gây đông đặc phổi; ở tim gây suy tim; ở thận gây suy thận và thậm chí tổn thương ở não. Người bệnh có thể có các triệu chứng khó thở, thở nhanh, mệt mỏi khi gắng sức… sau khi đã khỏi Covid-19. Trường hợp này có thể tái khám để được tư vấn.
Còn với những người mắc bệnh Covid-19 nhưng không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ, virus không xâm nhập vào phổi, tim, thận, não thì không lo bị hậu Covid-19.
Cách xử trí hậu Covid-19
PGS. An cho rằng một điều quan trọng mà bất cứ F0 nào cũng phải làm đó là tập thở. Tại các bệnh viện điều trị Covid-19, ngay cả khi F0 đang phải thở oxy, bệnh nhân cũng phải tập thở. Người bệnh nên tập hít sâu và thở ra, ngày 3 – 4 lần và mỗi lần 15 phút để tăng dung tích phổi và hồi phục nhanh hơn.
Đối với tình trạng mệt mỏi kéo dài, người bệnh có thể khắc phục bằng cách ăn uống đầy đủ, bồi bổ sức khoẻ, tăng cường các thực phẩm giàu dinh dưỡng, cố gắng ăn thực phẩm dễ tiêu, dễ hấp thu để người khoẻ trở lại.
PGS. An cho biết sau khi bị Covid-19, ngoài bồi dưỡng cơ thể, người bệnh rất cần tập thể dục để duy trì sức khoẻ. Theo đó, người bệnh nên tập các bài tập nhẹ nhàng, tránh vận động quá mạnh.
Nếu người bệnh đã có triệu chứng nặng ở cơ quan hô hấp như SpO2 giảm khi đang bị Covid-19, phải thở oxy... thì nên đi kiểm tra để đánh giá chức năng hô hấp cũng như chức năng của các bộ phận khác của cơ thể.
Còn những bệnh nhân bị mất vị giác, khứu giác thì các triệu chứng này đều hồi phục trở lại một cách từ từ.
Với người bị mệt mỏi, suy nhược kéo dài trên 3 tháng, luôn thấy không khoẻ, trầm cảm thì nên tới gặp bác sĩ tâm lý để được hỗ trợ. PGS. An cho biết trên tất cả, bệnh nhân cần lạc quan, sống tích cực và không nên suy nghĩ, lo lắng quá nhiều về di chứng hậu Covid-19.
Theo PGS. An, khi đã khỏi bệnh thì không còn gì đáng lo ngại. Bệnh nhân nên tập luyện để phục hồi dần dần. Nếu bệnh nhân muốn yên tâm thì có thể kiểm tra sức khoẻ tổng quát để tránh biến chứng hậu Covid-19.
https://soha.vn/khong-nen-hoang-loan-voi-hau-covid-19-chuyen-gia-goi-y-cach-xu-tri-20220315195846269.htm
Theo soha.vn