Liệu pháp miễn dịch mới chữa lành 100% ca bệnh ung thư: Hiểu đúng như thế nào?

Dưới đây là chia sẻ của TS.BS Phạm Nguyên Quý, BS điều trị tại Khoa Ung thư nội khoa, BV TW Kyoto Miniren, Nhật Bản về Dostarlimab - Liệu pháp chữa lành 100% bệnh ung thư.

Sau khi có thông tin về liệu pháp điều trị miễn dịch mới mang tên Dostarlimab có thể chữa khỏi 100% bệnh ung thư, nhiều bệnh nhân và người thân đã háo hức tìm kiếm thông tin về giá thuốc, hỏi xem có thể mua “xách tay” về Việt Nam được hay không. Trước dự đoán giá thuốc, không ít người "tặc lưỡi" vì quá mắc, nhưng cũng có người nói “đáng đầu tư” nếu có thể chữa lành bệnh hoàn toàn như vậy.

Thực hư về Liệu pháp miễn dịch mới

Đầu tiên, có thể nói rằng đây là tin rất vui cho giới nghiên cứu và cộng đồng bệnh nhân ung thư, khẳng định rằng khoa học vẫn đang tiến bộ hàng ngày để tìm ra các phương pháp mới cải thiện chất lượng điều trị.

Nghiên cứu này vừa được bác sĩ Andrea Cercek và cộng sự công bố ngày 5/6 vừa qua trên tạp chí uy tín The New England Journal of Medicine (NEJM) và được tán dương vì kết quả quá ấn tượng của nó: Thuốc Dostarlimab làm khối u biến mất hoàn toàn trên 100% ca bệnh và các bệnh nhân không cần phải hóa xạ trị và phẫu thuật nữa.

Tuy nhiên, có một số điểm QUAN TRỌNG mà mọi người cần lưu ý để không "vơ đũa cả nắm" rằng liệu pháp miễn dịch nào cũng tốt hoặc loại thuốc này tốt cho tất cả bệnh nhân ung thư.

Thứ nhất, đây là nghiên cứu pha 2, tiến hành trên 12 bệnh nhân ung thư. Điều này có nghĩa là độ may rủi vẫn còn cao và cần nghiên cứu thêm (ví dụ như tiến hành nghiên cứu pha 3 trên nhiều người bệnh hơn) để chứng thực, kiểm định lại kết quả đạt được. Ngoài ra, cần lưu ý rằng nghiên cứu này không thử nghiệm trên tất cả các loại ung thư, tất cả các giai đoạn bệnh mà chỉ nghiên cứu ở tình huống cụ thể là Ung thư Trực tràng, giai đoạn II-III, đây còn được gọi là giai đoạn TIẾN TRIỂN TẠI CHỖ (chưa di căn).

Thứ hai, điều trị TIÊU CHUẨN hiện nay cho những ca bệnh này là Hóa xạ trị bổ trợ trước mổ, sau đó là phẫu thuật cắt bỏ trực tràng. Tỉ lệ bệnh nhân sống sót KHÔNG TÁI PHÁT ở mốc 3 năm là 77% theo nhiều nghiên cứu pha 3 trên hàng nghìn người bệnh. Thử nghiệm với Dostarlimab quả thực ấn tượng vì thuốc đã giúp 100% bệnh nhân tránh được ca mổ với khối u biến mất hoàn toàn và không ai bị tái phát sau 6 - 25 tháng theo dõi. Tuy nhiên, vẫn cần thu thập số liệu ở thời gian lâu hơn, trên nhiều người bệnh hơn mới có thể khẳng định công hiệu của thuốc.

Thứ ba, những bệnh nhân tham gia thử nghiệm còn có đặc điểm chung là suy giảm khả năng sửa chữa DNA không phù hợp (Mismatch Repair-Deficient, MMR-D), là một nhóm "khá hiếm" chỉ chiếm tầm 4 - 5% tổng số bệnh nhân ung thư đại trực tràng.

Suy giảm khả năng sửa chữa DNA không phù hợp là gì?

DNA là cấu trúc quan trọng chứa thông tin di truyền sẽ được sao chép, nhân đôi mỗi khi tế bào phân chia. Tuy nhiên, giống như những văn bản có thể bị sai sót trong quá trình sao lưu, quá trình sao chép DNA này cũng có thể kèm theo lỗi sai (còn gọi là đột biến gene) làm hỏng tế bào và ảnh hưởng đến cách tế bào phát triển. Sự tích tụ các đột biến gene và các tế bào hư hỏng này có thể dẫn đến ung thư về sau.

Điều may mắn là các tế bào bình thường có những gene đặc biệt là gene sửa chữa DNA không phù hợp (MMR) để tìm và sửa các lỗi này trước khi chúng làm hỏng tế bào. Các gene MLH1, MSH2, MSH6, PMS2 và EPCAM là những gene chính liên quan tới việc sửa chữa lỗi hỏng hóc DNA này.

Tuy nhiên, những gene sửa chữa này lại có thể bị hỏng ở một số tình huống, làm tế bào tích tụ nhiều đột biến gene hơn và dễ phát sinh ung thư hơn. Theo các nghiên cứu ở nhiều quốc gia, ước lượng có tầm 1/300 người (0.3%) trên toàn thế giới bị hỏng các gene sửa chữa này từ lúc chào đời, được biết tới trong Hội chứng Lynch với khả năng sửa chữa DNA suy giảm di truyền trong gia đình. Những người bị ảnh hưởng bởi Hội chứng Lynch dễ mắc ung thư hơn người bình thường, với nguy cơ mắc ung thư trong suốt cuộc đời cao hơn 80%. Họ còn có xu hướng bị ung thư ở độ tuổi trẻ hơn và mắc nhiều loại ung thư hơn so với cộng đồng.

Bảng 1. Nguy cơ mắc ung thư liên quan đến hội chứng Lynch.

Trong ung thư đại trực tràng, có khoảng 3 - 5% trường hợp có liên quan tới Hội chứng Lynch. Điều ngày có nghĩa là hầu hết (> 95%) ca mắc ung thư là không rõ nguyên nhân, không liên quan tới suy giảm khả năng sửa chữa gene.

Giảm khả năng sửa DNA giúp ung thư "nhạy hơn" với thuốc miễn dịch?

Dù không phổ biến, khi giảm khả năng sửa chữa gene (MMR-D), các khối u/tế bào ung thư thường tích tụ nhiều đột biến gene hơn và sản xuất, trình diện nhiều phân tử "protein lạ" hơn. Những protein này có thể đóng vai trò như kháng nguyên ung thư, có thể giúp hệ miễn dịch phân biệt tế bào ung thư với tế bào lành để tấn công loại trừ. Đây là nguyên nhân chính giúp nhóm bệnh nhân có đặc điểm MMR-D này đáp ứng tốt với các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch (Immune Checkpoint Inhibitors).

Hình 1: Minh họa đặc điểm của tế bào ung thư do suy giảm khả năng sửa chữa DNA không phù hợp (MMR-D)

Những dòng thuốc mới này giúp hệ miễn dịch nhận diện và tấn công ung thư hiệu quả hơn. Hàng nghìn nghiên cứu trong 30 năm qua đã cho thấy tế bào ung thư dùng các "giao tiếp ngầm" liên quan tới các phân tử như PD-1, PD-L1 và CTLA-4 để "hối lộ" hay "ru ngủ" các tế bào miễn dịch, giúp chúng không bị tấn công. Từ phát kiến này, các thuốc như nivolumab, pembrolizumab (kháng PD-1), avelumab, atezolizumab, durvalumab (kháng PD-L1) hay ipilimumab (kháng CTLA-4)… đã được phát triển để ức chế các điểm giao tiếp (hay điểm kiểm soát miễn dịch) này, qua đó kích thích hệ miễn dịch tấn công và loại trừ các tế bào ung thư ở nhiều tình huống khác nhau.

Hình 2. Minh họa về Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch: Tế bào miễn dịch (T cell) nhận "hối lộ" qua cặp tín hiệu PD-1 và PD-L1, "công nhận" tế bào ung thư là "người nhà". Thuốc kháng PD-1 hoặc PD-L1 làm hệ miễn dịch nhận ra "kẻ địch" và "vùng lên chiến đấu".

Trong ung thư đại trực tràng, các thuốc pembrolizumab hay kết hợp nivolumab và ipilimumab đã chứng minh được hiệu quả và tăng cơ hội kéo dài thời gian sống trên những bệnh nhân ung thư đại trực tràng tái phát hoặc di căn có đặc điểm MMR-D.

Trở lại nghiên cứu đang được quan tâm, thuốc sử dụng là dostarlimab, một thành viên mới trong nhóm thuốc kháng PD-1. Ở Mỹ và Châu Âu, dostarlimab đã được cho phép sử dụng trong điều trị ung thư nội mạc tử cung tái phát hoặc di căn thuộc nhóm MMR-D, sau khi lờn phác đồ hóa trị chứa bạch kim/Platinum. Vào tháng 8 năm 2021, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chuẩn thuận dostarlimab cho những ca ung thư dạng rắn (solid tumors) giai đoạn muộn có đặc điểm MMR-D.

Như vậy, dù thuốc dostarlimab có hiệu quả tuyệt vời ở thử nghiệm lâm sàng pha 2 với 12 người bệnh nói trên, vẫn còn hơi sớm để chắc chắn về công hiệu của thuốc trong tình huống này. Tuy nhiên, với những kiến thức có sẵn về miễn dịch và ung thư, chúng ta có quyền hi vọng những thử nghiệm tiếp theo, trên nhiều bệnh nhân hơn, sẽ khẳng định kết quả tốt đẹp này, góp phần giúp dostarlimab sớm được chuẩn thuận và đưa vào sử dụng rộng rãi cho người bệnh ung thư trực tràng có đặc điểm MMR-D.

Vì kết quả nghiên cứu này chưa/không thể áp dụng đại trà cho tất cả các loại ung thư, cần thận trọng khi loan truyền thông tin "điều trị miễn dịch làm biến mất mọi khối u" vì đó chỉ là…một nửa sự thật. Tuy nhiên, việc tin vào ngày mai để cố gắng hết mình cho hôm nay vẫn rất cần thiết!

※Lưu ý: Đặc điểm MMR-D thường được đánh giá qua xét nghiệm hóa mô miễn dịch khối u. Quý bệnh nhân và người thân quan tâm có thể hỏi thêm bác sĩ của mình về chỉ số này.

Tài liệu tham khảo

https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa2201445

https://www.fda.gov/drugs/resources-information-approved-drugs/fda-grants-accelerated-approval-dostarlimab-gxly-dmmr-advanced-solid-tumors

https://www.fda.gov/drugs/resources-information-approved-drugs/fda-grants-accelerated-approval-dostarlimab-gxly-dmmr-endometrial-cancer

https://yhoccongdong.com/thongtin/hoi-chung-lynch/

https://www.cancer.gov/about-cancer/treatment/types/immunotherapy/checkpoint-inhibitors

 

Link gốc: http://ttvn.toquoc.vn/lieu-phap-mien-dich-moi-chua-lanh-100-ca-benh-ung-thu-hieu-dung-nhu-the-nao-82022156161646186.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU