Hơn ba năm nay, chị Loan (23 tuổi, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) lúc nào cũng thấy nhớ thương bé Na, 4 tuổi vì chẳng được gặp. Chị tha thiết được ôm con gái trong vòng tay, lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ. Anh Quang, người chồng hơn vợ một tuổi, đã cùng gia đình tìm mọi cách ngăn chị gặp con. "Mỗi lần nhớ con, tôi chỉ biết chạy xe qua nhà chồng cũ ngắm con bé", chị Loan nói.
Chị Loan, anh Quang, ở cùng huyện nhưng khác xã. Họ phải lòng nhau trong một lần đi đám cưới. Biết đôi trẻ yêu nhau, bà Bình (mẹ anh Quang) rất vui, vì hai gia đình môn đăng hộ đối.
Năm 2014, Loan về làm dâu. Bà Bình nói các con hãy ở chung, mọi chi phí trong nhà một tay bà lo. Tuy nhiên, bà ra điều kiện anh Quang phải đưa hết thu nhập, quà cưới cho mình giữ.
Chị Loan ban đầu đồng ý, vì nghĩ làm dâu mà không phải lo cơm nước, chợ búa thì khỏe re. Thế nhưng mâu thuẫn bắt đầu từ khi chị mang thai, chẳng thể làm ra tiền. “Anh ấy làm một tháng được hơn 10 triệu, nhưng chỉ được giữ một triệu để tiêu. Muốn mua đồ ăn cho tôi, chở vợ đi khám thai là phải xin mẹ. Hôm nào bà vui còn được, chứ có chuyện là cả gia đình xào xáo”, chị Loan nhớ lại.
Chị Loan cho biết, thời gian tới sẽ kiện để đòi quyền nuôi bé Na. Ảnh: NCCC
Đỉnh điểm là lúc bé Na chào đời, mọi chi phí bắt đầu phát sinh. Số tiền để dành của chị Loan cũng hết. Người mẹ trẻ phải cầu cứu mẹ chồng đưa tiền mua tã, sữa… cho con. “Lần nào đưa tiền bà cũng chửi, bảo tôi không biết kiếm tiền còn tiêu hoang. Vậy mà tôi bảo bà giữ hộ cháu để đi làm mà bà nhất quyết không chịu”, chị Loan kể.
Dù rất thương vợ, nhưng anh Quang nghe mẹ, bỏ qua lời chị Loan, thậm chí đánh chị. Điều này làm mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu trở nên trầm trọng hơn. Chẳng còn cách nào khác, chị Loan phải bỏ đi khi con gái chỉ mới hơn 6 tháng tuổi.
“Hôm đó trời mưa, vợ chồng tôi mâu thuẫn. Mẹ chồng tôi bảo, không sống được ở nhà này thì về nhà mẹ ở. Tôi uất hận, bế con đi cùng mà không thể được khi nhà chồng có đến năm người. Phải xa con lúc đó khi bầu sữa căng tức, tôi đau lắm và buồn lắm”, chị Loan đau buồn nhớ lại.
Năm 2016, sau nhiều lần tìm đủ cách gặp con chẳng được, chị Loan gửi yêu cầu ly hôn đến tòa. Ban đầu, anh Quang tìm mọi cách kéo dài, vì muốn níu kéo vợ, phần khác chờ bé Na đủ 36 tháng tuổi để cắt đứt tình mẫu tử của mẹ con chị. Nhiều lần liên lạc không được, một thư ký của TAND huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đến tận nhà gửi thông báo và nhắc, nếu không hợp tác sẽ mất quyền lợi, người chồng ấy mới chịu ra tòa.
Được ly hôn, nhưng không được quyền nuôi con vì bị cho rằng mình tự tước quyền làm mẹ, chị Loan rất buồn. “Tôi có lỗi với con bé rất nhiều”, chị Loan nói và cho biết, trước đó, anh Quang nhiều lần đến đón vợ về nhưng chị nhất định không chịu.
"Tôi đặt điều kiện, tôi về thì phải ở riêng để độc lập kinh tế, nhưng anh ấy không chịu. Anh ấy nghe mẹ như vậy, tôi có về rồi cũng mâu thuẫn lại", chị Loan nói. Bà Bình thì cho rằng suốt những năm qua, bà không chỉ là bà mà còn là mẹ của bé Na, vì thế sẽ không có chuyện để cháu gặp mẹ.
Giáo sư Vũ Gia Hiền, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa Du lịch cho rằng, quyết định ly hôn của chị Loan là rất đúng. Bởi vì, vợ chồng phải lo rất nhiều thứ, từ con cái đến ăn uống, bạn bè, đối nội đối ngoại, sắm sửa trong nhà… nên bắt buộc phải có kinh tế chung. Nếu không có điều này thì không phải là vợ chồng.
Theo vị giáo sư, chuyện các anh chồng đưa thu nhập cho mẹ giữ trong xã hội hiện nay không phải hiếm. Những người chồng này thường phụ thuộc bố mẹ từ lúc nhỏ. Khi lấy vợ, anh ta không muốn thay đổi. Điều này, xét về mặt tâm lý, anh ta tin tưởng mẹ hơn vợ. Còn xét về bản chất xã hội là sai hoàn toàn.
Khi người chồng đưa tiền cho mẹ mình giữ thì kinh tế của hai vợ chồng phải lệ thuộc vào bà. Trường hợp, mẹ chồng là người tốt, đàng hoàng thì chẳng có điều gì phải bàn, vì bà sẽ lo tốt cho cuộc sống của các con. Trường hợp bà giữ tiền mà có ý đồ không tốt, hoặc gia đình đông người, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống hai vợ chồng.
“Những người chồng như anh Quang là rất dại dột. Cách tốt nhất, người vợ phải nói rõ kế hoạch kinh tế, bằng cách lập một tài khoản chung do hai người đứng tên để mua nhà, nuôi con, lo cho cuộc sống hằng ngày. Nếu không thuyết phục được thì ly hôn như chị Loan là một giải pháp hoàn toàn đúng”, vị chuyên gia nói.
* Tên nhân vật đã thay đổi.
Theo vnexpress.net