Cần phải xem tường trình của bà Quy có phù hợp với lời khai của tài xế hay không?
Liên quan đến vụ việc học sinh lớp 1 trường Gateway tử vong trên xe ô tô, sau 2 tuần điều tra, ngày 20/8 công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) tiếp tục triệu tập, làm việc với bà Nguyễn Bích Quy, người chịu trách nhiệm đưa đón học sinh của trường. Đồng thời trên MXH cũng xôn xao về tờ đơn gồm nhiều trang do phía luật sư cung cấp, mà trong đó bà Quy trình bày lại toàn bộ sự việc ngày 6/8.
Người phụ nữ cho biết, sau khi bà gửi đơn nhờ luật sư hỗ trợ, thì phía văn phòng luật đã cử người gặp gỡ, nghe bà nói lại mọi việc rồi soạn đơn lại cho rõ ràng.
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Luật sư Nguyễn Văn Ngọc (Công ty luật hợp danh Thái Bình Dương - Đoàn luật sư Nghệ An) cho rằng, không có gì đảm bảo đơn tường trình mới của bà Quy đúng như những gì đã xảy ra. Cơ quan chức năng cần kiểm chứng lại toàn bộ thông tin.
"Trong đơn trình bày, khi bà Quy quay lại vào buổi chiều thì phát hiện toàn bộ rèm xe bị kéo vào, khác với buổi sáng là toàn bộ rèm bị kéo ra. Chi tiết này cần được chứng minh. Để khẳng định thông tin của bà Quy là đúng thì cần phải lấy lời khai từ phía tài xế hoặc trích xuất camera trước cổng trường. Cần phải xem lời khai của bà có phù hợp với lời khai của tài xế hay không. Như vậy tính đến hiện tại, thông tin từ người phụ nữ này đưa ra đặt nhiều nghi vấn" - luật sư nói.
Bà Nguyễn Bích Quy - người chịu trách nhiệm đưa đón học sinh của trường Gateway.
Theo đó, mấu chốt trong vụ việc phát hiện cháu L.H.L. tử vong trên xe là phải công bố nguyên nhân tử vong sau khi đã khám nghiệm tử thi, những dấu vết trên cơ thể nạn nhân là mới hay cũ, vết thương đó gây ra cái chết hay không. Kết quả giám định là cơ sở chính xác, khoa học nhất để cơ quan điều tra tiến hành làm rõ trách nhiệm của những người liên quan.
Giải đáp thắc mắc, tại sao sau 2 tuần điều tra, cơ quan chức năng chưa công bố nguyên nhân tử vong của cháu L., luật sư Nguyễn Ngọc phân tích, theo quy định tại Điều 172 Bộ luật tố tụng hình sự, thời hạn điều tra vụ án hình sự được tính kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra như sau: Không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; Không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng; Không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Trường hợp hết thời hạn điều tra mà không thể kết thúc việc điều tra thì Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, quyết định gia hạn điều tra theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này. Nếu vụ án có tính chất phức tạp, cần thiết phải gia hạn để điều tra thì cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra trong thời gian chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra.
Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng việc tung tin đồn thất thiệt
Trước vấn đề ngày 19/8 trên MXH đồn thổi thông tin tài xế là ông Doãn Quý Phiến tử vong không rõ lý do gây xôn xao dư luận, luật sư cho biết, tùy vào tính chất mức độ, mục đích và hậu quả gây ra mà người tung tin đồn thất thiệt sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tại Điều 288 Bộ luật hình sự quy định về "Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông". Người nào thực hiện hành vi gây hậu quả đến mức nguy hiểm cho xã hội thì sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điểm a, khoản 1 điều này với hình phạt có thể đến 3 năm tù.
Luật an ninh mạng đã có hiệu lực pháp luật, trong đó quy định hành vi nào được phép thực hiện trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, hành vi nào là nghiêm cấm. Điều 8 Luật an ninh mạng quy định các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng bao gồm việc sử dụng không gian mạng để thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Chiều 19/8, Công an quận Cầu Giấy đã gặp ông Phiến tại nhà riêng. Ảnh: Infonet.
Trong trường hợp hành vi được xác định là chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, chưa tác động xấu đến xã hội, không xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm,uy tín của người khác, chưa ảnh hưởng lớn đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân... thì hành vi này vẫn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số, vô tuyến điện mức hình phạt có thể lên tới 30 triệu đồng.
Cụ thể, việc cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.
Trong đơn trình bày mới của mình, bà Quy cho rằng trước đó khi xảy ra vụ việc tâm trạng hoảng loạn nên giờ sau khi tĩnh tâm lại, bà nhớ lại một số chi tiết bất thường. Theo bà, chi tiết bất thường đầu tiên là chiếc rèm xe ô tô. Bà nói, ngày hôm xảy ra vụ việc khi xe đến cổng trường Gateway, bà đã kéo cửa xe xuống trước, một tay bế, một tay dắt hai cháu tên An và Giang mới đi học đang quấy khóc.
Sau khi các cháu xuống xe hết, bà Quy còn bước lên để nhìn xem còn cháu nào để quên đồ đạc gì không rồi mới xuống xe. Sau đó, ông Phiến lái xe đi còn bà bế và dắt hai cháu An, Giang vào phòng ăn, lúc này các cháu xuống trước đã tự chạy vào trong, và bà Quy đã ghi vào sổ bàn giao đủ 13 cháu.
Đến chiều, khi đón các cháu về, bà Quy phát hiện thiếu 1 cháu nên đã báo nhân viên trong trường đi tìm, đồng thời bà vẫn đưa các cháu còn lại ra xe. Ra đến xe, bà thấy tất cả rèm xe đều đã buông kín, khác hẳn buổi sáng là tất cả rèm xe đều mở, nhất là rèm chỗ cửa kéo nơi bà ngồi.
Điểm bất thường thứ hai theo người phụ nữ này là thời điểm phát hiện bé L. nằm trên xe, một người đàn ông gần đấy lập tức chạy vào bế cháu bé chạy vào trường cấp cứu.
Bà định chạy theo cháu L. nhưng các cháu học sinh còn lại quấn lấy chân nên bà đưa các cháu lên xe, và thấy trên xe có balo của cháu L. và một quả bóng bay.
"Quả bóng màu hồng, tôi vẫn nhớ màu sắc quả bóng đó, cháu Minh sau đó đã cầm quả bóng này về nhà. Sáng quả bóng này không có trên xe. Và tôi vẫn thắc mắc, ai đã buông rèm xe, nếu tài xế buông rèm chắc chắn phải nhìn thấy cháu L.", bà Quy nói.
Điểm bất thường nữa là theo bà Quy là vào sáng 6/8, cháu L. mặc chiếc áo màu đỏ, người giúp việc của nhà cháu L. đưa cho bà Quy một chiếc balo. Cháu L. lên xe, tự xuống ngồi ở hàng ghế thứ 4 sau ghế lái. Bà Quy cầm balo của cháu L. lên đặt vào ghế cạnh chỗ cháu L. ngồi.
Nhưng thời điểm phát hiện cháu L. bất tỉnh trên xe, bà Quy thấy cháu L. mặc chiếc áo màu trắng xám nằm ở sàn xe, dưới ghế ngay sau ghế lái.
Liên quan đến vụ việc trên, ngày 21/8 trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Thanh Sơn - Trưởng Văn phòng luật sư Thành Sơn và Cộng sự xác nhận những tờ khai kia chính là của bà Quy gửi đến văn phòng luật sư mình.
Về việc bà Quy thay đổi lời khai, khác hoàn toàn với trước kia, ông Sơn cho biết: "Trước đây bà Quy khai thế nào chúng tôi không biết, giờ bà ấy có đơn nhờ hỗ trợ chúng tôi chỉ hỏi bà ấy và ghi lại để thông tin chính xác".
Trước đó, khi trả lởi PV, bà Quy nói rằng không biết cháu L. đã xuống xe hay chưa, nhận trách nhiệm về mình trước sự việc trên.
Theo Trí thức trẻ