Loạn danh xưng 'trường quốc tế'

Sau một số vụ bê bối liên quan “trường quốc tế” tại địa phương, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng khẳng định, không có quy định nào về “trường quốc tế”, cũng như không có tiêu chuẩn cụ thể nào cho những trường mang danh “quốc tế” đóng trên địa bàn.

Một trường có gắn chữ “quốc tế” tại Đà Nẵng.

Tại Đà Nẵng, một số trường mang tên “quốc tế” hoặc gắn mác giới thiệu quốc tế. Ví dụ Trường liên cấp quốc tế Singapore tại Đà Nẵng, Trường TH&THCS Quốc tế Việt Nam Singapore, Trường Mầm non Quốc tế Little Giants, Trường Mầm non Cohas Đà Nẵng, Trung tâm Chăm sóc và giáo dục mầm non OneSky - Đà Nẵng.

Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT TP, cho biết, trong các văn bản pháp luật hiện nay, không có quy định nào về “trường quốc tế” và cũng không có tiêu chuẩn cụ thể nào cho trường mang danh “quốc tế”.

Hệ thống cơ sở giáo dục trên địa bàn Đà Nẵng hiện có 207 trường mầm non, trong đó công lập 71, dân lập 1, tư thục 135; 99 trường Tiểu học, trong đó công lập 98, tư thục 1; 57 trường THCS công lập; 20 trường THPT công lập; 13 trường nhiều cấp (gồm 1 trường công lập THCS và THPT Nguyễn Khuyến và 12 trường tư thục); 3 trung tâm giáo dục thường xuyên. 

Có 3 trường có vốn đầu tư nước ngoài trong tên gọi có cụm từ quốc tế, bao gồm: Trường Mầm non Quốc tế Little Giants; Trường liên cấp quốc tế Singapore tại Đà Nẵng; Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Quốc tế Hoa Kỳ APU – Đà Nẵng; các trường này đều có vốn đầu tư từ nước ngoài, có sử dụng chương trình đào tạo của nước ngoài và học sinh đến từ các quốc gia khác.

“Như vậy, chỉ có thể gọi các trường này là các trường có yếu tố nước ngoài, chứ không nên gọi trường quốc tế, vì luật chưa quy định loại hình này”, bà Thuận nhấn mạnh.

Luật Giáo dục quy định các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm: Trường công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu; Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở gồm tổ chức và cá nhân tại thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, xã, phường, thị trấn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện hoạt động.

Loại hình trường dân lập chỉ áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non; Trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.

Theo bà Thuận, Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục quy định, việc đặt tên cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động dưới hình thức trường hoặc trung tâm được đặt tên theo quy định: “Trường” – “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và tên riêng.

Tên riêng của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không được đặt trùng, hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đã đăng ký, với tên của DN thực hiện dự án đầu tư; không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài có tên giao dịch bằng tiếng Việt và tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh (hoặc bằng một ngôn ngữ nước ngoài thông dụng khác) với nội dung tương đương...

Trường học có gắn chữ "quốc tế" tại Đà Nẵng

Với trường có nhiều cấp học, Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT quy định tên gồm: Trường THCS (hoặc THPT; tiểu học và THCS; THCS và THPT; tiểu học, THCS và THPT; THPT chuyên) + tên riêng của trường; Tên trường được ghi trên quyết định thành lập, con dấu, biển tên trường và giấy tờ giao dịch...

“Như vậy, hiện nay, khi một trường được thành lập mà có những yếu tố nước ngoài như chương trình giảng dạy là chương trình nước ngoài đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt, đối tượng học người nước ngoài, các gói dịch vụ trường cung cấp theo chuẩn nước ngoài... và gắn thêm cụm từ quốc tế, chỉ để khẳng định sự khác biệt nhằm thu hút người học”, lãnh đạo Sở GD&ĐT nói.

Việc quản lý các trường có yếu tố nước ngoài  được UBND TP và UBND các quận, huyện phân cấp quản lý như các trường ở các loại hình khác.

Thế nhưng, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng thừa nhận, cũng có những khó khăn nhất định do các nhà đầu tư cung cấp không đầy đủ các thông tin về các hoạt động giáo dục của trường trong các báo cáo định kỳ cũng như đột xuất; công tác sinh hoạt chuyên môn theo cấp học với đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các trường này cũng gặp khó khăn, nhất là với các trường giảng dạy chương trình nước ngoài. 

Trường “quốc tế” bị tố lạm thu, trốn thuế?

Ngày 16/9, ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ quận Hải Châu, có con học tại Trường quốc tế Singapore) có Đơn tố giác về hành vi trốn thuế của Công ty Cổ phần KinderWorld Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng, gửi Cơ quan CSĐT Công an Đà Nẵng; Cục Thuế Đà Nẵng và Chi cục Thuế quận Ngũ Hành Sơn.

Theo ông Tuấn, ông có 3 con theo học Trường Quốc tế Singapore tại Đà Nẵng thuộc hệ thống giáo dục của Công ty cổ phần Kinderworld Việt Nam. Theo thông báo của trường, gia đình ông có trách nhiệm nộp tiền học phí cho các cháu trong năm học 2019- 2020, số tiền học phí được quy định cho từng cấp học. Trong đó, cháu lớp 1 phải nộp hơn 215 triệu; cháu lớp 6 hơn 259 triệu và cháu lớp 3 hơn 209 triệu.

Các con ông Tuấn đã theo học tại trường này từ nhiều năm qua, có cháu đã học 5 năm, có cháu học 2 năm. Tất cả các khoản tiền nộp cho trường từ trước đến nay đều được cấp Invoice và Phiếu thu.

“Về trường hợp cháu lớp 1, dựa trên thông tin phía trường đưa ra, tôi đã chuyển khoản đủ số tiền trên vào tài khoản của chi nhánh Công ty. Theo đó, tôi có nhận được 2 tờ phiếu thu số 012225 và 001602 ghi ngày 15/5/2019 để xác nhận họ đã nhận đủ số tiền theo quy định.

Nhưng khi tôi yêu cầu họ phải xuất hóa đơn theo quy định họ đã không làm. Tôi nhận thấy hành vi này của Công ty cổ phần Kinderworld Việt Nam đã vi phạm pháp luật theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 200 (Tội trốn thuế), BLHS vì không xuất hóa đơn khi bán hàng, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho rằng, việc không xuất hóa đơn chứng từ đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông, ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách Nhà nước. “Tôi tố giác Công ty cổ phần Kinderworld Việt Nam - Chi nhánh Công ty cổ phần Kinderworld Việt Nam tại Đà Nẵng đã có dấu hiệu của tội trốn thuế. Đề nghị các cơ quan chức năng có trách nhiệm vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ”, ông Tuấn nói.

Trước đó, như PLVN đã thông tin, ông Tuấn cùng một số phụ huynh phản ánh việc trường này còn chiếm dụng tiền phụ huynh. Vào đầu năm học, phụ huynh đóng trước 100% các khoản gồm phí ghi danh, học phí, tiền ăn bán trú… Nhưng trường còn tự ý đặt ra một khoản phí đặt cọc năm học 2019-2020 với số tiền 8 triệu /học sinh.

Mới đây ông Tuấn và một số phụ huynh đã khởi kiện Chi nhánh Công ty Cổ phần KinderWorld Việt Nam, đơn vị quản lý, điều hành Trường quốc tế Singapore tại Đà Nẵng ra Tòa. Sau đó, phía Chi nhánh Công ty Cổ phần KinderWorld Việt Nam đã đơn phương chấm dứt hợp đồng, không tiếp nhận con của những phụ huynh đứng đơn kiện. Hiện vụ việc đang được TAND quận Ngũ Hành Sơn thụ lý.

 

Theo Phapluatplus

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU