Vệ sinh cho trẻ sơ sinh là một công việc khó khăn đối với những ai lần đầu làm mẹ, bởi từ một môi trường vô trùng là túi ối, bé bước ra ngoài phải đối mặt với bao nhiêu bụi bẩn, chưa kể, hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh lại yếu, nên nếu việc vệ sinh không đúng cách sẽ gây ra nhiễm trùng, nhất là ở những khu vực quan trọng như mắt, mũi, tai và rốn.
Nếu vệ sinh rốn cho bé có quy trình 4 bước rõ ràng, thì cách vệ sinh mắt, mũi và tai cho bé đơn giản hơn nhiều. Mẹ chỉ cần lưu ý luôn rửa sạch tay trước khi vệ sinh cho bé.
Xem chuyên gia hướng dẫn cách vệ sinh mắt, mũi, tai cho trẻ sơ sinh.
Vệ sinh mắt
Mắt của trẻ sơ sinh thường có một chất lỏng màu trắng hoặc màu vàng dính ở khóe mắt gọi là ghèn. Nó có thể xuất hiện ở cả hai mắt hoặc chỉ một bên mắt. Tuy nhiên, cha mẹ không được chà xát, hoặc cố gắng lấy nó ra bằng ngón tay của bạn. Thay vào đó, hãy dùng miếng bông nhúng vào nước ấm để lau sạch mắt cho bé.
Cha mẹ hãy nhúng miếng bông sạch vào nước ấm hoặc nước muối sinh lý vắt khô nước rồi lau mắt cho bé bằng cách di chuyển từ phía trong hốc mắt hướng ra phía 2 bên tai. Bạn hãy làm một cách thật nhẹ nhàng. Đầu tiên di chuyển miếng bông ở mí trên và sau đó xuống mí dưới. Điều này sẽ giúp lau sạch bụi bẩn. Tuyệt đối không được ấn vào mắt bé, bạn chỉ cần sử dụng đầu ngón tay để thực hiện công việc này. Nên vệ sinh mắt bé khi ngủ dậy và khi tắm cho bé.
Cha mẹ hãy nhúng miếng bông sạch vào nước ấm, vắt khô nước rồi lau mắt cho bé bằng cách di chuyển từ trong ra ngoài (Ảnh minh họa)
Trong trường hợp bạn nhận thấy mắt bé đỏ hoặc chảy nước mắt liên tục thì nên nhanh chóng đưa bé đi khám mắt.
Vệ sinh mũi
Mũi của trẻ sơ sinh thường sạch sẽ và theo khuyến cáo của các bác sĩ Nhi khoa, mẹ không cần phải nhỏ nước muối sinh lý vào mũi bé hàng ngày.
Trẻ sơ sinh có lỗ mũi hẹp, thường hắt hơi để tống các chất nhầy trong khoang mũi ra ngoài. Vì vậy, cách tốt nhất là không cho vật gì vào bên trong lỗ mũi của bé kể cả tăm bông, có thể làm hỏng lớp lót khoang mũi, là lớp màng nhầy chứa nhiều mạch máu.
Bạn có thể làm sạch mũi cho bé khi tắm bằng cách ngâm một miếng bông thấm nước muối sinh lý và lau nhẹ nhàng xung quanh lỗ mũi để làm sạch các chất nhầy.
Đôi khi bị nhiễm lạnh hoặc các em bé sinh mổ thường có hiện tượng nghẹt mũi hay còn gọi là khụt khịt mũi. Nghẹt mũi không chỉ làm bé trở nên cáu kỉnh, mà còn cản trở chu kỳ giấc ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung của bé.
Bạn chỉ cần nhỏ một giọt nước muối vào mỗi bên mũi, sau đó chờ khoảng 2-3 phút cho dung dịch này làm loãng hoặc mềm chất nhầy hay gỉ mũi, rồi bạn nhẹ nhàng dùng tăm bông hoặc dụng cụ hút mũi để lấy chất nhầy, gỉ mũi ra.
Vệ sinh tai
Cha mẹ lưu ý không bao giờ được sử dụng tăm bông để ngoáy tai cho bé. Mặc dù trong tai của bé có ráy màu nâu hay màu vàng nhưng nó thực sự tốt cho trẻ sơ sinh: nó bảo vệ, bôi trơn và có chất kháng khuẩn bảo vệ tai bé khỏi nhiễm trùng.
Cách tốt nhất để giữ cho tai bé sạch sẽ là bạn hãy lau ở phía ngoài của tai bằng khăn ẩm khi bé thức dậy buổi sáng và sau khi tắm. Không được cho khăn hoặc bông tăm vào sâu bên trong tai của bé. Điều này có thể gây tổn thương cho ống tai. Khi tắm, bạn cũng nên lưu ý tránh để nước vào trong tai, nó có thể dẫn đến nhiễm trùng và ảnh hưởng thính giác của bé.
Khi mới sinh, tai bé còn rất nhỏ và nhiều nếp gấp nên mẹ cần lưu ý lau thật kĩ các nếp gấp ở vành tai, phía sau tai và giữ tai bé luôn khô ráo, tránh để ẩm sẽ dẫn đến hiện tượng hăm ở tai. Ngoài ra, mẹ có thể dùng tăm bông làm sạch phía trong của vành tai, nơi tay mẹ khó có thể dùng khăn làm sạch.
Theo Helino