Thừa cân và béo phì có thể làm tăng khả năng mắc bệnh tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch. Duy trì chế độ ăn thô có thể giúp một người giảm cân và giảm nguy cơ mắc các tình trạng sức khỏe này. Trong khi đó, nghiên cứu năm 2009 cho thấy, ăn thô gần như giảm một nửa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
CDC cũng từng đưa ra khuyến nghị, những thay đổi về chế độ ăn uống có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường của một người. Chúng bao gồm việc tăng cường ăn trái cây và rau không chứa tinh bột, giảm thực phẩm chế biến, chất béo chuyển hóa có trong thực phẩm nướng và chiên.
Trong khi làng ăn thô không đề cập đến rủi ro của chế độ ăn này, các nhà khoa học cho rằng vẫn còn nhiều bất cập nếu bạn áp dụng dài lâu.
Theo Healthline, chế độ ăn thô chứa ít calo, nhiều đường tự nhiên có thể gây ra một vấn đề như thiếu vitamin và khoáng chất, thiếu đạm, vitamin B12, vitamin D, sắt, canxi, selen, kẽm.
Đây là nguyên nhân gây ra các tình trạng như vàng da, viêm lưỡi, loét miệng, sâu răng, cáu gắt, trầm cảm, mất trí nhớ, xương yếu, kinh nguyệt không đều, ngộ độc thực phẩm...
Tóm lại
Không ai có thể phủ nhận rằng chế độ ăn thô là chế độ ăn bổ dưỡng với nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, rất tốt cho sức khoẻ. Ăn những thực phẩm này có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch.
Tuy nhiên, nếu không cẩn thận lên kế hoạch, bạn có thể không nhận được tất cả lượng calo hoặc chất dinh dưỡng cần thiết. Nhất là với chị em phụ nữ, một số tình trạng sức khỏe có liên quan đến chế độ ăn thô như chu kỳ kinh nguyệt không đều, tỷ lệ gãy xương... sẽ gia tăng.
Từ góc độ chuyên gia, bác sĩ dinh dưỡng Vũ Đại Dương (làm việc tại TPHCM) cho biết thêm, anh chưa từng nghe nói đến chế độ ăn khoa học nào mà chỉ ăn rau củ quả sống. Tốt hơn hết, một người theo chế độ ăn thô nên đảm bảo cơ thể luôn nhận đủ calo và chất dinh dưỡng cần thiết mỗi ngày. Các nhà khoa học không coi chế độ ăn thô là một chế độ ăn lâu dài, an toàn cho sức khoẻ. Do đó, trước khi áp dụng, bạn cần cân nhắc nếu quyết định ăn thô dài lâu.