Loạt câu chuyện làm nên bản lĩnh vượt qua mùa dịch không thể quên năm 2020

Nếu 2020 là một năm đáng nhớ của bạn, theo một nghĩa nào đó thì đây cũng là năm xã hội xuất hiện thêm nhiều câu chuyện ý nghĩa, không thể quên.

 

Nếu không nhắc về năm 2020 với những sự kiện buồn, bạn sẽ chọn kể về điều gì?

Bài viết này sẽ chọn góc nhìn về những điểm sáng trong mùa dịch đã qua, chọn kể về những cá nhân, tập thể đã thể hiện bản lĩnh phi thường, sự bứt phá trong năm 2020 bằng thái độ sống lạc quan, tích cực được giới trẻ yêu thích.

Hạng mục Bản lĩnh đương đầu thuộc nhóm Gen bản lĩnh là hạng mục mới toanh, lần đầu tiên xuất hiện của WeChoice năm nay. Nếu bạn cũng có một "người hùng" của riêng mình trong năm qua, hãy cùng gửi đề cử của bạn tại đây.

ATM gạo và khẩu trang

Ngày 6/4, ATM gạo đầu tiên của Hoàng Tuấn Anh được dựng lên tại đường Vườn Lài (quận Tân Phú), đặt dấu mốc đầu tiên cho một chiến dịch thiện nguyện khổng lồ: 100 máy phát gạo xuất hiện ở khắp các tỉnh thành chỉ trong 15 ngày, 10.000 tấn gạo được quyên góp để giúp đỡ người nghèo, tương đương đến cả hơn 100 tỷ đồng thiện nguyện. Đây là con số khổng lồ trong từ thiện!

Vì sao mô hình ATM gạo lại thể hiện cho bản lĩnh đương đầu trong mùa dịch? Bởi, nó là minh chứng cho lòng tốt vẫn còn trong xã hội, lan toả yêu thương trong cộng đồng, khắc hoạ rõ nét tình thần tương thân tương ái của người Việt.

"Cha đẻ" ATM gạo - Hoàng Tuấn Anh

Tháng 7, khi dịch tạm lắng, Hoàng Tuấn Anh chuyển từ phát gạo sang phát khẩu trang vì anh nghĩ đây là cách để khuyến khích mọi người lao động an toàn. Thay vì số tiền dùng để mua khẩu trang, họ sẽ dùng nó để mua vài kg gạo.

Lòng tốt chỉ thật sự có giá trị khi đặt đúng chỗ, đúng người và đúng lúc. Và chương trình ATM gạo hay ATM khẩu trang do Hoàng Tuấn Anh khởi xướng, chính là một kiểu làm từ thiện văn minh và đúng lúc như thế. 

ATM khẩu trang được anh dựng lên sau ATM gạo

Bản lĩnh đương đầu mùa dịch ở góc độ của "cha đẻ" ATM gạo Hoàng Tuấn Anh chính là cách anh bình tĩnh sống để đưa ra những giải pháp thức thời mà xã hội cần, nhân rộng lòng tốt và xây dựng được khối niềm tin vững chắc ngay trong lúc lòng người cảm thấy bất an nhất. 

Hệ thống ròng rọc chuyển đồ

Một trong những sáng kiến mùa dịch nổi bật trong năm qua chính là hệ thống ròng rọc chuyển đồ. Trong giai đoạn Thủ tướng chính phủ đưa ra Chỉ thị 16 về việc thực hiện giãn cách xã hội, nhiều chủ hộ kinh doanh quán ăn đã gặp khó khăn. Trong "cái khó ló cái khôn", một chủ quán phở ở quận Tân Phú, đã sáng chế ra chiếc ròng rọc để giao dịch an toàn với khách hàng.

Hệ thống ròng rọc gồm khay đựng gắn bánh xe di chuyển trên khung cửa sắt, dài khoảng 3,5m, đảm bảo việc giao hàng và nhận - thối tiền đúng khoảng cách an toàn. Khách hàng gọi món từ ngoài quán, chủ quán chuẩn bị các phần phở mang về và dùng ròng rọc đưa ra cho khách, không cần tiếp xúc trực tiếp với nhau.

Hệ thống ròng rọc chuyển đồ là sáng kiến hay mùa dịch

Ngay sau khi mô hình ròng rọc chuyển đồ này xuất hiện, nhiều người kinh doanh hàng quán ăn ở Sài Gòn đã học theo và mô hình này còn xuất hiện ở Hà Nội. 

Đừng nghĩ rằng chỉ những hoạt động mang tính đóng góp cho cộng đồng mang quy mô lớn như ATM gạo mới là bản lĩnh đương đầu. Một sáng kiến nhỏ mang tính thúc đẩy kinh doanh cá nhân như ông chủ quán phở, nhưng vẫn đề cao tinh thần bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, chấp hành chỉ thị mà Thủ tướng đưa ra, cũng là bản lĩnh. Bạn đừng quên, mỗi người là một mắt xích tạo nên sự kết nối trong xã hội. Chỉ cần mỗi cá nhân có tinh thần tốt, xã hội ắt sẽ sớm vượt qua được khó khăn.

Robot nhắc đeo khẩu trang 

Bên cạnh hệ thống ròng rọc chuyển đồ thì robot nhắc đeo khẩu trang cũng nổi lên như một sáng kiến hay, giúp nâng cao hiệu quả phòng dịch trong cộng đồng. 

Robot nhắc đeo khẩu trang được một nhóm bạn trẻ TP.HCM sáng tạo để tham gia cuộc thi online Hackathon mang tên "Hack Cô Vy" nhằm giải quyết các vấn đề của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu.

Beetle Bot - Robot nhắc mọi người đeo khẩu trang được phát triển bởi nhóm bạn trẻ TP.HCM

Trong vòng 48 giờ, nhóm bạn này đã hoàn thiện các ứng dụng AI trên chú robot mang tên Beetle Bot, giúp phát hiện người không đeo khẩu trang, người không thực hiện giãn cách an toàn. Với sáng kiến này, nhóm có thể giảm tải gánh nặng trong công tác quản lý và theo dõi bệnh nhân ở các bệnh viện dã chiến.

Ngoài bệnh viện, văn phòng hay các toà nhà, Beetle Bot còn chạy được trong môi trường outdoor đã biết trước, đi trên các làn đường đi bộ, băng qua đường với bộ giảm xóc tối thiểu khi vận chuyển hàng hóa, hoạt động trong điều kiện thời tiết khác nhau và hoạt động luôn cả ngày lẫn đêm.

Cận cảnh chú robot

Ở Hà Nội, trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia cũng đã thử nghiệm phát triển sản phẩm công nghệ robot FUSO nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang khi đến nơi công tác. 

Sản phẩm này có thể đặt tại các nơi công cộng, công sở, tòa chung cư… có tính năng nhận dạng người chưa đeo khẩu trang và đưa ra lời nhắc "Bạn chưa đeo khẩu trang. Vui lòng đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn thường xuyên để phòng chống dịch Covid-19".

Robot FUSO có chức năng tương tự với Beetle Bot nhưng được phát triển ở phía Bắc

Người có của góp của, người có trí góp trí. Bằng việc vận dụng những kiến thức và sự am hiểu của mình trong lĩnh vực sáng chế, sự ra đời của robot FUSO và Beetle Bot là dấu ấn bản lĩnh của những người trẻ Việt trong giai đoạn khó khăn, góp phần tạo ra giải pháp giảm tải những gánh nặng cho bộ máy quản lý. 

Nhiều hội nhóm, trào lưu tích cực ra đời để phòng dịch đúng cách - ở nhà vẫn vui

Hội nghiện nhà, Yêu Bếp - Nghiện Nhà, Ghen Cô Vy - Vũ điệu rửa tay, Ở nhà vẫn vui, Tôi ở nhà bạn cũng thế, Work from home… là những nhóm hội, trào lưu đã ra đời và phát triển mạnh mẽ nhằm tuyên truyền ý thức phòng dịch đúng cách trong cộng đồng và tạo ra sân chơi hữu ích trong những ngày giãn cách xã hội. 

         
 
   
         
 
   
         
 
   
         
 
   

Những trào lưu MXH sôi động trong thời điểm dân tình phải ở nhà chống dịch

Người có công lớn trong việc lan toả các thông điệp cộng đồng tích cực này chính là các admin, trưởng hội, những người đứng đầu các dự án truyền thông và tất cả những ai đã tham gia và góp sức tạo nên sức ảnh hưởng của các trào lưu, nhóm hội trên MXH.

Không chỉ có tác động lớn trong cộng đồng mạng Việt, Ghen Cô Vy - Vũ điệu rửa tay còn vươn ra "biển lớn" khi ca khúc được dịch ra nhiều thứ tiếng Trung Quốc, Anh, Pháp..., được truyền thông quốc tế ca ngợi là một biện pháp tuyên truyền phòng bệnh dựa trên khoa học mà vẫn thu hút cộng đồng một cách rất hiệu quả.

Vũ điệu rửa tay của Quang Đăng có sức viral khủng khiếp

Là trào lưu MXH vượt ra khỏi biên giới Việt Nam được khen ngợi trên truyền hình Mỹ

Cộng đồng mạng Nhật Bản cũng hưởng ứng

Tinh thần lạc quan, lan toả năng lượng tích cực của hội đi cách ly

Cũng là một cách thể hiện bản lĩnh đương đầu ở khía cạnh tinh thần, nhật ký cách ly của Châu Bùi, Minh Tú, Võ Hoàng Yến… đã đem đến những tác động đầy tích cực, trấn an trong cộng đồng rất lớn. 

Thông qua những thông tin mà Châu Bùi hay Võ Hoàng Yến chia sẻ trên trang cá nhân, mọi người dễ dàng cảm nhận được các y, bác sĩ làm việc khu cách ly rất tận tình, chu đáo, họ chăm sóc bệnh nhân rất sát sao còn hơn cả người nhà. 

Bởi vậy, những ngày trong khu cách ly bỗng trở thành cơ hội để người vốn bận rộn như Châu hay Yến có thời gian cân bằng lại bản thân, tham gia các hoạt động thể chất, nâng cao giá trị tinh thần mà ngày thường hiếm khi để tâm đến. Họ cũng không quên sử dụng trang cá nhân để lan truyền thông điệp của ngành y tế, nhằm nâng cao ý thức cho những người đang ở bên ngoài.

Châu Bùi có nhật ký cách ly được Cổng thông tin Chính phủ khen ngợi

Võ Hoàng Yến biến chuyến cách ly thành quãng thời gian giao lưu, kết bạn

Việc Minh Tú đi công tác 4 ngày ở Bali nhưng lại kẹt ở đây tận 4 tháng cũng là một trường hợp đặc biệt trong mùa dịch. Ban đầu siêu mẫu cũng rất hoang mang nhưng sau khi liên hệ với Đại sứ quán, được hướng dẫn và tìm hiểu thông tin kỹ càng thì cô đã nhanh chóng chấp nhận và quyết định tìm niềm vui mới trong những ngày mắc kẹt. 

Dù ở trong tình thế "éo le" song Minh Tú lại làm Vlog kể lại cuộc sống của mình ở Bali như một cách để tự mang đến niềm vui cho mình nhưng cũng là đang lan toả suy nghĩ tích cực cho những người dõi theo cô. Ít ai biết rằng phía sau những chia sẻ vui nhộn, làm những điều vui vẻ trong vlog, Minh Tú chỉ dám uống cafe gói, tằn tiện trong chi tiêu và không dám nhận hỗ trợ từ fan quốc tế. 

         
 
   
         
 
   

Minh Tú luôn chia sẻ hình ảnh đầy lạc quan khi mắc kẹt tại Bali

Cô cho biết, mỗi tháng mình tốn mất gần 50 triệu tiền sinh hoạt phí cộng với phí thuê villa để ở. Không đi làm, không kiếm ra tiền lại phải mất một khoản tiền lớn như vậy trong vài tháng liền mà vẫn dành thời gian để chia sẻ những điều tích cực lên mạng thì phải nói Minh Tú rất mạnh mẽ và đầy bản lĩnh.

WeChoice Awards - Giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng - đã quay trở lại với thông điệp mới: Diệu Kỳ Việt Nam.

Sự diệu kỳ của Việt Nam trong năm 2020 không chỉ đến từ những con số về nền kinh tế tăng trưởng, sự rộng lớn hay quyền lực. Sự diệu kỳ ấy đến từ mỗi con người của một đất nước nhỏ bé, từ những người đứng đầu cho đến những người dân lao động bình thường, từ những y bác sĩ cho đến những người công an, từ những người cha, người mẹ, người con.

Hãy cùng chúng tôi tôn vinh những câu chuyện và những nhân vật mà bạn thấy xứng đáng có mặt trong WeChoice Awards 2020 qua cổng đề cử chúng tôi dành riêng cho bạn.

Truy cập wechoice.vn để gửi Đề cử của bạn về cho WeChoice Awards 2020.

Thời gian gửi đề cử: 22/12/2020 - 05/01/2021.

Link gốc: https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/loat-cau-chuyen-lam-nen-ban-linh-vuot-qua-mua-dich-khong-the-quen-nam-2020-162203012190024643.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU