Không tốn 1 giọt nước mắt, mẹ trẻ bật mí cách cai ti đêm cho con chỉ trong vài ngày, giúp bé ngủ một mạch 12 tiếng

Từ lúc cắt ti đêm, không những bé Gấu ngủ một mạch trọn vẹn 12 tiếng ngon giấc mà còn tăng lượng sữa ăn ban ngày lên đáng kể.

Chắc hẳn chẳng ai lạ gì cảnh các mẹ nuôi con mọn sáng ra ngáp ngắn ngáp dài, mặt bơ phờ vì thiếu ngủ. Ấy là bởi hầu hết trẻ nhỏ đều thức dậy nhiều lần trong đêm để ăn.

Thế nhưng, cũng có những mẹ vui vẻ khoe rằng bé nhà mình mới 2 tháng, 3 tháng tuổi đã ngủ thẳng giấc xuyên đêm mà không cần ăn. Nhờ vậy, giấc ngủ của mẹ cũng được đảm bảo nên ban ngày, mẹ luôn vui vẻ, tỉnh táo làm các việc khác mà không rơi vào cảnh mệt rũ vì thiếu ngủ. Chị Phạm Quỳnh (Hà Nội) - mẹ của bé Đinh Hoàng Quốc Bảo (tên thường gọi là bé Gấu) - là một trong số ấy. Không phải ngẫu nhiên chị Quỳnh có được may mắn đó, bởi để bé Gấu ngủ ngoan suốt đêm, không lục sục thức dậy ăn là thành quả của quá trình mẹ cai ti đêm cho bé một cách khoa học, lành mạnh.

Bé Gấu sinh ngày 31/1/2019. Cũng như những em bé khác, những tuần đầu sau sinh, bé cũng thức dậy ti nhiều lần trong đêm. Nhưng từ 3 tháng tuổi đến nay, bé đã cắt ăn đêm hoàn toàn và ngủ liền một mạch 11 - 12 tiếng mỗi ngày.

Bé Gấu có thể ngủ liền 12 tiếng không ăn đêm từ 3 tháng tuổi.

Dấu hiệu con cần giảm và cắt ăn đêm

Gấu là một em bé được mẹ cho sinh hoạt theo nếp easy từ nhỏ. Ngay từ tuần thứ 2 sau sinh, bé được ăn theo cữ 3 giờ/lần, rồi dịch chuyển sáng 3,5 giờ/lần ở tuần thứ 6 và tiếp đến là 4 giờ/lần ở tuần thứ 9 trở đi. Lượng ăn sữa của con khá đều đặn. Tuy nhiên, khoảng tuần thứ 9, chị Quỳnh nhận thấy con có những biểu hiện ăn ngày kém hiệu quả, đặc biệt là bữa sáng khi mới tỉnh dậy.

Chị Quỳnh giải thích: "Ban đêm con ăn nhưng không hoạt động nên tích trữ được năng lượng, sáng ra không thấy đói và không muốn ăn. Trong trường hợp này nếu mẹ không cắt hoặc giảm bữa ăn đêm sẽ tạo thành vòng luẩn quẩn: ngày không đói để ăn, đêm lại đói dậy đòi ăn".

Theo tìm hiểu của chị Quỳnh, khoa học đã nghiên cứu bé cần được ngủ sâu vào khung giờ 22h-24h-2h sáng vì đây là khoảng thời gian hormone phát triển chiều cao tiết ra mạnh nhất. Ban ngày để ăn - hoạt động, ban đêm để ngủ - cho các bộ phận cơ thể nghỉ ngơi. Chính vì thế, các mẹ có thể hoàn toàn yên tâm về việc cắt ăn đêm không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của trẻ.

Hiện tại, bé Gấu ăn 4 bữa/ngày.

Mẹ Gấu cũng nhấn mạnh rằng: "Mình cắt ăn đêm cho con không phải với mục đích cho mẹ nhàn, mà mục đích chính là để con ngủ thẳng giấc, ban ngày biết cách ăn hiệu quả hơn.

Ngoài ra, các mẹ đừng lo cắt ăn đêm con sẽ đói. Khi không ăn đêm nữa con sẽ tự biết điều chỉnh ban ngày ăn nhiều hơn để tích trữ cho ban đêm. Những bé ban ngày ăn tốt thì đêm hoàn toàn có thể ngủ xuyên đêm không cần ăn".

Từ những lý do trên, mẹ Gấu đã bắt tay vào việc cai ti đêm cho con. Thành quả là khi Gấu mới 3 tháng tuổi, bé đã có thể ngủ liền một mạch 11-12h (từ 19h30 tối đến 7h sáng) không cần ăn đêm.

Hai bước để cắt ăn đêm, giúp tăng lượng ăn ban ngày và bé ngủ xuyên đêm ngon giấc

Có nhiều cách cắt ăn đêm khác nhau nhưng mẹ Gấu chọn 1 cách nhẹ nhàng và đơn giản nhất:

Bước 1: Gộp 2 bữa đêm làm 1

Trong khoảng từ 4-8 tuần, Gấu vẫn dậy ăn đêm 2 lần vào 10h và 2h30 sáng. Có 1 vài lần mẹ Gấu quan sát thấy 10h con vẫn chưa dậy ăn, ngủ đến 12h mới khóc đòi ăn và sau đó 2h30 lại dậy đòi ăn tiếp. Lúc này mẹ hiểu là bé thức dậy theo thói quen. Ở tuần 9, Gấu có dấu hiệu không hào hứng ăn bữa sáng sau khi thức dậy.

Vì 2 yếu tố này, mẹ Gấu quyết định gộp 2 bữa đêm làm 1.

Ban đêm, tầm 10h Gấu vẫn ọ ẹ, mẹ vỗ hỗ trợ cho bé ngủ lại chứ không cho ăn như bình thường. Gấu ngủ say đến 12h30 thì dậy khóc đòi ăn. Lúc này mẹ Gấu cho ăn luôn và đặt ngủ lại ngay sau đó. Đến 2h30, Gấu lại ọ ẹ tỉnh theo thói quen, nhưng do con mới ăn lúc 12h30 nên mẹ Gấu chắc chắn rằng con không đói. Mẹ Gấu vỗ, cho bé dùng ti giả để ngủ lại.

Bình thường khi ăn đêm 2 lần, 7h sáng Gấu mới tỉnh dậy, nhưng hôm đó, 6h50 bé đã dậy đòi ăn và ăn hết 180ml sữa, trong khi trước đó chỉ ăn được 150ml.

Bước 2: Cắt hoàn toàn ăn đêm

Gấu vẫn ăn 1 bữa đêm vào lúc 12h30 trong khoảng từ 9-11 tuần. Bắt đầu sang tuần khủng hoảng 12, dấu hiệu ăn kém quay trở lại. Mẹ Gấu đổi size núm bình sữa cho con, đồng thời chuẩn bị cắt hoàn toàn ăn đêm bằng cách bớt dần lượng sữa ăn đêm của con từ 135ml xuống 75ml - 30ml rồi cắt hẳn.

Ngày 1, 2 và 3: Giảm lượng sữa xuống còn 75ml. Gấu ăn xong vẫn thòm thèm nhưng mẹ vỗ thì ngủ tiếp. Sáng dậy ăn 200ml vui vẻ.

Ngày thứ 4: Giảm lượng sữa xuống còn 30ml sữa. Gấu ăn xong vẫn ngủ nhưng tầm 5h sáng là lục đục. Mẹ Gấu dùng ti giả và vỗ hỗ trợ. Sáng dậy ăn vui vẻ hết 230ml sữa.

Từ khi cắt ăn đêm, bé Gấu ăn được 240 - 280ml/bữa.

Ngày thứ 5: Cắt hoàn toàn. Đến giờ ăn, Gấu cũng không có tín hiệu dậy đòi ăn nhưng khoảng 4h sáng, bé bắt đầu lục đục. Mẹ lại hỗ trợ cho bé ngủ đến 7h sáng và dậy ăn hết 270ml.

Sau khoảng gần 1 tuần cắt ăn đêm, mẹ Gấu nhận thấy lượng sữa ban ngày của con tăng lên đáng kể:

Khi còn ăn 1 bữa đêm, tổng lượng sữa Gấu ăn khoảng 760-780ml/ngày/5 bữa.

Sau khi cắt hoàn toàn ăn đêm, tổng lượng sữa Gấu ăn khoảng 840-860ml/ngày/4 bữa.

Từ 16 tuần trở đi, Gấu ăn 900-960ml/ngày/4 bữa. Mỗi bữa, Gấu ăn hết 240 - 280ml.

Không chỉ tăng lượng sữa ăn mỗi cữ mà từ khi cắt ti đêm, Gấu ngủ ngoan, ít ọ ẹ cho dù mẹ không hỗ trợ nữa. Chị Quỳnh tâm sự: "Từ khi cắt ti đêm, có những đợt Gấu bước vào tuần khủng hoảng hay biếng ăn sinh lý, lượng sữa chỉ còn 80-100ml/bữa, mẹ lo con đói nhưng bé vẫn ngủ ngoan thẳng giấc mà không quấy khóc gì".

Một số típ giúp bé ăn hiệu quả:

- Bé ngủ dậy cho ăn ngay.

- Cho ăn trong phòng tối/ yên tĩnh để con tập trung.

- Khi cho con ăn tránh nhìn vào mắt con, tránh nói chuyện.

- Cho con ăn trong khoảng thời gian quy định theo độ tuổi, bữa ăn không kéo dài quá 30 phút. Nếu con từ chối, mời lại 3 lần, sau 3 lần con không ăn thì dọn, đợi bữa sau mới ăn.

- Khi con còn nhỏ, khi ăn bé hay lim dim vừa ăn vừa ngủ, mẹ có thể xoa nhẹ dưới cằm con để con tập trung ăn và bú tiếp.

 

Theo Trí thức trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU