Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh nhằm giúp mọi người hiểu rõ vấn đề này dưới góc nhìn pháp lý.
PV: Ai có quyền yêu cầu các nghệ sĩ phải sao kê tài khoản ngân hàng để chứng minh việc làm từ thiện (từ khâu kêu gọi người dân ủng hộ đến việc tặng tiền, quà cho đồng bào miền Trung) của họ là trong sạch, thưa luật sư?
Luật sư Phạm Thanh Hữu: Về vấn đề này, chúng ta cần hiểu như sau, người dân tự nguyện gửi tiền cho các nghệ sĩ với mong muốn nhờ họ chuyển số tiền này cho đồng bào miền Trung đang gặp hoàn cảnh khó khăn do bão lũ gây ra và các nghệ sĩ đã đồng ý thực hiện. Như vậy, có thể thấy người dân tự nguyện gửi tiền cho các nghệ sĩ là bên tặng cho tài sản, đồng bào miền Trung đang gặp hoàn cảnh khó khăn được nhận tiền từ các nghệ sĩ là bên được cho tài sản, còn các nghệ sĩ chỉ là người giữ vai trò trung gian (có thể gọi là người được bên tặng cho tài sản "ủy quyền" làm thay).
Do đó, việc làm từ thiện trong trường hợp này được điều chỉnh bởi quy định về Hợp đồng ủy quyền tại Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo khoản 1 Điều 568 Bộ luật Dân sự năm 2015, bên ủy quyền có quyền yêu cầu bên được ủy quyền thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc ủy quyền. Điều này có nghĩa những người dân đã gửi tiền cho các nghệ sĩ được phép yêu cầu các nghệ sĩ sao kê tài khoản ngân hàng, cung cấp thông tin, tài liệu khác để chứng minh rõ các nghệ sĩ đã hoàn thành việc làm từ thiện.
Cần phải lưu ý, việc yêu cầu các nghệ sĩ sao kê tài khoản ngân hàng là quyền của người dân đã gửi tiền cho các nghệ sĩ (còn những người không gửi tiền cho các nghệ sĩ thì không có quyền này).
Luật sư Phạm Thanh Hữu
PV: Thưa luật sư, nếu trường hợp một người nào đó nhận tiền từ thiện do nhà hảo tâm quyên góp mà không gửi đến đồng bào miền Trung, có ý định ăn chặn số tiền này thì có bị xử lý gì hay không?
Luật sư Phạm Thanh Hữu: Theo tôi, trong trường hợp này thì người giữ vai trò trung gian (các nghệ sĩ) không hoàn thành đúng việc mà người gửi tiền làm từ thiện đã "ủy quyền" nên người gửi tiền làm từ thiện có quyền đòi lại tiền đã gửi. Trường hợp, ở mức độ nghiêm trọng thì người giữ vai trò trung gian này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
PV: Qua sự việc nêu trên, luật sư có lưu ý thêm gì để việc làm từ thiện của các nghệ sĩ được diễn ra thuận lợi nhằm giúp đỡ tốt nhất cho đồng bào gặp khó khăn, cũng như giữ được danh tiếng cho các nghệ sĩ?
Luật sư Phạm Thanh Hữu: Theo tôi, bất kỳ ai làm từ thiện, xuất phát từ cái tâm, tình yêu thương con người, hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn thì đều xứng đáng để được mọi người trân trọng.
Tuy nhiên, để người dân tin tưởng (tránh sự nghi ngờ không đáng có), an tâm và tiếp tục gửi tiền nhờ các nghệ sĩ ủng hộ đồng bào gặp khó khăn thì trước tiên các nghệ sĩ phải làm từ thiện một cách đúng pháp luật.
Đồng thời, trong trường hợp người ủng hộ tiền từ thiện không yêu cầu các nghệ sĩ phải sao kê tài khoản ngân hàng, cung cấp thông tin, tài liệu khác để chứng minh rõ đã hoàn thành việc làm từ thiện thì các nghệ sĩ cũng nên công khai những thông tin này để mọi người được biết, nhằm tránh xảy ra việc nghi ngờ không đáng có từ người dân. Việc các nghệ sĩ tự nguyện sao kê tài khoản ngân hàng (dù không ai bắt buộc) không những thể hiện sự minh bạch của mình mà còn có được niềm tin yêu từ khán giả.
Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/luat-su-giai-dap-ro-ve-nghia-vu-sao-ke-tai-khoan-ngan-hang-cua-cac-nghe-si-162210809220420053.htm
Theo ttvn.vn